"Cuộc chiến" chống lạm phát chưa kết thúc

(BKTO) - Tỷ lệ lạm phát trên thế giới đang từng bước hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh trong nhiều thập kỷ. Dù vậy, lạm phát vẫn ở mức cao, buộc các nước phải có chiến lược ứng phó linh hoạt trước nguy cơ giá cả tiếp tục leo thang, đe dọa đà phục hồi còn mong manh của kinh tế thế giới.

lam-phat-reuters.jpg
Lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của các hộ gia đình - Nguồn: Internet

Lạm phát đã "hạ nhiệt"

Những thống kê mới nhất đã cho thấy lạm phát toàn cầu đã bắt đầu có dấu hiệu dịu đi, từ chỗ thiết lập mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở một loạt quốc gia.

Trong tháng 2/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, của Mỹ tăng 0,5% so với tháng 1/2023 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI tổng thể cũng tăng 0,4% trong tháng 2/2023 và 6% so với một năm trước đó.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 31/3 cho biết chi tiêu của các hộ gia đình tăng 0,2% (sau điều chỉnh) trong tháng 2/2023 so với tháng trước đó. Kết quả này thấp hơn nhiều so với mức tăng 2% sau điều chỉnh của tháng 1/2023. Lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của người Mỹ. Khi được điều chỉnh theo giá tăng, chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ trong tháng 2/2023 đã giảm 0,1% so với tháng trước đó, sau khi tăng 1,5% trong tháng 1/2023.

Trong khi đó, lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 3/2023 "giảm tốc" còn 6,9%, khi giá năng lượng giảm 0,9%, sau khi tăng 13,7% trong tháng 2/2023. Trong bối cảnh lạm phát cao, doanh số bán lẻ tại Eurozone chỉ tăng 0,3% trong tháng 1/2023, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. So với trước đó một năm, doanh số bán lẻ tại 20 quốc gia Eurozone đã giảm 2,3%, nhu cầu tiêu dùng đang rất yếu.

Tại Nhật Bản, CPI lõi trong tháng 2/2023 tăng 3,1%, giảm nhẹ từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ, nhờ các trợ cấp của chính phủ về giá các mặt hàng cơ bản. Đây cũng là lần đầu tiên sau 13 tháng, tốc độ tăng của lạm phát có xu hướng chậm lại ở Nhật Bản. Tuy nhiên, giá thực phẩm vẫn tăng, có thể ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của các hộ gia đình.

Với Trung Quốc, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS), lạm phát giá tiêu dùng trong tháng 2/2023 giảm xuống mức thấp nhất trong một năm, khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch và chi tiêu mạnh dịp Tết Nguyên đán. Trung Quốc ít chịu tác động từ việc giá cả tăng mạnh trên toàn cầu cũng như xung đột giữa Nga và Ukraine.

Chưa chiến thắng trong "cuộc chiến" chống lạm phát

mexico-lam-phat-reuters.jpg
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Mexico - Nguồn: Internet

Tuy nhiên, những số liệu mới nhất về lạm phát tại hầu hết các nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn gây lo ngại, vì áp lực giá cả tại quốc gia này vẫn ở mức cao trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine tiếp diễn khiến giá năng lượng và lương thực khó giảm nhanh. 

Vào tháng 3/2022, chỉ số giá thực phẩm do Liên Hợp Quốc tổng hợp bao gồm ngũ cốc, dầu thực vật, đường, thịt và các sản phẩm từ sữa đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong vòng 50 năm qua và duy trì ở ngưỡng cao này cho đến tháng 6, sau đó giảm mạnh vào tháng 7 và đã giảm kể từ đó. Sau gần một năm, tháng 2/2023, giá thực phẩm đã giảm 18,7% so với mức đỉnh. Song, giá các hộ gia đình phải trả cho thực phẩm ở Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục tăng.

Trong vòng một năm, tính đến tháng 3/2023, giá thực phẩm, rượu và thuốc lá ở khu vực Eurozone tăng 15,4%, trong khi giá năng lượng giảm 0,9%.

Tại Mỹ, giá thực phẩm tăng 10,2%, vượt xa giá năng lượng ở mức 5,2%. Đa số các quốc gia trên thế giới hiện nay đều gặp phải hiện tượng chung là thực phẩm chiếm phần lớn chi tiêu trong các hộ gia đình.

Giá lương thực cao cũng là một vấn đề đối với các ngân hàng trung ương. Đa phần các ngân hàng đều dựa vào lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và giá năng lượng) để đánh giá xu hướng lạm phát trong tương lai. Nhưng, họ cũng nhận ra rằng lạm phát toàn phần (kể cả giá thực phẩm và giá năng lượng) có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của công chúng.

Các hộ gia đình tiêu nhiều nhất vào việc mua thực phẩm, do đó khi giá thực phẩm tăng thì có thể khiến người lao động thương lượng mức lương cao hơn, kéo theo giá cả cũng sẽ tăng lên.

Trong một phát biểu mới đây, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức Joachim Nagel cho rằng trong cuộc chiến chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không nên từ bỏ sớm việc tăng lãi suất.

Theo ông Nagel, thời gian qua, ECB đã thực hiện một bước ngoặt chưa từng có trong chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Chỉ trong vòng chín tháng từ tháng 7/2022, ECB đã 6 lần tăng lãi suất với tổng mức tăng là 350 điểm cơ bản. Nhưng hiện tại, tỷ lệ lạm phát ở Eurozone vẫn còn cách rất xa mục tiêu 2% của ECB. Do đó cần phải giữ mức lãi suất đủ cao trong thời gian cần thiết để đảm bảo ổn định giá cả lâu dài.

Ông Nagel cho rằng nếu tình hình lạm phát của Eurozone diễn biến theo đúng dự báo, ở mức 5,3% trong năm nay, điều này không nên dẫn đến việc dừng tăng lãi suất, vì khu vực Eurozone vẫn chưa giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Tương tự châu Âu, lạm phát tại Nhật Bản cũng cao hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đặt ra trong gần 1 năm, đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương này vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với sức ép phải rút lại chính sách kích thích tiền tệ. BoJ cho biết lạm phát tăng chỉ mang tính tạm thời, vì phụ thuộc vào chi phí nhập khẩu tăng. Ngân hàng dự báo CPI lõi sẽ dưới mục tiêu 2% trong năm nay. BoJ đặt mục tiêu lạm phát ổn định đi kèm với tăng trưởng lương mạnh mẽ.

Ngày 14/4, phát biểu tại Hội nghị mùa Xuân ở Washington (Mỹ), Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Kristalina Georgieva cũng khẳng định nền kinh tế toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể trước nhiều cú sốc, nhưng vẫn chưa thể vượt qua thách thức cộng hưởng giữa tăng trưởng yếu và lạm phát kéo dài.

Nhà lãnh đạo IMF cũng cảnh báo thế giới sau khi phục hồi sau đại dịch COVID-19, vẫn chịu lạm phát cao cũng như tác động lan tỏa từ cuộc xung đột ở Ukraine, các nhà hoạch định chính sách có 2 nhiệm vụ chính trong thời gian tới: Chống lạm phát dai dẳng và bảo vệ sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, cả hai nhiệm vụ hiện đều trở nên phức tạp hơn sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng lớn tại Mỹ. Do đó, Tổng giám đốc IMF kêu gọi các ngân hàng trung ương nên giải quyết các rủi ro bằng cách hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý và giám sát.

Cùng chuyên mục
"Cuộc chiến" chống lạm phát chưa kết thúc