Đặc biệt, việc tổ chức thực hiện công tác kiểm toán của KTNN những năm gần đây đạt nhiều kết quả nổi bật.
Thứ nhất, thông qua kiểm toán, KTNN đã kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng nguồn lực công.
Thứ hai, KTNN đã đóng góp hiệu quả vào việc chống thất thu thuế, đặc biệt là đối với khối DN. Một điều mà chúng ta thấy rất rõ là dù KTNN có kiểm toán theo mẫu hay theo kế hoạch thì con số năm 2017 thông qua kiểm toán hơn 2.000 DN, KTNN đã phát hiện ra 94% các DN kê khai và nộp thuế chưa đúng quy định; năm 2018, qua kiểm toán cũng xác định khoảng 94 - 95% DN vi phạm - đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trước Quốc hội, trước Chính phủ để qua đó, Chính phủ phải chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tăng cường kiểm tra, giám sát hậu kiểm nhiều hơn nữa, để thu ngân sách chính xác hơn; tăng cường công tác tuyên truyền về trách nhiệm, nghĩa vụ của DN, cơ quan, đơn vị về nghiêm chỉnh chấp hành nộp thuế.
Thứ ba, trong công tác quản lý các nguồn thu và chống thất thu, qua số liệu kiểm toán và qua số liệu của Bộ Tài chính cho thấy số nợ đọng thuế còn rất lớn. Tính đến ngày 30/9/2019, tổng số nợ thuế khoảng 80.800 tỷ đồng. Trong khi đó, qua kiểm tra của KTNN ở 36 địa phương thì có tới 21 địa phương (chiếm 58,3%) báo cáo nợ thuế không chính xác với số tiền là 1.297,7 tỷ đồng... Như vậy, việc phát sinh nợ thuế tiếp tục tăng so với năm trước và chưa thực hiện được nghị quyết của Quốc hội đề ra là trong năm 2019 giảm nợ đọng thuế. Qua đây cho thấy công tác thu, quản lý các nguồn thu, kê khai không đầy đủ, còn có nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến công tác điều hành nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ cần nhìn nhận rõ vấn đề này để có các giải pháp hữu hiệu hơn nữa.
Ở địa phương, KTNN các khu vực đã phát huy tốt được vai trò, trách nhiệm, kết quả kiểm toán được địa phương đánh giá rất cao. Tuy nhiên, tôi cho rằng, trong thời gian tới, KTNN cần phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời hơn nữa về kế hoạch kiểm toán, kết quả kiểm toán đối với Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trên địa bàn kiểm toán. Bởi Quốc hội, đại biểu Quốc hội chính là người giám sát hoạt động kiểm toán cũng như giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền ở địa phương; đôn đốc việc thực hiện những kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các cơ quan, đơn vị tại địa phương, qua đó giúp nâng cao hơn hiệu lực, hiệu quả kiểm toán.
Đặc biệt, vừa qua, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, đó sẽ là hành lang pháp lý tốt hơn, chặt chẽ, rõ ràng hơn, khắc phục được những vấn đề bất cập gây khó khăn cho hoạt động kiểm toán; nâng cao trách nhiệm của KTNN cũng như của chính quyền địa phương, các đơn vị được kiểm toán, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán… nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTNN. Vì vậy, tôi kỳ vọng, khi Luật này có hiệu lực thì vai trò của KTNN sẽ phát huy tốt hơn, đặc biệt qua công tác kiểm toán, KTNN cần chỉ ra được những cái yếu về mặt quản lý nhà nước, quản lý kinh tế để chính quyền địa phương căn cứ vào đó chỉ đạo, điều hành tốt hơn.
NGUYỄN HỒNG (ghi)