Bộ GTVT cho biết, chủ trương phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt đối với tuyến đường bộ cao tốc là chủ trương lớn của Đảng đã được xác định tại văn kiện Đại hội lần thứ XI, XII, XIII của Đảng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận cụ thể để thực hiện chủ trương này đối với từng vùng kinh tế, tỉnh/thành phố.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng vẫn chưa bảo đảm tính đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc còn chậm, chưa hợp lý, phân bổ chưa hài hòa giữa các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực và vùng khó khăn.
Trên cơ sở đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu: Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. “Đây là thách thức lớn cần có sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm vượt bậc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương để thực hiện thành công mục tiêu Đại hội Đảng” - Bộ GTVT chia sẻ.
Về tình hình triển khai, Bộ GTVT cho biết, từ khi tuyến cao tốc đầu tiên TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương được khởi công, sau gần 20 năm xây dựng, đến nay đã đưa vào khai thác khoảng 1.729km, đang thi công xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.071km. Hiện nay, đã quyết định chủ trương đầu tư, bố trí đủ vốn thực hiện, dự kiến khởi công giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.258km.
Để đảm bảo triển khai thành công mục tiêu Đại hội Đảng và lộ trình Chính phủ đề ra, Bộ GTVT xác định: Cần phải huy động mọi nguồn lực từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, từ các doanh nghiệp thông qua hình thức đối tác công tư với cơ chế thu hút hấp dẫn mới bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện Dự án.
Ngoài ra, việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình phù hợp để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư; triển khai mạnh mẽ phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, tiếp tục sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách, thể chế có tính chất đột phá về phân cấp phân quyền, huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành Dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và đưa vào vận hành khai thác./.