Cụ thể hóa quy định của pháp luật, nâng tầm hoạt động kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Trong nỗ lực hoàn thiện thể chế, đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, mới đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ký Quyết định ban hành Quy chế sử dụng cộng tác viên KTNN và Quy chế ủy thác hoặc thuê DN kiểm toán thực hiện kiểm toán. Nhằm làm rõ hơn mục đích, ý nghĩa cũng như những nội dung đáng chú ý của 2 Quy chế trên, Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Minh Kiểm - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán - đơn vị tham mưu chủ trì xây dựng 2 Quy chế.




Cộng tác viên khi tham gia các hoạt động kiểm toán có trách nhiệm phải bảo đảm các quy định của Luật KTNN. Ảnh: ĐÔNG SƠN
Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Quy chế sử dụng cộng tác viên KTNN?

- Điều 29 của Luật KTNN 2015 quy định, KTNN được quyền sử dụng cộng tác viên để tham gia làm nhiệm vụ kiểm toán và Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định, hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng cộng tác viên KTNN.

Cùng với Luật KTNN, hệ thống Chuẩn mực KTNN (CMKTNN) đã được ban hành, trong đó cũng đã có quy định về việc sử dụng cộng tác viên KTNN. Vì vậy, việc xây dựng Quy chế sử dụng cộng tác viên KTNN chính là nhằm cập nhật, cụ thể hóa những quy định liên quan trong Luật KTNN 2015 và Chuẩn mực KTNN, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán lên một trình độ mới.

Trong thực tiễn hoạt động kiểm toán hiện nay, một số lĩnh vực KTNN không chỉ kiểm tra trên hồ sơ tài liệu mà tiến tới một bước là đi sâu vào lĩnh vực kỹ thuật mới có thể phát hiện được các gian lận, sai sót. Bởi có những nội dung nếu chỉ kiểm toán trên hồ sơ sẽ không phát hiện được, trong khi KTNN không có đủ nguồn lực, các phương tiện, chuyên gia trong lĩnh vực đó để thực hiện nên việc cho phép KTNN được sử dụng cộng tác viên đáp ứng bước phát triển mới của KTNN trong tình hình mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản (kiểm định chất lượng công trình, máy móc thiết bị, kiểm tra khối lượng chìm khuất, quan trắc...), một số lĩnh vực đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn rất cao, trong khi KTNN còn thiếu các chuyên gia trong lĩnh vực này (định giá tài sản DN, tư vấn chuyên môn trong quá trình thực hiện kiểm toán...), do đó đây là việc làm hết sức cần thiết.

Thực tế kiểm toán những năm vừa qua, một số đoàn kiểm toán đã sử dụng cộng tác viên rất thành công, có nhiều phát hiện lớn ở một số dự án mà nếu kiểm toán bằng hồ sơ tài liệu sẽ không phát hiện được. Mỗi hình thức kiểm toán có những ưu nhược điểm khác nhau. Nếu như kiểm toán hồ sơ sẽ dễ dàng thực hiện, bao quát được các công việc, các lĩnh vực, song sẽ khó phát hiện trong trường hợp hồ sơ tài liệu đã bị hợp thức hóa, cho nên KTNN phải áp dụng các phương pháp kiểm toán ngoài chứng từ như: kiểm tra thực địa, siêu âm, đo khối lượng chìm khuất… qua đó phát hiện được những hành vi tham nhũng, sai sót, bất cập trong thực hiện dự án, với kết quả khá khả quan.

Được biết, trước đây KTNN đã từng ban hành Quy chế về sử dụng cộng tác viên KTNN. Vậy so với quy định cũ, Quy chế lần này có những nội dung gì đáng chú ý, thưa ông?

- Trước đây KTNN đã xây dựng Quy chế về sử dụng cộng tác viên KTNN song chưa được đầy đủ các lĩnh vực và trong quá trình thực hiện còn phát sinh nhiều vướng mắc nên KTNN phải sửa đổi để nâng hướng tiếp cận mới. Đặc biệt, Quy chế lần này đã đảm bảo tiêu chí của một văn bản quy phạm pháp luật, với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rộng hơn.

Việc ban hành Quy chế còn nhằm giải quyết, khắc phục những bất cập, giúp giảm bớt thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện theo quy chế trước đây, nhất là quy định chưa phù hợp trong công tác lập dự toán, giao đầu mối chủ trì, phân định rõ trách nhiệm của các bên… Từ đó, tạo tính chủ động và nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, đồng thời tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho các đơn vị trong ngành khi sử dụng cộng tác viên. Đáng chú ý là việc lựa chọn cộng tác theo Quy chế này sẽ được thực hiện căn cứ vào nhu cầu sử dụng cộng tác viên hoặc căn cứ vào tình hình thực tế trong quá trình kiểm toán của đơn vị.

Quy chế cũng đã quy định cụ thể những lĩnh vực, công việc được sử dụng cộng tác viên theo quy định của Luật KTNN và Chuẩn mực KTNN, trong đó đặc biệt là những vấn đề như: kiểm định chất lượng công trình xây dựng; kiểm định máy móc thiết bị; thẩm định giá; giám định các chứng từ, kiểm kê đánh giá tài sản, DN, đo đạc địa chính; kiểm tra các kết cấu chìm khuất (cốt thép, chiều dày, cọc nhồi…), cập nhật bổ sung các nội dung theo quy định của CMKTNN mới được ban hành cho cả 3 lĩnh vực (kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động).
Đặc biệt, Quy chế đã cụ thể hóa và bổ sung đầy đủ hơn các tiêu chuẩn, điều kiện của cộng tác viên KTNN để đảm bảo chặt chẽ, tăng cường chất lượng và đảm bảo tính độc lập khách quan, trong đó, ngoài cập nhật các quy định của KTNN, Quy chế còn bổ sung các quy định liên quan trong lĩnh vực ngân hàng, các quy định đảm bảo tính độc lập của cộng tác viên KTNN…

Quy chế cũng đã bổ sung quyền của KTNN, quy định rõ trách nhiệm của các vụ chức năng trong giám sát việc sử dụng cộng tác viên KTNN, trách nhiệm của cộng tác viên khi tham gia các hoạt động kiểm toán bảo đảm phù hợp với Luật KTNN và các quy định của KTNN.

Cùng với Quy chế sử dụng cộng tác viên KTNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đã ban hành Quy chế ủy thác hoặc thuê DN kiểm toán thực hiện kiểm toán. Xin ông cho biết ý nghĩa cũng như những nội dung đáng chú ý của Quy chế này?

- Quy chế ủy thác hoặc thuê DN kiểm toán thực hiện kiểm toán cũng là một bước cụ thể hóa quy định của Luật KTNN 2015. Khoản 8, Điều 11 Luật KTNN 2015 quy định: KTNN “được ủy thác hoặc thuê DN kiểm toán thực hiện kiểm toán cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công...”.

Thực tế hiện nay, nhiệm vụ đặt ra cho KTNN ngày càng lớn, trong khi số lượng biên chế, Kiểm toán viên chưa đủ đáp ứng cho yêu cầu công việc được giao. Do vậy, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quy chế này nhằm hướng dẫn cụ thể việc ủy thác hoặc thuê DN kiểm toán thực hiện kiểm toán trong trường hợp cần thiết.

Điểm đáng lưu ý trong Quy chế ủy thác hoặc thuê DN kiểm toán là Quy chế đã phân biệt rõ ràng giữa khái niệm thuê và ủy thác kiểm toán; quy định rõ về phạm vi công việc được thuê hoặc ủy thác kiểm toán; quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn DN được thuê kiểm toán, đảm bảo chặt chẽ, chất lượng, phù hợp với thực tế hơn. Quy định về xét chọn DN ủy thác hoặc thuê kiểm toán cũng theo hướng giảm bớt thủ tục, đầu mối.

Một điểm rất quan trọng đó là Quy chế đã quy định rõ về trách nhiệm, quyền hạn của Kiểm toán viên thuộc DN kiểm toán cho phù hợp, đặc biệt là việc đảm bảo tính độc lập của người thực hiện và Kiểm toán viên của DN được ủy thác hoặc thuê phải có trách nhiệm khai báo nếu thuộc các trường hợp vi phạm, ảnh hưởng đến tính chất độc lập theo quy định của Luật KTNN.

Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc KTNN và các vụ chức năng trong việc giám sát hoạt động của DN được ủy thác hoặc thuê kiểm toán. Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán theo chức năng của mình sẽ thực hiện giám sát theo đúng Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với cuộc kiểm toán của KTNN. Cũng cần nhấn mạnh rằng, đối với thuê DN kiểm toán thì DN phải thực hiện kiểm toán theo quy trình của KTNN, còn đối với ủy thác kiểm toán, DN có thể thực hiện theo quy trình của KTNN hoặc thực hiện theo quy trình của đơn vị mình nhưng phải được KTNN công nhận.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN HỒNG (thực hiện)
Theo Tuần Báo ra ngày 31-8-2017
Cùng chuyên mục
  • Nâng cao chất lượng, hiệu lực kiểm toán ngân sách Bộ, ngành
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 01/9, tạiHà Nội, KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm2016 “Tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) nâng cao chất lượng,hiệu lực kiểm toán ngân sách Bộ, ngành”.
  • Tích cực đưa Nghị quyết TW5 vào cuộc sống
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đến ngày30/8/2017, hầu hết các tổ chức đảng thuộc Đảng bộ KTNN đã hoàn thành việc quántriệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hànhTrung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết TW5) theo đúng kế hoạch đã đề ra.
  • Thống nhất đầu mối quản lý nợ công
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngay từ khi bắt đầu sửa đổi Luật Quản lý nợ công, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nợ công đã thu hút sự quan tâm, bàn thảo của giới chuyên môn cũng như các đại biểu Quốc hội với nhiều quan điểm khác nhau. Cho đến phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa qua, quy định này trong Dự thảo Luật cũng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa các cơ quan liên quan.
  • Xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa còn nhiều bất cập
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Trong bài tham luận gửi tới Hội thảo quốc tế“Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của KTNN” doKTNN phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) tổ chức mớiđây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nhận định: “Xác định giá trị DNtrong cổ phần hóa là công việc hết sức quan trọng và mất nhiều thời gian, quyếtđịnh đến sự thành công khi chuyển DNNN sang công ty cổ phần”.
  • Đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT:  Hướng đi đúng nhưng triển khai còn bất cập
    6 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) dành cả ngày để tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”. Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong đầu tư, khai thác các công trình BOT thời gian qua, UBTVQH cho rằng, việc hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật về BOT; đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra, kiểm toán các dự án BOT… là những giải pháp cần tập trung trong thời gian tới.
Cụ thể hóa quy định của pháp luật, nâng tầm hoạt động kiểm toán nhà nước