Ảnh minh họa - Nguồn: internet |
Giá dầu thấp kỷ lục
Giá dầu tại Mỹ ngày 20/4 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục -37,63 USD/thùng giữa lúc nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1983.
Hiện trạng này diễn ra trong bối cảnh trước đó Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đối tác, còn được gọi là OPEC ngày 12/4 đã nhất trí cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian 2 tháng từ tháng 5-6/2020. Động thái này được đưa ra nhằm bình ổn giá “vàng đen” trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, động thái của OPEC đến nay vẫn chưa ngăn chặn được đà giảm của giá dầu trước sự sụt giảm mạnh về nhu cầu sử dụng năng lượng do đại dịch nguy hiểm này.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2020 trên sàn Nymex của New York mất 55,90 USD (tương đương 306%), xuống còn -37,63 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI đã hết hạn vào cuối phiên ngày 20/4. Đây là phiên giảm mạnh kỷ lục của giá dầu này kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu vào năm 1983, và cũng ghi nhận mức đóng cửa thấp chưa từng thấy, sau khi có thời điểm giữa phiên giảm chỉ còn -40,32 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 6/2020 hạ 4,60 USD (tương đương 18,3%) xuống 20,03 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2020 cũng lùi 2,51 USD (9%), xuống còn 25,57 USD/thùng. Theo các chuyên gia phân tích, dầu Brent được vận chuyển bằng đường biển nhiều hơn dầu WTI, vốn thường được vận chuyển thông qua đường ống dẫn, bởi vậy giá dầu này phần nào ít chịu tác động ngay lập tức bởi những lo ngại về lượng dự trữ dồi dào.
Louise Dickson - nhà phân tích thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy, nhận định diễn biến của thị trường năng lượng hiện nay là điều “khó tin”, việc đóng cửa hoặc thậm chí phá sản bây giờ có thể còn đỡ thiệt hại hơn đối với một số nhà khai thác.
Các nhà tinh chế dầu mỏ đang mua vào ít dầu thô hơn bình thường, vì vậy hàng trăm triệu thùng dầu đang phải chứa trong các kho dự trữ trên toàn thế giới. Các thương nhân phải thuê tàu chỉ để neo chúng lại và đổ đầy dầu thừa. Lần đầu tiên trong lịch sử, 160 triệu thùng dầu đang chứa trong các tàu chở dầu trên khắp thế giới để chờ được trút ra.
Các báo cáo hàng tháng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng đánh dấu khoảng thời gian nhu cầu dầu thô giảm mạnh, ngay cả khi các nhà sản xuất dầu chủ chốt đã đạt được một thỏa thuận lịch sử để cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày, trong nỗ lực chấm dứt cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga, qua đó ổn định giá dầu đang biến động. Ngoài việc OPEC và các đồng minh cắt giảm sản lượng, nhiều khả năng vào ngày 21/4, Ủy ban Đường sắt (RRC) Texas, cơ quan điều tiết ngành công nghiệp dầu khí tại bang này, có thể hành động để hạn chế sản lượng trong khu vực.
Các báo cáo cũng cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể hỗ trợ thị trường dầu mỏ bằng cách đề nghị trả tiền cho các nhà sản xuất để kìm hãm sản xuất dầu thô. Tính đến ngày 21/4 (giờ Việt Nam), giá dầu trên sàn giao dịch tại Mỹ đã phục hồi lên mức trên 0. Giá dầu WTI giao tháng Năm đang được bán với giá 0,56 USD mỗi thùng.
Phố Wall đi xuống
Sự biến động của giá dầu ngay lập tực ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên 20/4, khi giá dầu lần đầu tiên rơi xuống vùng âm.
Chỉ số Dow Jones giảm 592,05 điểm, hay 2,44%, chốt phiên ở mức 23.650,44 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 51,4 điểm, hay 1,79%, xuống 2.823,16 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 89,41 điểm, hay 1,03%, xuống 8.560,73 điểm.
Trong 11 lĩnh vực của chỉ số S&P 500, chỉ số năng lượng giảm 3,7% trong phiên này và từ đầu năm đến nay đã giảm 45%, mức giảm mạnh nhất. Hợp đồng dầu West Texas Intermediate của Mỹ giao tháng Năm giảm 307,44%, xuống mức -37,9 USD/thùng, lần đầu tiên trong lịch sử giao dịch ở mức âm.
Khi hàng tỷ người trên khắp thế giới ở nhà do dịch, nhu cầu dầu đã giảm sút mạnh. Theo người phụ trách chiến lược thu nhập cố định của WisdomTree Asset Management tại New York - Kevin Flanagan thì nhu cầu dầu sẽ không sớm tăng trở lại và đang có tình trạng dư cung. Giá dầu giảm có thể thúc đẩy nền kinh tế khi khuyến khích tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn, nhưng điều này đòi hỏi người dân phải ra ngoài.
Ngược lại xu hướng chung, giá cổ phiếu của Amazon tăng 0,8% và Netflix tăng 3,4%. Các tập đoàn này được hưởng lợi khi nhu cầu tăng do hàng triệu người ở nhà trong bối cảnh dịch bệnh.
Dù giảm trong phiên này, chỉ số S&P 500 vẫn phục hồi 26,1% so với mức thấp hồi tháng Ba vừa qua, một phần nhờ các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang và gói kích thích kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ USD của chính phủ cũng những dự đoán rằng dịch Covid-19 tại Mỹ sắp đạt đỉnh. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn thấp hơn gần 17% so với mức cao kỷ lục hồi tháng Hai năm nay.
NAM SƠN (tổng hợp)