Thái Nguyên: Chú trọng quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp

(BKTO) - Thái Nguyên được biết đến là "cái nôi" của ngành công nghiệp luyện kim cả nước, với sự ra đời của Khu Gang thép cách đây hơn sáu thập kỷ. Phát huy truyền thống đó, những năm qua, tỉnh luôn chú trọng thực hiện công tác quy hoạch theo hướng lấy công nghiệp làm mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

thai-nguyen-1(1).jpg
Quy hoạch tỉnh đã mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 1.599ha, nâng tổng diện tích các khu công nghiệp trong quy hoạch lên 4.245ha. Ảnh: ST

Công tác quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng, được ví như “người công binh mở đường”. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội, gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển công nghiệp toàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã chú trọng tạo dư địa phát triển công nghiệp.

Cụ thể, Quy hoạch đã mở rộng 11 khu công nghiệp (KCN) và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích 1.599ha, nâng diện tích các KCN trong quy hoạch lên 4.245ha (gấp gần 3 lần diện tích các KCN đã thành lập hiện nay). Các KCN được quy hoạch ưu tiên thu hút dự án đầu tư phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm công nghệ cao, chế biến sâu, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, sản xuất thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo...

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh đã tập trung lập, công bố và phê duyệt quy hoạch chi tiết. Kết quả, trong năm 2023, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 các KCN Đô thị Dịch vụ Phú Bình, KCN Đô thị Dịch vụ Tây Phổ Yên, KCN Thượng Đình, KCN Yên Bình 2, KCN Yên Bình 3 và Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên: Ngay sau khi Quy hoạch chung của tỉnh được phê duyệt, TP. Phổ Yên đã tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ lập, lấy ý kiến của người dân, điều chỉnh và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết theo quy định. Từ đó tạo hành lang pháp lý để địa phương triển khai các bước tiếp theo về thu hút đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên), cho hay: Là địa phương có quy hoạch KCN Yên Bình 2, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp tổ chức niêm yết, công bố rộng rãi và xin ý kiến của nhân dân về đồ án quy hoạch; tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch theo quy định.

thai-nguyen-2.jpg
Sản xuất điện thoại thông minh tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (Khu công nghiệp Yên Bình). Ảnh: ST

Chia sẻ về góc độ của nhà đầu tư, ông Ahn Hui Sun, Phó Giám đốc Công ty CP Aluminium Hàn Việt (KCN Điềm Thụy), cho biết: Phần lớn các KCN mở rộng theo Quy hoạch thời kỳ mới của Thái Nguyên được tập trung ở khu vực phía Nam của tỉnh. Điều này sẽ góp phần khai thác những lợi thế từ hạ tầng đô thị, giao thông liên kết vùng ngày càng hoàn thiện và đồng bộ tại các địa phương như Phổ Yên, Phú Bình, cũng như tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động tại đây.

Song song với nhiệm vụ lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết đối với các KCN mới, KCN mở rộng, tỉnh cũng triển khai các bước đầu tư đối với những KCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Đơn cử như Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Sông Công II giai đoạn 2 sau khi hoàn thành vào năm 2022, tháng 3-2024, tỉnh đã lựa chọn nhà đầu tư triển khai Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng.

Nhà đầu tư Dự án là Công ty CP Viglacera Thái Nguyên. Dự án được triển khai gồm 2 khu: Khu số 1 (quy mô 175,52ha) nằm trên địa giới hành chính của xã Tân Quang và một phần xã Bá Xuyên; Khu số 2 (quy mô 120,72ha) nằm trên địa giới hành chính xã Bá Xuyên và một phần xã Tân Quang.

Ông Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết: Theo Quy hoạch, đây là KCN tập trung, trong đó ưu tiên các ngành công nghiệp điện tử, viễn thông, dược phẩm, hỗ trợ, vật liệu mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, chế biến, chế tạo... với quy mô dân số khoảng gần 14.000 người và quy mô lao động khoảng 54.000 người.

Từ thực tiễn trong công tác quy hoạch nói trên, các chuyên gia nhận định, dư địa phát triển công nghiệp của Thái Nguyên hiện còn rất lớn. Đây là lợi thế để Thái Nguyên đi tắt đón đầu trong thu hút đầu tư, cũng như tạo thêm kỳ vọng nâng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh lên mức trên 2 triệu tỷ đồng, từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Lũy kế đến nay, tại các KCN trên địa bàn tỉnh có 313 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 174 dự án FDI (với tổng số vốn đăng ký trên 11,3 tỷ USD) và 139 dự án DDI (với tổng số vốn đăng ký trên 22.410 tỷ đồng). 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN ước đạt 16.974 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng chuyên mục
Thái Nguyên: Chú trọng quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp