Thước đo để hình thành tiêu chí trong kiểm toán hoạt động
Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã đề cập đến KTHĐ: “Là một loại hình kiểm toán khác nhằm vào sự hoạt động, tính hiệu lực, hiệu quả và tính kinh tế của việc quản lý hành chính công. Loại hình kiểm toán này không chỉ bao gồm các khía cạnh của sự quản lý mà còn bao gồm tất cả hoạt động quản lý, kể cả hệ thống tổ chức và hành chính”. Cũng theo INTOSAI, KTHĐ tập trung vào 3 mục tiêu lớn là kiểm toán tính tiết kiệm, hiệu quả và hiệu lực.
Tiêu chí kiểm toán là những khía cạnh nhấn mạnh, là thước đo hoạt động mà KTV sử dụng để đánh giá về một vấn đề. KTV cần phải xây dựng hoặc lựa chọn các tiêu chí kiểm toán thích hợp, tương ứng với từng nội dung kiểm toán để có thể đưa ra đánh giá, kiến nghị kiểm toán.
Tiêu chí trong KTHĐ là nhân tố quan trọng không thể thiếu nhằm giúp cuộc KTHĐ hiệu quả và thành công. Theo Hướng dẫn chuẩn mực kiểm toán ISSAI 3000, hệ thống tiêu chí đánh giá sử dụng trong KTHĐ có thể được thiết kế theo sơ đồ hình kim tự tháp. Trong đó, tiêu chí chính được xác định theo từng mục tiêu kiểm toán, bao gồm: tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực. Tiêu chí chính có thể được thiết lập dưới dạng các câu hỏi tổng thể hoặc nội dung chính để phản ánh các tiêu chí phụ. Đồng thời, thước đo để hình thành tiêu chí kiểm toán về tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực sẽ dựa trên các thước đo về tài chính, số lượng, thời gian, chất lượng.
Khi thực hiện kiểm toán tính kinh tế, kiểm toán viên (KTV) cần quan tâm chất lượng và số lượng của các yếu tố đầu vào có tối ưu và phù hợp hay không. Khi kiểm toán tính hiệu quả, KTV cần đánh giá mối quan hệ giữa chất lượng, số lượng so với nguồn lực được sử dụng để vận hành các dịch vụ công/chương trình, dự án phục vụ người dân. Tính hiệu quả chủ yếu được xác định trong câu hỏi liệu các nguồn lực đã được sử dụng tối ưu hoặc thỏa đáng hay chưa? Do đó, hiệu quả chủ yếu được xác định theo hai cách có thể xảy ra: Đạt được cùng một sản lượng với ít nguồn lực hơn; hoặc cùng một nguồn lực có thể đạt được kết quả tốt hơn (số lượng và chất lượng của đầu ra).
Hiệu lực trong KTHĐ được hiểu là kết quả đạt được trên thực tế so với các mục tiêu đưa ra và các tác động từ quá trình hoạt động đối với các bên liên quan, bao gồm cả môi trường và xã hội. Tính hiệu lực trong KTHĐ gồm những nội dung: Tính khả thi của các mục tiêu - các mục tiêu sẽ đạt được (nhiều khả năng nhất); Các mục tiêu trong quá trình thực hiện có đạt được không và đạt được ở mức độ nào? (so sánh kết quả đạt được trên thực tế với kế hoạch, dự toán đưa ra); Tác động của dự án, chương trình so với các mục tiêu đã hoạch định và các đối tượng liên quan.
Một số lưu ý khi xây dựng tiêu chí kiểm toán hoạt động khu vực công
Để xây dựng tiêu chí trong KTHĐ, trước tiên, KTV cần tìm hiểu đặc điểm hoạt động, quy trình kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán, từ đó đánh giá rủi ro liên quan tới hiệu lực, hiệu quả và tính kinh tế. Đồng thời, KTV bám sát quy trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của đơn vị được kiểm toán để thấy được đầu vào (các nguồn lực, thông tin) mà đơn vị sử dụng cùng với quy trình nghiệp vụ để cho ra thông tin, kết quả đầu ra, cùng các tác động tới môi trường, xã hội.
Để xây dựng tiêu chí kiểm toán, KTV có thể ứng dụng phương pháp 5W 1H, trong đó: Tính kinh tế - “Như thế nào” (How): Tạo ra đầu ra, kết quả được chi nhánh/đơn vị thành viên/phòng ban/hội sở/toàn hệ thống tạo ra như thế nào? Có lãng phí không? Có cách nào thực hiện tốt hơn không? Chi phí để có nguồn lực đầu vào có hợp lý không?
Tính hiệu quả - “Cái gì” (What): Nguồn lực sử dụng là gì? cái gì được tạo ra từ hệ thống? Tính hiệu lực - “Tại sao” (Why): Hệ thống tạo ra được kết quả (căn cứ mục tiêu ngắn và dài hạn phù hợp chưa? Các nguồn lực kết hợp với nhau ra sao?); “Ai” (Who), “Ở đâu” (Where): Hoạt động của đơn vị tạo ra những tác động tới ai và ở đâu?
Các tiêu chí khi xây dựng cần có nguồn gốc rõ ràng và được trao đổi, thống nhất với đơn vị được kiểm toán. Nguồn gốc, căn cứ xây dựng tiêu chí cần được thể hiện rõ: Các chiến lược, mục tiêu trong ngắn và dài hạn; Định mức tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật; Quy chế tài chính, chi tiêu nội bộ hoặc các quy định trong nội bộ; Thông tin, chỉ tiêu, hoạt động ở các kỳ trước; Các chỉ tiêu bình quân ngành; Dự toán hoặc kế hoạch trong kỳ; Thông tư hướng dẫn về công bố thông tin; Hệ thống các chuẩn mực, nguyên tắc hoạt động... Để xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá logic, không thực hiện đơn lẻ, xét đoán chủ quan, KTV cần nắm nguyên tắc, sử dụng các mô hình đánh giá trong việc xây dựng hệ thống tiêu chí kiểm toán trong KTHĐ phù hợp.
Sau khi hình thành các tiêu chí, KTV có thể sử dụng mô hình SMART với 5 căn cứ để kiểm định mức độ phù hợp và khả thi của các tiêu chí kiểm toán, bao gồm: Tính cụ thể - Specific; Có thể đo lường được - Measurable (rõ ràng về kết quả hoạt động và các tác động được đo lường, đánh giá như thế nào?); Có thể đạt được - Achievable (các tiêu chí đặt ra phải có tính khả thi tránh việc không thể hoặc sẽ không thực hiện được); Có liên quan - Relevant (các tiêu chí cần tập trung vào đúng nội dung, lĩnh vực kiểm toán); Có giới hạn thời gian - Timebound (rõ ràng về thời hạn hoàn thành các tiêu chí).
Các tiêu chí khi xây dựng cũng cần có sự đồng thuận của đơn vị được kiểm toán trước khi đưa vào sử dụng cho cuộc kiểm toán. Việc xây dựng tiêu chí đánh giá trong KTHĐ quyết định tới hiệu quả và thành công của cuộc kiểm toán. Tiêu chí kiểm toán cần được xây dựng phù hợp cho từng cuộc kiểm toán, đòi hỏi KTV phải linh hoạt, sáng tạo trong quá trình kiểm toán. KTV cần có kiến thức tổng hợp cùng các kỹ năng phỏng vấn, giao tiếp với đơn vị được kiểm toán để có được bộ tiêu chí phù hợp./.