Củng cố cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Tại Phiên họp thứ 20 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất thông qua về mặt nguyên tắc đối với Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (KTNN). Dự thảo đang trong quá trình rà soát, hoàn thiện để chính thức ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/5/2023. Đây là văn bản quy phạm pháp luật mới, chưa có tiền lệ và mang tính đặc thù trong lĩnh vực KTNN, được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt độn

8e96c670abc6719828d7.jpg

Ảnh: Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Công cụ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương

Trước hết, phải khẳng định rằng, việc xây dựng và ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN là yêu cầu cấp thiết, với căn cứ pháp lý rất rõ ràng. Khoản 6a Điều 11 Luật KTNN năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính”. Cùng với đó, khoản 3 Điều 4 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Căn cứ quy định của Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước…”. Luật cũng quy định cụ thể về mức phạt tiền tối đa, về thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền cưỡng chế của một số chức danh thuộc KTNN.

Về mặt thực tiễn, trải qua gần 30 năm hoạt động, quy mô hoạt động của KTNN ngày càng được mở rộng, chất lượng và hiệu quả kiểm toán tăng dần qua từng năm. Hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN ngày càng hoàn thiện, đồng bộ từ hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN ngày càng hoàn thiện, đồng bộ từ Hiến pháp, Luật KTNN, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, hệ thống chuẩn mực KTNN, đến các quy trình, quy chế chuyên môn, nghề nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù nhưng đến nay còn thiếu các quy định về chế tài cụ thể để bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, tính nghiêm minh của Luật KTNN.

Khẳng định tầm quan trọng của việc ban hành Pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc ban hành Pháp lệnh này bây giờ là rất cần kíp để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán; nên ban hành sớm ngày nào thì có lợi cho hoạt động KTNN ngày đấy.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, lâu nay, khi cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước cũng như xem xét các báo cáo của KTNN, nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề kỷ luật, kỷ cương tài chính và việc chấp hành các kết luận, kiến nghị của KTNN. Điều này thể hiện qua số dư chuyển nguồn lớn cũng như tỷ lệ thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN. Bên cạnh đó, nhiều vi phạm xảy ra do quy trình báo cáo có sai sót, chưa kể là cố tình vi phạm trong các lĩnh vực kế toán, kiểm toán và lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách. Vì vậy, việc ban hành sớm Pháp lệnh sẽ là một công cụ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là trong lĩnh vực KTNN.

Xử phạt những vi phạm đã rõ, đảm bảo tính khả thi

Để đảm bảo hiệu quả và tính khả thi, trong bối cảnh lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, KTNN cũng như cơ quan thẩm tra (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) thống nhất nguyên tắc, Pháp lệnh chỉ đưa vào những hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và có tính phổ biến nhưng chưa xử phạt được vì không có cơ sở pháp lý, làm ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán. Qua quá trình thực hiện sẽ tiến hành tổng kết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung trong trường hợp cần thiết.

Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, để đảm tính khả thi của Pháp lệnh sau khi ban hành có thể triển khai được ngay, KTNN cần xây dựng, hoàn thiện các quy định cụ thể để làm căn cứ xử phạt, ví dụ như: Quy định thời hạn gửi báo cáo, thông tin, tài liệu cần cung cấp cho KTNN. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nhấn mạnh: Việc xử phạt vi phạm hành chính phải trên cơ sở các quy định của pháp luật và các quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước, không xử phạt trên cơ sở công văn, thông báo hay những văn bản không có tính pháp lý.

Về vấn đề này, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong hoạt động kiểm toán, KTNN đã có quy định rất rõ về thời gian phải gửi báo cáo, nếu quá thời gian quy định thì có thể áp dụng xử phạt vi phạm hành chính. Hay trong quá trình hoạt động kiểm toán, KTNN cũng có quy định về biểu mẫu, về quy trình kiểm toán. Trong quy trình kiểm toán thì khi KTNN xuống làm việc với đơn vị, yêu cầu đơn vị cung cấp tài liệu. Trong thời hạn quy định, đơn vị phải cung cấp tài liệu, nếu quá thời hạn đó thì mới xử phạt. “Trong quy trình vận hành của hoạt động kiểm toán đã có các quy định rất rõ ràng và có hệ thống chuẩn mực rất đầy đủ. Sau khi Pháp lệnh được ban hành, chúng tôi sẽ rà soát, củng cố thêm các quy định để đảm bảo tính khả thi” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh./.

Cùng chuyên mục
Củng cố cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán nhà nước