“Cú nước rút” để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường năm 2025

(BKTO) - Chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa để có thể hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Mục tiêu đầy thách thức này đòi hỏi “cú nước rút” không chỉ của các cơ quan quản lý, mà còn là của tất cả các thành viên của thị trường.

12.jpg
Chính phủ đặt mục tiêu nâng hạng TTCK vào năm 2025. Ảnh minh họa

Mục tiêu lớn, quyết tâm cao

Nâng hạng TTCK là mục tiêu lớn của Chính phủ đối với ngành chứng khoán. Mục tiêu này đã được thể hiện rõ tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ và Chiến lược Phát triển TTCK đến năm 2030. Vừa qua, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/02/2024 cũng nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh chóng các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025, báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/6. Và mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024, Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa đặc biệt nhấn mạnh quyết tâm nâng hạng thị trường trong năm 2025.

Trưởng nhóm Tài chính, cạnh tranh và sáng tạo của Ngân hàng Thế giới (WB) - ông Ketut Ariadi Kusuma - đánh giá: Đây là bước đi chiến lược để Việt Nam chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và thu nhập cao vào năm 2045. Việc nâng hạng sẽ là lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn Việt Nam khi tăng khả năng tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Khi đó, thị trường sẽ có mức vốn hóa đạt quy mô lớn, tính thanh khoản hấp dẫn ngang nhiều nước có trình độ phát triển tương tự. Thậm chí, điều này có thể mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam tới năm 2030, theo tính toán của WB. Ngoài ra, nếu Việt Nam cải cách mạnh mẽ ngành bảo hiểm, quỹ đầu tư, cùng giải pháp cải thiện môi trường đầu tư... thì có thể mang lại khoản đầu tư lên tới 78 tỷ USD cho thị trường vốn.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương cho biết, thời gian qua, UBCKNN đã tổ chức nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành; tổ chức gặp gỡ, làm việc ở trong và ngoài nước với các tổ chức xếp hạng quốc tế, các định chế tài chính quốc tế lớn và các thành viên thị trường để cùng nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các nội dung còn vướng mắc trong công tác nâng hạng. Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các NĐTNN tham gia vào TTCK trong thời gian tới, đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài.

“Chúng ta phải khẳng định, việc nâng hạng TTCK phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các NĐTNN. Do vậy, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực cao nhất của cơ quan quản lý, để đem lại kết quả như kỳ vọng cần sự tham gia và quyết tâm của các Bộ, ngành có liên quan” - bà Phương nhấn mạnh.

TTCK Việt Nam hiện vẫn đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - thị trường mới nổi.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn, sẵn sàng cho “cú nước rút”

Để sẵn sàng cho “cú nước rút” nâng hạng, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN - bà Phạm Thị Thùy Linh - cho biết, đến nay, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí, còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện là ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu NĐTNN.

Về ký quỹ trước giao dịch, bà Linh cho hay, UBCKNN đã trao đổi với các tổ chức xếp hạng quốc tế để tìm giải pháp. UBCKNN cũng đã trình Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi bổ sung một số văn bản, trước mắt không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với NĐTNN tổ chức.

Về tỷ lệ sở hữu NĐTNN, UBCKNN cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát ngành nghề, đồng thời công bố thông tin minh bạch bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nắm thông tin tỷ lệ sở hữu của các doanh nghiệp một cách dễ dàng nhất. Đồng thời, UBCKNN kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành khác để rà soát các ngành nghề, có thể mở rộng tỷ lệ sở hữu NĐTNN với một số ngành nghề không thiết yếu.

Ngoài ra, UBCKNN sẽ báo cáo Bộ Tài chính sửa đổi quy định công bố thông tin bằng tiếng Anh áp dụng với các công ty đại chúng và công ty niêm yết có quy mô lớn. Dự kiến áp dụng đối với các công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với công bố thông tin định kỳ và tổ chức niêm yết có quy mô lớn từ ngày 01/01/2025, đối với thông tin bất thường từ ngày 01/01/2026, áp dụng cho tất cả các công ty đại chúng trong hoạt động công bố thông tin từ ngày 01/01/2028.

“Các công việc triển khai có sự đồng thuận cao của các thành viên thị trường. Với các giải pháp trên, chúng tôi kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường trong 2025” - bà Linh chia sẻ.

Liên quan tới tỷ lệ sở hữu nước ngoài, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank - ông Trần Hoàng Sơn - nhận định, việc đưa thêm sản phẩm cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR) là giải pháp hiệu quả nhất trong thời điểm hiện tại. Bởi, nếu rà soát văn bản pháp quy về thay đổi tỷ lệ sở hữu tại các công ty niêm yết, đặc biệt tại các ngân hàng, chúng ta phải sửa đổi rất nhiều văn bản pháp luật. Theo đó, để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025, chúng ta có thể sử dụng giải pháp NVDR vốn đã được áp dụng rất thành công tại Thái Lan.

“Thái Lan đã giải quyết nhu cầu giao dịch ngay lập tức của NĐTNN, là yếu tố quan trọng đã giúp thị trường này nâng hạng lên thị trường mới nổi. NVDR đã giúp tổng giao dịch toàn thị trường Thái Lan tăng lên 20%. Với điều kiện như Việt Nam, khoảng thời gian rất gấp rút để triển khai cho nâng hạng, chứng chỉ này sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất, ngắn nhất” - ông Sơn đề xuất.

Ngoài ra, ông Sơn cũng đề cập tới kỳ vọng chuyển đổi hạ tầng giao dịch, khi chúng ta đang ở năm bản lề gần sát cánh cửa nâng hạng thị trường. Theo chuyên gia này, trên nền hạ tầng mới sẽ có nhiều sản phẩm mới, rút ngắn thời gian giao dịch từ T+2,5 xuống T+2. Tương lai không chỉ phái sinh ở chỉ số chứng khoán còn phái sinh ngay ở sản phẩm cổ phiếu. Hệ thống thay đổi, nhà đầu tư sẽ có lợi rất nhiều về sản phẩm giao dịch. “Chúng ta đang kỳ vọng vào hệ thống giao dịch mới KRX. Với hệ thống công nghệ thông tin được phát triển, nhà đầu tư giao dịch thông thoáng, doanh số, thị phần của công ty chứng khoán sẽ tăng trưởng” - ông Sơn tin tưởng./.

Cùng chuyên mục
“Cú nước rút” để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường năm 2025