Tôi rất ấn tượng với những kết quả công tác năm 2018 của KTNN. Theo báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, KTNN đã hoàn thành kế hoạch đề ra, qua đó kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng, tăng thu, giảm chi NSNN tăng 18,39% so với năm 2017. Qua kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 115 văn bản pháp luật (2 luật, 4 nghị định; 15 thông tư; 15 nghị quyết; 28 quyết định; 51 văn bản khác nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí tài sản, tài chính công; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân.
Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng |
Tôi cũng được biết, năm qua, KTNN đã chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua kết quả kiểm toán sang Cơ quan Điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đang quyết tâm đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết quả trên của KTNN là rất đáng ghi nhận, góp phần đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
Những kết quả đạt được thể hiện nỗ lực, quyết tâm của KTNN nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước, hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Tôi hy vọng rằng, trong năm 2019, KTNN sẽ tiếp tục phát huy sức chiến đấu, khắc phục khó khăn để đạt được những thành công mới trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. KTNN cần bám sát chỉ đạo, định hướng của Đảng và các nghị quyết của Quốc hội trong xây dựng kế hoạch kiểm toán; tăng cường chất lượng cán bộ, tiếp tục đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng kiểm toán; chú trọng kiểm toán những vấn đề nhạy cảm, nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như: việc sử dụng tài sản công, tài chính công, nhất là việc sử dụng đất đai, công tác thu, chi NSNN, các dự án đầu tư bằng ngân sách T.Ư; dự án PPP, việc cổ phần hóa DNNN; đồng thời góp phần phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực NSNN...
N. HỒNG (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số Xuân 2019