
Đang cân nhắc giới hạn phạm vi mặt hàng điều hòa bị đánh thuế
Báo cáo về một số nội dung cơ bản trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng không chịu thuế là xăng và điều hòa nhiệt độ vì đây là những hàng hóa thiết yếu. Tại Việt Nam, mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Việt Nam từ năm 1995.
Để khuyến khích sử dụng xăng sinh học, Luật Thuế TTĐB đã quy định mức thuế suất ưu đãi đối với mặt hàng xăng E5 là 8%, E10 là 7% (thấp hơn so với mức thuế suất 10% áp dụng đối với mặt hàng xăng khoáng). Quy định này phù hợp với mục tiêu của thuế TTĐB là điều tiết tiêu dùng đối với hàng hóa cần sử dụng tiết kiệm và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cùng với các giải pháp khác thì việc thu thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) như hiện nay là phù hợp, góp phần giảm phát thải và định hướng tiêu dùng tiết kiệm. Do đó, cơ quan tiếp thu, giải trình đề nghị giữ như Dự thảo Luật.
Với mặt hàng điều hòa nhiệt độ, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính nêu rõ, việc thu thuế TTĐB đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống đang được áp dụng ổn định nhằm nâng cao nhận thức về việc hạn chế tiêu dùng cũng như định hướng tiêu dùng tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, như ý kiến đại biểu nêu, nhu cầu sử dụng các thiết bị lạnh và điều hòa không khí ở nước ta tăng cao và trở thành phổ biến để đáp ứng nhu cầu bình thường của người dân trong điều kiện nhiệt độ ngày càng tăng cao. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, Cơ quan soạn thảo đang cân nhắc phương án giới hạn lại phạm vi các mặt hàng điều hoà nhiệt độ bị đánh thuế TTĐB.
Đề nghị không đánh thuế với xăng, điều hòa
Thảo luận tại Hội nghị, một số ĐBQH tiếp tục đề nghị bổ sung đối tượng không chịu thuế là xăng và điều hòa nhiệt độ.

Bày tỏ chưa đồng tình với phương án tiếp thu, giải trình, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) lưu ý “giới hạn lại phạm vi” nghĩa là vẫn còn đánh thuế với mặt hàng điều hòa nhiệt độ.
Nhấn mạnh mục tiêu chính của đánh thuế TTĐB nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe, ảnh hưởng không tốt tới cộng đồng, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ: “Điều hòa nhiệt độ là sản phẩm tiêu dùng phổ biến và không có cái gì thay thế, đánh thuế cao thì người dân vẫn phải dùng, có hạn chế đối tượng nào đó thì vẫn không thay đổi hành vi”. Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ mặt hàng điều hòa khỏi đối tượng chịu thuế.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) nhấn mạnh, việc áp thuế phải đúng bản chất của thuế TTĐB. Đại biểu cũng đề nghị không đánh thuế TTĐB với mặt hàng điều hòa nhiệt độ vì đây là mặt hàng thiết yếu, sản phẩm này cũng đang được áp dụng công nghệ, tiết kiệm điện.
Tương tự, đối với mặt hàng xăng, đại biểu Nguyễn Trường Giang phân tích, xăng là mặt hàng thiết yếu và không thể hạn chế sử dụng xăng được. Hơn nữa, xăng vừa chịu thuế TTĐB, vừa chịu thuế bảo vệ môi trường. “Nếu xác định dùng xăng ảnh hưởng tới môi trường thì tăng thuế bảo vệ môi trường chứ không đánh thuế TTĐB” - đại biểu nêu quan điểm.
Báo cáo giải trình vấn đề ĐBQH nêu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nêu rõ, mục tiêu của thuế TTĐB là nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng. Với mặt hàng điều hòa nhiệt độ, trước đây đặt vấn đề là mặt hàng xa xỉ, nhưng nay đã là phổ thông, các gia đình sử dụng nhiều. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ban soạn thảo sẽ cùng với các cơ quan liên quan rà soát để có phương án điều tiết phù hợp.
Về mặt hàng xăng, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng đinh, việc áp thuế này đã từ rất lâu và nhiều nước cũng đánh cả thuế TTĐB (thu theo tỷ lệ phần trăm) và thuế bảo vệ môi trường (thu thuế tuyệt đối). Hơn nữa, mức thuế với xăng sinh học đang được đề xuất thu ở mức thuế thấp hơn để khuyến khích dùng loại xăng này, sử dụng tiết kiệm.