Covid-19: Cơ hội để Trái đất hồi sinh

(BKTO) - Đại dịch Covid-19 đã mang đến vô vàn ảnh hưởng tiêu cực tới nhân loại cả về tính mạng và kinh tế. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, Đại dịch cũng mang đến những tia sáng cho thiên nhiên và bầu khí quyển. Trong lúc chúng ta bị kẹt ở nhà, thiên nhiên đã có một khoảng thời gian hiếm hoi để "nghỉ ngơi" và phục hồi.



                
   

Dòng sông trong vắt ở Venice (Ý) khi vắng khách du lịch. Người dân nơi đây cho biết đã rất lâu mới được ngắm nhìn màu nước xanh và đẹp đến thế khi không có khách du lịch, không động cơ mô tô nước, không rác thải… - Ảnh: REUTERS

   

Trước những “đợt sóng lớn” do Covid-19 gây ra, chính phủ hàng loạt các quốc gia đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội để làm giảm quy mô lây lan của virus. Tính đến ngày 22/4, hơn 1/3 dân số thế giới đang phải ở nhà và tránh tụ tập đông người. Tất cả các ngành du lịch và dịch vụ đã tạm dừng hoạt động, kéo theo hàng loạt các nền kinh tế bị khủng hoảng chưa từng có.

Tuy nhiên, chính sự vắng mặt của con người trong thời điểm này lại là cơ hội để thiên nhiên được hồi phục. Những thay đổi tích cực về mức độ ô nhiễm, chất lượng không khí, cũng như sự hồi sinh của thế giới tự nhiên đã liên tục xuất hiện trong 4 tháng qua.

Lượng khí NO2 giảm mạnh trên toàn cầu
                
   

Nồng độ khí NO2 đã giảm đáng kể tại châu Âu kể từ khi các quốc gia áp dụng lệnh phong tỏa - Ảnh: ESA

   

Theo một báo cáo mới nhất từ Đại học Colorado Boulder (Mỹ), lỗ hổng tầng ozone phía trên Nam Cực đang có dấu hiệu tự chữa lành sau những năm bị con người làm tổn hại nghiêm trọng.

Cùng với đó, dữ liệu từ vệ tinh Copernicus Sentinel-5P của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã cho thấy sự sụt giảm mạnh lượng khí NO2 tại nhiều thành phố trong nhiều tuần qua.

NO2 (nitrogen dioxide) là một loại khí được thải ra từ các nhà máy điện, xe hơi và các khu công nghiệp. Nó có thể được tìm thấy trong bầu khí quyển Trái Đất và gây ra những thay đổi về đặc điểm thời tiết cũng như tác động xấu đến sức khỏe con người.

Từ 13/3 đến 13/4, nồng độ NO2 đã giảm tới 45% so với năm ngoái tại Madrid (Tây Ban Nha), Milan và Rome (Ý). Thủ đô Paris (Pháp) cũng chứng kiến mức giảm 54% trong các tháng qua, so với cùng kỳ năm 2019.

Chỉ số ô nhiễm không khí nhiều nước châu Á giảm đáng kể
                
   

Ảnh: NASA

   

Ấn Độ bắt đầu phong tỏa toàn quốc 3 tuần trước nhằm ngăn chặn đà lây nhiễm của dịch Covid-19. Với dân số cả nước lên đến 1,3 tỷ dân, lệnh phong tỏa tại Ấn Độ cũng có quy mô lớn nhất thế giới.

Những biện pháp hạn chế đi lại và tập trung đông người dẫn đến nhiều hỗn loạn và tác động tiêu cực đến đời sống xã hội Ấn Độ. Quốc gia Nam Á có gần 300 triệu người sống ở mức nghèo đói. Tuy nhiên, tại New Delhi - thủ đô và cũng là thành phố có mức ô nhiễm nghiêm trọng nhất cả nước - phong tỏa cũng có mặt tích cực khi không khí trong lành đã quay trở lại sau nhiều thập kỷ.

Tại khu vực Delhi, chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường nằm ở mức báo động hơn 200. Chỉ cần con số này cao hơn 25 đã là nguy hiểm cho sức khỏe - theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong giai đoạn ô nhiễm môi trường đạt đỉnh vào năm 2019, AQI có lúc còn nhảy vọt lên 900 hoặc vượt khỏi thang đo thông thường, đe dọa tính mạng con người.

Khi lệnh phong tỏa bắt đầu, gần 11 triệu ôtô của thành phố phải "cách ly" với đường phố. Nhà xưởng và công trình xây dựng tạm ngưng hoạt động. Chỉ số AQI nhờ vậy đã thấp hơn mức 20 những ngày qua. Bầu trời bất ngờ trong xanh trở lại.

Shashi Tharoor - một chính trị gia và nhà văn tại Ấn Độ, thường xuyên lên tiếng về các vấn đề môi trường, hy vọng những gì đang diễn ra sẽ là hồi chuông thức tỉnh để thay đổi.

"Niềm hạnh phúc khi được nhìn thấy trời xanh và niềm vui khi được hít thở không khí trong lành hoàn toàn đối nghịch với những gì chúng ta đã tự gây ra cho chính mình suốt thời gian qua. Ngày hôm nay, chỉ số AQI bình thường của Delhi vào khoảng 30. Và trong một buổi chiều, sau cơn mưa, nó giảm xuống còn 7. Thật vui sướng làm sao!", ông chia sẻ.

Còn tại Trung Quốc, khi dịch Covid-19 bùng phát, Vũ Hán là nơi đầu tiên bị phong tỏa, sau đó là toàn bộ tỉnh Hồ Bắc vào ngày 29/1. Không lâu sau đó, nhiều tỉnh, thành phố khác tại Trung Quốc cũng áp dụng biện pháp này để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.

Theo hình ảnh từ vệ tinh của NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu, tình trạng ô nhiễm không khí tại đất nước tỷ dân này đã giảm đáng kể trong tháng 2/2020.

“Đây là lần đầu tiên tôi thấy sự sụt giảm đáng kể thế này trên diện rộng trong một khoảng thời gian cụ thể”, Fei Liu- chuyên viên nghiên cứu chất lượng không khí tại NASA - nhận xét. “Tôi không ngạc nhiên lắm, vì rất nhiều thành phố tại Trung Quốc đã bị phong tỏa để chống dịch".

Tại Việt Nam, sáng ngày cuối cùng của tháng 3, ứng dụng đo chất lượng không khí AirVisual hiển thị chỉ số AQI ở TP. HCM trung bình là 65, màu vàng- mức vừa phải. Trên bản đồ chất lượng không khí toàn thành phố, màu vàng phủ khắp các điểm, xen kẽ nhiều khu vực hiển thị màu xanh- chất lượng không khí tốt. Đơn cử, trạm đo tại huyện Nhà Bè, quận 2, quận 3, quận Bình Thạnh... AQI đều đạt 46. Chỉ số bụi mịn PM2.5 đo được tại TP.HCM là 20,8 µg/m3, giảm khoảng 1,5 - 5 lần so những giai đoạn ô nhiễm trước đó.

Thủ đô Hà Nội đã có "pha lội ngược dòng" ấn tượng khi ghi nhận chỉ số AQI trung bình = 47 - tốt cho sức khỏe con người. Cách đây 1 tháng, khi cả nước đang trong những ngày bắt đầu đối phó với Covid-19, nồng độ bụi mịn PM2.5 đo được tại Hà Nội bất ngờ tăng vọt lên 104,3 µg/m3, vượt hơn 10 lần khuyến cáo 10,0 µg/m3 theo WHO và vượt gấp 5 lần mức quy chuẩn cho phép của Chính phủ Việt Nam. Hiện nay, con số này đã giảm gần 10 lần, trở về mức 11,5, tiệm cận quy chuẩn cho phép của WHO. Có thể nói, Thủ đô Hà Nội đang trong những ngày không khí trong lành nhất trong khoảng 1 năm trở lại đây.

Tiếng ồn giảm, Trái Đất bớt rung lắc hơn                
   

Bảng đo mức độ rung lắc của Trái Đất

   

Theo dữ liệu từ Đài thiên văn Hoàng gia Bỉ, “tiếng ồn văn hóa” - tổng hợp của mọi loại tiếng ồn sinh ra từ cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của con người - đã giảm xuống kể từ khi các thành phố tiến hành biện pháp phong tỏa. Nhờ vậy, các cơn rung động địa chấn do loại tiếng ồn này gây ra cũng đã giảm tới 1/3, giúp nghiên cứu hoạt động núi lửa, động đất trở nên dễ dàng hơn.

Theo Andy Frassetto- một nhà nghiên cứu địa chấn học tại Viện Nghiên cứu Địa chấn Washington (Mỹ), nếu lệnh phong tỏa tiếp tục kéo dài, các máy dò tìm dư chấn động đất có thể sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

“Bạn sẽ thu được tín hiệu với ít tiếng ồn hơn, nhờ vậy sẽ thu được nhiều thông tin hơn về những sự kiện này”, ông nói.

Kênh đào tại Venice (Ý) xanh hơn bao giờ hết

Ngành du lịch tại Ý dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thật lạ lẫm khi nhìn thành phố du lịch Venice với những con kênh đào nổi danh thế giới vắng lặng và thưa thớt người qua lại do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên nhờ vậy, dòng kênh Venice lại trở nên trong xanh hơn bao giờ hết. Theo những bức ảnh chụp lại vào tháng 3, mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy tảo biển ở phía dưới kênh đào, cũng như cảnh cá và thiên nga bơi lội trong nước.
                
   

Nước trong vắt thấy đáy tại kênh đào Venice

   

Theo Thống đốc Luigi Brugnaro, nước tại Venice trở nên trong hơn vì “hoạt động giao thông trên mặt nước diễn ra ít hơn, cho phép các trầm tích ở lại dưới đáy”.

Động vật thảnh thơi "nghỉ dưỡng"

Trong khi con người ở nhà để tránh dịch thì loài rùa biển ở bang Odisha của Ấn Độ đã tận dụng thời cơ này độc chiếm cả một bờ biển Rushikulya cho việc “nghỉ dưỡng” và đẻ trứng của mình.
                
   

Loài rùa biển đặc hữu ở bang Odisha của Ấn Độ "chiếm cứ" bờ biển Rushikulya đẻ trứng. Rùa ở đây từng trốn tránh do ô nhiễm và khách du lịch quấy phá, nhưng nay có thể vô tư nghỉ dưỡng mà không bị làm phiền - Ảnh: INDIA TIMES

   

Loài rùa biển ở đây đã phải chịu nhiều ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường và các hoạt động du lịch của con người, một số người vô ý thức đã quấy rầy khi chúng đẻ trứng và lấy đi những quả trứng để làm vật kỷ niệm. Vì thế nên việc những con rùa “vô tư” và “thong dong” nghỉ ngơi trên bờ biển được xem là một khoảng khắc “tái sinh” của thiên nhiên trong những ngày ít bị tàn phá bởi loài người.

Khoảng 95% diện tích Công viên Quốc gia Yosemite tại Mỹ được xác định là vùng hoang dã. Nơi này đón 4 triệu du khách/năm, đặc biệt là vào đầu xuân khi gấu bắt đầu thức dậy khỏi kỳ ngủ đông. Điều này vô tình đã gây khó khăn cho gấu trong việc tìm kiếm thức ăn.

Tuy nhiên, kể từ khi Công viên Yosemite đóng cửa vào ngày 20/3, 300-500 chú gấu đen đã được nhìn thấy “với tần suất thường xuyên hơn mọi khi”. Linh miêu Mỹ cũng xuất hiện trong các khu nhà quản lý bỏ trống. Thậm chí, loài chó sói đồng cỏ Bắc Mỹ còn thoải mái đi qua đường mà không bị con người làm phiền.

“Số lượng gấu đã tăng gấp 4 lần”, Dane Peterson - nhân viên vườn thú - cho biết.

Tại các quốc gia khác trên thế giới, các loài động vật cũng lần lượt quay trở về nơi sinh sống tự nhiên hoặc tràn ra những nơi con người vẫn thường xuyên qua lại.
                
   

Sư tử nằm nghênh ngang giữa đường tại Vườn Quốc gia Kruger (Nam Phi). Theo người phát ngôn Vườn quốc gia Isaac Phaala, sư tử thường ngủ trong các bụi rậm nhưng do lệnh đóng cửa vườn từ 25-3, đàn sư tử tranh thủ "tận hưởng" khoảnh khắc yên tĩnh hiếm thấy - Ảnh: REUTERS

   

Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, dãy Himalaya có thể nhìn thấy từ xa

Từ ngày 24/3, Ấn Độ đã phong tỏa toàn quốc trong vòng 3 tuần để hạn chế sự lây lan của Covid-19

Nhiều người dân sống ở phía Bắc bang Punjab cho biết, biện pháp này đã làm giảm mức độ ô nhiễm không khí, nhờ vậy họ có thể nhìn thấy dãy Himalaya từ xa lần đầu tiên trong ít nhất 30 năm qua.
                
   

Đường xá thênh thang, không khí trong lành, người dân ở miền bắc Ấn Độ thậm chí đã thấy được dãy Himalaya cách đó 200km lần đầu tiên sau 30 năm - Ảnh: INDIA TIMES

   

AN CHI (dịch và tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Covid-19: Cơ hội để Trái đất hồi sinh