Công nhân ngóng tăng lương tối thiểu vùng

THÀNH ĐỨC - MINH LONG | 05/08/2023 19:45

(BKTO) - Dự kiến, ngày 09/8 tới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp phiên đầu tiên để bàn về lương tối thiểu vùng 2024. Lương tối thiểu vùng tăng hay hoãn, nếu tăng thì tăng bao nhiêu là phù hợp. Đây đang là vấn đề đang được người lao động ngóng đợi.

anh-tang-luong.jpg
Công nhân mong muốn lương tối thiểu vùng sẽ tăng. Ảnh minh họa

Khi lương không đủ sống...

Rời phố về quê sau gần 10 năm làm công nhân ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Giáp (Lào Cai) ngậm ngùi cho biết: Trước đây, anh luôn hy vọng hai vợ chồng công nhân chăm chỉ làm ăn, tích góp để mua nhà ở xã hội trả góp. Thế nhưng, sau 10 năm đi làm quần quật, không dám đi du lịch, đi chơi, vợ chồng anh cũng chỉ tích lũy vỏn vẹn được chưa đầy 200 triệu đồng.

“Với số tích lũy này, đi làm công nhân đến già cũng khó lòng có thể mua được nhà. Vì vậy, chúng tôi quyết định về quê. Về quê xin việc không dễ nhưng ít ra con cái sẽ được ở trong một ngôi nhà đúng nghĩa chứ không phải căn trọ tồi tàn thiếu ánh sáng mà chúng tôi đang thuê” - anh Giáp chia sẻ.

Trước mắt, để có vốn lập nghiệp ở quê, anh Giáp sẽ chọn rút bảo hiểm xã hội một lần. “Cực chẳng đã mới rút bảo hiểm xã hội một lần vì đó là tài sản quý giá sau 10 năm làm công nhân nhưng không rút thì không biết xoay vốn ở đâu để làm ăn khi về quê” - anh Giáp nói.

Rút bảo hiểm xã hội một lần để rời phố về quê không chỉ là lựa chọn của anh Giáp mà là của hàng nhiều lao động hiện nay. Nếu trước đây, làn sóng rời phố về quê do dịch Covid-19 thì hiện nay, đa phần do lương thấp, công việc bấp bênh, thu không đủ chi.

Dù đường về quê không hề dễ dàng bởi kiếm việc ở quê cũng rất chật vật nhưng lương không đủ sống trong khi chi phí sinh hoạt ở thành phố đều tăng nên nhiều lao động buộc phải bỏ làm công nhân để về quê.

Thống kê Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm, cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết cho hơn 668.000 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Những con số này cho thấy, cuộc sống của người lao động đang rất khó khăn, việc tăng lương là điều cần thiết để đảm bảo an sinh xã hội.

Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trên 6.000 đoàn viên công đoàn thuộc 16 tỉnh cho thấy, lo lắng của phần lớn người lao động vẫn là vấn đề bảo đảm việc làm, thu nhập, cuộc sống hằng ngày.

Cụ thể, trên 58% công nhân lao động không có tích lũy, chỉ trên 11% có tích lũy đủ chi tiêu dưới 1 tháng, 16% có tích lũy đủ chi tiêu 1 - 3 tháng và chỉ hơn 12% có tích lũy đủ chi tiêu trên 3 tháng.

Cùng với đó, công nhân cũng mong muốn tiền lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng, đi làm phải đủ sống và có tích lũy phòng khi bị giảm hoặc mất việc.

Dự kiến, ngày 09/8 tới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp bàn cùng với các bên liên quan để xem xét, đánh giá, tính toán có điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng vào năm 2024 hay không... Theo đó, các tính toán, đề xuất sẽ được dựa trên đánh giá thực trạng, mức độ sản xuất kinh doanh, tình hình sản xuất của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng, thu nhập của người lao động…

Tăng bao nhiêu là phù hợp?

Chia sẻ về mức lương tối thiểu vùng được thực hiện từ ngày 01/7/2022 đến nay, anh Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam - cho hay: Mức lương tối thiểu vùng 1 như hiện nay là 4.680.000 đồng, chỉ cao hơn mức bên thuế đưa ra để giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc một chút (mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4.400.000 đồng/tháng) nên người lao động không đủ để thuê nhà, nuôi con ăn học.

Ngoài ra, theo anh Long, kể từ ngày 01/7/2023, khi lương cơ sở tăng, các mặt hàng thiết yếu đều tăng. Việc tăng giá điện tới đây cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến giá cả (mặc dù Chính phủ giảm 2% thuế giá trị gia tăng) khiến cuộc sống của người lao động càng nhiều khó khăn. Vì thế, rất cần phải tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, mức tăng từ 6 - 8%.

Trao đổi với báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, qua những lần khảo sát gần đây, hầu hết người lao động đều mong muốn được tăng lương tối thiểu với lý do cuộc sống của họ rất khó khăn, đi làm phải đủ sống, có tích lũy phòng khi bị giảm hoặc mất việc làm. Mặc dù phía công đoàn mong muốn tăng lương song đại diện người lao động lại chia sẻ với những khó khăn của nhiều doanh nghiệp đang gặp phải.

“Do đó, công đoàn sẽ đề xuất mức tăng phù hợp. Về thời điểm áp dụng, qua khảo sát, người lao động vẫn mong muốn sẽ được tăng lương tối thiểu ngay từ ngày 01/01/2024” - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết./.

Cùng chuyên mục
Công nhân ngóng tăng lương tối thiểu vùng