Một số bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách
Ưu đãi NCC với cách mạng là chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tôn vinh và tri ân, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với cống hiến của những NCC với cách mạng. Hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC với cách mạng ngày càng được hoàn thiện; việc thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi đã đạt được nhiều kết quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của NCC và thân nhân theo đúng chủ trương của Đảng.
Giai đoạn 2021-2023, tổng dự toán kinh phí thực hiện Pháp lệnh ưu đãi NCC là 100.906 tỷ đồng, kinh phí đề nghị quyết toán là 97.064 tỷ đồng. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC được quan tâm, tăng từ 1.624.000 đồng năm 2020 lên 2.055.000 đồng năm 2023 (tăng 26,5% so với năm 2020), năm 2024 là 2.789.000 đồng (tăng 35,7% so với năm 2023), giúp đời sống NCC và gia đình được cải thiện và nâng cao. Đến hết năm 2023, cả nước có 99,29% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; việc triển khai thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC đã được quan tâm với phạm vi thực hiện chính sách rộng, số lượng đối tượng thụ hưởng lớn.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công rất nhiều, liên quan đến nhiều đối tượng thụ hưởng trong nhiều thời kỳ, vì vậy, việc hiểu và thực thi chính sách đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu và tìm hiểu kỹ lưỡng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình quản lý, sử dụng kinh phí và thực hiện các chính sách ưu đãi vẫn còn những bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn. Kết quả kiểm toán Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công giai đoạn 2021-2023” tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương cho thấy, các Nghị định của Chính phủ ban hành chậm so với thời điểm Pháp lệnh Ưu đãi NCC có hiệu lực (01/7/2021) nên các địa phương lúng túng về trình tự thủ tục, hồ sơ, thời điểm cho các đối tượng thụ hưởng, tăng thủ tục hành chính và thời gian của người được thụ hưởng. Mặc dù, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi và các khoản trợ cấp ưu đãi được Đảng, Nhà nước quan tâm điều chỉnh tăng, song còn một số đối tượng đang hưởng mức trợ cấp hằng tháng chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt là hỗ trợ thuốc, điều trị và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe; mức sống của một bộ phận hộ gia đình NCC còn thấp hơn mức sống bình quân của cộng đồng dân cư nơi cư trú…
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, hồ sơ công nhận, thẩm quyền giải quyết đối với một số trường hợp là NCC và thân nhân NCC nên các địa phương vướng mắc trong công tác công nhận; chưa quy định rõ thời điểm được hưởng, hưởng lại hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp ưu đãi của một số đối tượng dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết chế độ ưu đãi, ảnh hưởng đến quyền lợi của NCC.
Cơ sở dữ liệu về NCC hiện đang lưu trữ tại cấp tỉnh, huyện và sử dụng nhiều phiên bản phần mềm, dữ liệu khác nhau, một số địa phương chưa có phần mềm quản lý thông tin đối tượng NCC trong khi dữ liệu về NCC lớn, phức tạp nên khó trong quá trình cập nhật. Tại các địa phương, KTNN các khu vực đã chỉ ra tình trạng lập, giao dự toán còn chậm so với quy định, giao dự toán chưa sát với nhu cầu các đơn vị nên cuối năm phải điều chỉnh, hủy và chuyển số dư dự toán lớn. Việc triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua tài khoản gặp khó khăn do đối tượng NCC chủ yếu là người cao tuổi, thương binh, bệnh binh nên việc đi lại khó khăn, phải thực hiện chi trả tại nhà, đối tượng là dân tộc thiểu số và một số trường hợp không biết chữ nên việc tự giao dịch qua tài khoản không thực hiện được…
Cập nhật cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ, thủ tục
Từ những bất cập đã được KTNN chỉ rõ và để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi NCC, KTNN cho rằng, trước tiên, các chính sách ưu đãi NCC phải đảm bảo thông suốt, thống nhất, đồng bộ về hiệu lực thi hành; quy định cụ thể đối tượng và thời điểm thụ hưởng, dừng và hưởng lại; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục kèm theo để các địa phương có đủ cơ sở giải quyết kịp thời, đầy đủ cho các đối tượng chính sách ưu đãi NCC; điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và mức tăng tiền lương cơ sở.
Ngoài nguồn NSNN, cần đẩy mạnh, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác chăm lo NCC. Đối với kinh phí để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì công trình nghĩa trang, cần quy định việc hỗ trợ kinh phí phải đảm bảo nguyên tắc quản lý NSNN “công khai, minh bạch” để các địa phương chủ động triển khai từ việc bố trí nguồn vốn thực hiện (nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực hợp pháp khác); trong đó, xác định nhu cầu đề xuất kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ; ngoài ra để thống nhất khi phê duyệt hồ sơ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì nghĩa trang liệt sĩ và tránh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
KTNN đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, giải quyết chế độ, chính sách ưu đãi kịp thời cho NCC và thân nhân NCC; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thực hiện dịch vụ giám định ADN làm cơ sở xác định đơn giá đặt hàng, ký hợp đồng và thanh toán kinh phí giám định ADN cho các đơn vị, đảm bảo tiến độ thực hiện Đề án tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương cập nhật cơ sở dữ liệu NCC, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ, thủ tục ưu đãi NCC nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác NCC trong giai đoạn mới. Đây cũng là tiền đề để thông tin về NCC được nhanh chóng, thuận tiện cho việc theo dõi, lập dự toán sát hơn, loại bỏ trường hợp trùng chế độ, chi trả kịp thời, hạn chế kinh phí thừa hằng năm; kết nối với các cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, cơ sở dữ liệu dân cư đáp ứng yêu cầu của Chính phủ điện tử, Chính phủ số./.