Kinh tế thế giới trong đại dịch Covid-19

(BKTO)- Đại dịch Covid-19 tiếp tục phủ một bức màn u ám lên nền kinh tế thế giới. Hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của các quốc gia đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: internet.

   

Xuất khẩu của Hàn Quốc giảm mạnh

Cơ quan Hải Quan Hàn Quốc (KCS) vừa công bố số liệu cho thấy xuất khẩu của nước này trong 20 ngày đầu tháng Tư này đã giảm gần 27% so với cùng kỳ năm trước, giữa bối cảnh nền kinh tế đang hứng chịu cú sốc do dịch Covid-19 gây ra. Theo số liệu của KCS, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong giai đoạn từ ngày 1-20/4 vừa qua giảm 26,9% xuống còn 21,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu trung bình một ngày trong giai đoạn này giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịch Covid-19 được cho là nguyên nhân khiến xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á suy giảm mạnh. Dịch bệnh đã làm gián đoạn thương mại và đình trệ hoạt động sản xuất trên khắp toàn cầu, với ngày càng nhiều các nước tiến hành đóng biên giới toàn phần.

Xét về lĩnh vực, xuất khẩu chip nhớ của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng Tư này giảm 14,9%, còn xuất khẩu ôtô giảm 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang thị trường Trung Quốc và Mỹ giảm lần lượt 17% và 17,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam lần lượt giảm 32,6% và 39,5%.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc trong 20 ngày đầu tháng Tư này giảm 18,6% xuống 25,1 tỷ USD.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây dự báo kinh tế Hàn Quốc sẽ giảm 1,2% trong năm nay, giữa bối cảnh nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ trải qua một năm tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi những năm 1930 do dịch Covid-19. IMF dự báo nền kinh tế thế giới suy giảm 3% trong năm nay.

Kinh tế Tây Ban Nha có nguy cơ suy giảm hơn 13%

Ngày 20/4, Ngân hàng Tây Ban Nha (ngân hàng trung ương) cảnh báo tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm ở mức 6,6% -13,6% do chịu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Trong tuyên bố, ngân hàng trên nhận định con số dự báo trên là cao chưa từng có, kể cả khi chúng còn phụ thuộc vào lệnh phong tỏa kéo dài bao lâu.

Ngày 14/3 vừa qua, Tây Ban Nha đã áp dụng lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Đến nay, dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 20.800 người tại Tây Ban Nha, cao thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Italy.

Ngân hàng Tây Ban Nha cho biết thêm các con số dự báo trên chỉ mang tính tạm thời và nhiều khả năng sẽ được điều chỉnh trong những tháng tới, tùy theo diễn biến dịch bệnh. Nếu lệnh phong tỏa kéo dài trong 8 tuần và kết thúc vào ngày 9/5 tới, theo đúng như sắc lệnh hiện nay của chính phủ, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm ở mức 6,6%-8,7%.

Tuy nhiên, con số này có thể lên tới 13,6% nếu giai đoạn này kéo dài đến 12 tuần, và hoạt động kinh tế không thể trở lại bình thường cho đến cuối năm nay, đặc biệt là ngành du lịch mũi nhọn. Các yếu tố chính này nhiều khả năng sẽ gây nên tình trạng suy thoái do hoạt động kinh tế bị gián đoạn, thất nghiệp tăng mạnh (3,9 triệu người lao động tạm thời mất việc) khiến nhu cầu nội địa suy giảm.

Bên cạnh đó, sự sụt giảm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ tại phần còn lại của thế giới, lượng du khách giảm mạnh cũng sẽ tác động đến hai trụ cột của nền kinh tế Tây Ban Nha. Theo thống kê, năm ngoái, nước này đón 84 triệu lượt du khách, đứng thứ hai thế giới sau Pháp. Ngành du lịch chiếm 12% tổng sản lượng kinh tế của Tây Ban Nha.

Ngân hàng Tây Ban Nha đã không đưa ra dự báo cụ thể cho năm sau, nhưng hy vọng đến năm 2021, phần lớn nền kinh tế nước này có thể phục hồi, dù không phải mọi hoạt động và việc làm sẽ trở về như trước khi dịch bệnh bùng phát.

Trong bối cảnh nhiều nước châu Âu chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, Chính phủ Tây Ban Nha đã lên kế hoạch đề xuất với các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) xây dựng một quỹ phục hồi trị giá 1.500 tỷ euro (tương đương 1.630 tỷ USD). Khoản tiền này được tài trợ thông qua các khoản nợ vĩnh viễn để hỗ trợ cho các quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez sẽ đưa ra đề xuất này với các nhà lãnh đạo châu Âu khác trong Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của EU về những tác động của đại dịch Covid-19 vào ngày 23/4 tới. Đây được xem là nỗ lực của Madrid đi đầu các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp “có thể chấp nhận được”, sau khi Hà Lan và Đức bác bỏ việc phát hành trái phiếu chung (Eurobond).

Sản lượng ôtô toàn cầu có thể sẽ giảm gần 20 triệu chiếc

Theo hãng phân tích hàng đầu về ngành ôtô LMC Automotive, sản lượng ôtô toàn cầu dự kiến sẽ giảm hơn 20%, xuống khoảng 71 triệu chiếc trong năm nay, do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và suy thoái do cuộc khủng hoảng này gây ra.

LMC cho biết mức giảm trên, mạnh hơn so với dự kiến được đưa ra trước đó, có nghĩa là sản lượng của các nhà sản xuất ôtô toàn cầu sẽ giảm 19 triệu chiếc trong năm nay. Hãng này cảnh báo dự báo sản lượng có thể còn giảm hơn nữa, tùy thuộc vào tốc độ phục hồi của các khu vực sản xuất nhanh đến đâu.

Ở Bắc Mỹ, nơi hầu hết các nhà máy vẫn đóng cửa trong tháng Tư này, các nhà sản xuất ôtô đã buộc phải hoãn việc ra mắt hay kế hoạch tăng cường sản xuất một số dòng xe mới; trong đó có Tesla Model Y, Ford Mustang Mach E và các phiên bản được thiết kế lại là Jeep Grand Cherokee của Fiat Chrysler và các dòng xe thể thao của General Motors. LMC nhận định doanh số bán xe sẽ thoát đáy tại Bắc Mỹ và châu Âu trong tháng Tư này, với đà phục hồi sau đại dịch không thể diễn ra nhanh trong những tháng tới. Trung Quốc, nơi khởi phát dịch Covid-19, đã khởi động lại hầu hết các nhà máy sản xuất ôtô và dự kiến doanh số bán chỉ giảm 12% trong năm nay.

Theo hãng nghiên cứu IHS Markit, những nhận định về đà phục hồi kinh tế nhanh chóng đã vụt tắt khi dịch bệnh lan ra hầu hết các quốc gia trên toàn cầu, kéo tất cả các khu vực lớn rơi vào suy thoái. IHS Markit dự báo tình hình bắt đầu cải thiện vào cuối năm nay, nhưng những dự báo hiện nay có thể được điều chỉnh khi dịch được đẩy lùi.
NAM SƠN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Kinh tế thế giới trong đại dịch Covid-19