Công viên Địa chất Lạng Sơn bảo đảm theo tiêu chí, tiêu chuẩn của UNESCO

(BKTO) - Tỉnh Lạng Sơn cam kết sẽ luôn tích cực quan tâm chỉ đạo, đầu tư xây dựng Công viên Địa chất Lạng Sơn bảo đảm theo tiêu chí, tiêu chuẩn của UNESCO và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, sớm tham gia vào mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO.

dia-chats-.jpg
Công viên Địa chất Lạng Sơn. Ảnh sưu tầm

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên tại Cuộc làm việc giữa UBND tỉnh Lạng Sơn với Đoàn chuyên gia mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO đến thẩm định thực địa hồ sơ đề nghị công nhận CVĐC Lạng Sơn là Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO vào sáng 10/7 .

Thông tin buổi làm việc cho biết, Công viên Địa chất Lạng Sơn được thành lập từ năm 2021. Trong quá trình xây dựng và hoạt động luôn nỗ lực thực hiện theo tôn chỉ mục đích và các tiêu chí của UNESCO đối với Công viên địa chất.

Sau 4 ngày làm việc (từ ngày 06/7 đến 09/7/2024), Đoàn chuyên gia đã thực hiện thẩm định, đánh giá 26/38 điểm của 4 tuyến du lịch vùng CVĐC Lạng Sơn tại các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn.Tại mỗi điểm đến, các chuyên gia đã được trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc của mỗi địa bàn trong vùng CVĐC, lắng nghe người dân giới thiệu về giá trị cốt lõi văn hóa truyền thống, tập quán sinh hoạt, hướng dẫn tham quan trải nghiệm để có những thẩm định, đánh giá bước đầu về các giá trị di sản.

Qua thẩm định thực địa, các chuyên gia mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO đánh giá cao sự chuẩn bị của các cấp, các ngành, cũng như sự tham gia tích cực của người dân trong xây dựng CVĐC Lạng Sơn bảo đảm theo tiêu chí, tiêu chuẩn của UNESCO, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Các chuyên gia của UNESCO và đại diện các bộ, ngành, các nhà khoa học hàng đầu về CVĐC Việt Nam đã khuyến cáo, khuyến nghị một số nội dung như: CVĐC Lạng Sơn cùng các CVĐC khác ở khu vực phía Bắc của Việt Nam cần có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh Lạng Sơn cần đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục cộng đồng về giá trị của di sản, từ đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay gìn giữ, bảo vệ, phát huy những giá trị hiện có để đảm bảo tính bền vững, ổn định. Chính quyền, cơ quan chức năng cần có giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Nhân dân, du khách tại các điểm tham quan; đồng thời có sổ tay hướng dẫn, giới thiệu những giá trị nổi bật của từng khu, điểm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, giúp du khách nắm được các thông tin liên quan đến di sản...

Sau chuyến thẩm định thực địa tại CVĐC Lạng Sơn, các chuyên gia sẽ hoàn thiện báo cáo và gửi Hội đồng CVĐC UNESCO xem xét. Báo cáo đánh giá của đoàn là một trong những cơ sở quan trọng để UNESCO xem xét, công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu UNESCO trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch tỉnh Dương Xuân Huyên khẳng định: Lạng Sơn cam kết tiếp tục đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất cho CVĐC đáp ứng các tiêu chí của UNESCO. Qua đó, nhằm bảo tồn và phát huy tổng thể các giá trị di sản về địa chất, văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học cũng như các danh lam thắng cảnh đặc sắc của địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO./.

Cùng chuyên mục
Công viên Địa chất Lạng Sơn bảo đảm theo tiêu chí, tiêu chuẩn của UNESCO