Chiều 26/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.
Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát đề nghị EVN báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung vào việc đánh giá, làm rõ kết quả nổi bật đã đạt được; tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, khuyết điểm, sai phạm (nếu có), nguyên nhân khách quan, chủ quan; làm rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; giải pháp và đề xuất, kiến nghị.
Đồng thời, tập trung làm rõ các vấn đề liên quan tới đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; cơ sở hạ tầng ngành điện; sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước đầu tư vào các dự án hạ tầng ngành điện, nhất là các dự án lưới điện; giá điện, thị trường điện, giá nhập khẩu năng lượng sơ cấp, giá FIT, hợp đồng mua bán điện…; điều hành giá điện; hoạt động của Trung tâm điều độ quốc gia.
Bên cạnh đó, cần làm rõ các vấn đề về việc triển khai các quy hoạch điện; việc tham gia xây dựng Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; tình hình thực hiện các dự án chậm tiến độ (đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia); việc giải quyết những tồn đọng, thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng và những vấn đề khác có liên quan.
Sau khi nghe Chủ tịch HĐQT EVN Đặng Hoàng An báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, thời gian qua, EVN đã cố gắng, nỗ lực trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thậm chí có khuyết điểm, sai phạm mà các cơ quan chức năng đã chỉ ra.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng tập trung vào trách nhiệm của EVN đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia nói chung, trong đó có an ninh năng lượng điện. Nhiều ý kiến quan tâm, lo lắng về hiện tượng thiếu điện trong thời gian gần đây, đề nghị cần làm rõ nguyên nhân của thực trạng này cũng như trách nhiệm và phương hướng xử lý trong thời gian tới.
Có ý kiến cho rằng, EVN cần có những đề xuất trước mắt để hoá giải được tình trạng lo lắng về mất an ninh năng lượng nói chung, an ninh năng lượng điện nói riêng. Cần làm rõ từ giờ đến cuối năm 2023, đến năm 2025 có thiếu điện nữa hay không? Để tránh tình trạng này, EVN có thể kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề như thế nào về mặt pháp lý, cơ chế. Đặc biệt, cần quan tâm có những kiến nghị cụ thể về những vấn đề cấp bách, trước mắt như dự án nguồn, dự án lưới, vấn đề điều độ, điều tiết…
Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị EVN có những giải pháp và hướng tháo gỡ cho nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo và tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư truyền tải điện, vấn đề triển khai thị trường điện bán lẻ cạnh tranh; giải pháp về thu hút nguồn vốn đầu tư cho các giai đoạn tiếp theo; đẩy nhanh tiến trình cơ cấu EVN, mô hình tổ chức của tập đoàn trước mắt và lâu dài...
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, EVN và các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để sản xuất, truyền tải, phân phối; chỉ huy, điều hành hệ thống và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia… đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, qua kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, qua ý kiến của cử tri và ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát cũng cho thấy việc thực hiện chính sách, pháp luật về điện có một số bất cập, hạn chế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, EVN và các đơn vị liên quan cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có giải pháp khắc phục, không để tiếp tục tái diễn; tập trung có giải pháp để bảo đảm cung ứng đủ điện trong năm 2024-2025 và các năm tiếp theo.
Đồng thời, đẩy nhanh quá trình thực hiện cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn theo đúng chủ trương nêu tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn và lưới điện bị chậm tiến độ, bị sự cố ngừng hoạt động; tăng cường phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, các địa phương và cơ quan liên quan trong triển khai các dự án năng lượng.