Chủ động thích ứng vì một khu vực ASEAN ổn định và thịnh vượng
Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Đại biểu Nhân dân Cộng hòa Indonesia, Chủ tịch Đại hội đồng AIPA Puan Maharani và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran Mohammad Baqer Qalibaf, từ ngày 04-10/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 44 (AIPA-44), thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Tại Thủ đô Jakarta (Indonesia), trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA-44, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Phiên họp toàn thể thứ nhất. Chủ tịch Quốc hội nhận định, AIPA và các Nghị viện thành viên đã đóng vai trò hết sức quan trọng vì thể hiện tiếng nói của các nhà nước, chính đảng, nhân dân ở các nước thành viên.
Những đóng góp của AIPA được thể hiện rõ trong quá trình phát triển của mình và có uy tín quốc tế ngày càng cao. “Có thể nói, hình bóng của AIPA luôn được phản chiếu trong những thành công của ASEAN” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh; đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ làm hết sức mình cùng các nước ASEAN và Nghị viện thành viên AIPA nỗ lực xây dựng một ASEAN - một AIPA vững mạnh, chủ động thích ứng, “biến nguy thành cơ,” hướng tới Cộng đồng ASEAN ổn định, phát triển thịnh vượng và bền vững.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đã đề xuất với AIPA nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy vai trò trung tâm và giá trị chiến lược của ASEAN, tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác và cộng đồng quốc tế trong đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Tăng cường và mở rộng hợp tác nội khối cả về thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân và chuyển giao công nghệ, hợp tác tài chính và tiền tệ, hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số an toàn và bền vững, chuyển đổi năng lượng công bằng.
Nghị viện các nước ASEAN cần tiếp tục nâng cao vai trò xây dựng luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tăng cường vai trò giám sát chính phủ các nước ASEAN triển khai thành công các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột: Chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và hướng tới tầm nhìn sau năm 2025.
Đồng thời, Việt Nam đề xuất 3 dự thảo Nghị quyết giúp ASEAN có thể khai thác lợi thế về: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lương thực và lâm nghiệp.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với Indonesia, Iran
Chuyến thăm Indonesia (từ ngày 04-08/8) của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là sự kiện quan trọng diễn ra trong bối cảnh hai nước đang thiết thực kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược (2013-2023), hướng tới kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2025 (1955-2025).
Tại Diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, Phó Chủ tịch Ủy ban hợp tác Liên nghị viện của Hạ viện Indonesia Pitu Supapma cho biết, Việt Nam và Indonesia đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cống hiến của ASEAN đối với nền kinh tế toàn cầu, chiếm hơn 60% tổng GDP của các nước ASEAN. Việt Nam hiện trở thành đối tác thương mại lớn thứ 11 của Indonesia với tổng kim ngạch thương mại đạt 14 tỷ USD.
Mối quan hệ hợp tác kinh tế mạnh mẽ giữa Indonesia và Việt Nam được thể hiện qua kim ngạch thương mại song phương đạt 11,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 40% so với năm 2020 và vượt mục tiêu 10 tỷ USD mà hai bên đề ra trong kế hoạch hành động triển khai Quan hệ đối tác chiến lược. Nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong thời gian tới, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hoàn tất Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2028 nhằm định hướng hợp tác song phương trong tương lai, hướng tới kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2028.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, trong lĩnh vực kinh tế, Indonesia là một đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư lớn thứ 30 trên thế giới. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 14 tỷ USD, sớm đạt mục tiêu 15 tỷ USD được lãnh đạo hai nước đặt ra cho đến năm 2028.
“Hai nước hoàn toàn có thể tăng cường tạo thuận lợi thương mại cho nhau, không áp đặt các rào cản thương mại phi thuế quan. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) hai nước trong duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, cùng nhau hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng mới có tính chiến lược mà hai bên có thế mạnh để tạo ra các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Indonesia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Indonesia Isma Yantun. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả hợp tác thực chất giữa Ủy ban Kiểm toán Indonesia và Kiểm toán nhà nước Việt Nam, giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ và Quốc hội hai quốc gia.
Đồng thời đề nghị cơ quan kiểm toán hai nước nghiên cứu và đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kiểm toán công, thông qua hợp tác để góp phần đẩy mạnh mối quan hệ giữa hai quốc gia xứng với tiềm năng của mỗi bên…
Với chuyến thăm Iran (từ ngày 08-10/8) được thực hiện đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Tại Hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf, hai bên cùng khẳng định coi trọng quan hệ hữu nghị và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội, hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, về kinh tế, hai bên nhất trí tăng cường các hoạt động gặp gỡ, kết nối giữa địa phương, DN để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư; tạo điều kiện cho các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước thâm nhập thị trường nước kia.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Iran tăng cường nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đồng thời bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện để Iran xuất khẩu hoa quả khô, trái cây... sang Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Iran cho biết, các DN Iran ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam, đánh giá cao sự ổn định chính trị và môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, nông nghiệp với Việt Nam; sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hai bên hợp tác kinh doanh và đầu tư.
Hợp tác kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Iran đã đạt được những bước tăng trưởng tích cực. Trong đó, kim ngạch thương mại song phương tăng hơn 19 lần trong vòng 20 năm, từ 6,5 triệu USD năm 2001 lên khoảng 124,5 triệu USD năm 2021. Các lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước, như: Văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ cũng đã và đang đạt được những thành quả đáng khích lệ.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf ký Thỏa thuận Ghi nhớ Hợp tác giữa hai Quốc hội. Đây là bản thỏa thuận đầu tiên trong lịch sử quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước.
Theo đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác song phương, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; tăng cường phát huy vai trò của Cơ quan lập pháp trong thúc đẩy quan hệ song phương; phối hợp giám sát việc thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Chính phủ hai nước; ủng hộ và tăng cường kết nối, hợp tác giữa các DN; tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng DN cũng như người dân hai nước sinh sống, đầu tư và kinh doanh tại mỗi nước…
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến Tổng thống Iran Ebrahim Raisi; tiếp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, mỏ và thương mại Iran Abbas Aliabadi; tiếp Chủ tịch Hội hữu nghị Iran - Việt Nam Seyed Kamal Sajjadi…
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Indonesia và Iran đã khẳng định sự coi trọng ưu tiên phát triển và tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước bạn bè truyền thống tại châu Á, Trung Đông nhằm mở ra các cơ hội mới về hợp tác kinh tế - thương mại.
Đồng thời, tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng ta, chủ động, tích cực củng cố và mở rộng nền tảng quan hệ chính trị, thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam với Indonesia và Iran./.