Đảm bảo cơ chế pháp lý cho hoạt động khám, chữa bệnh từ xa

(BKTO) - Bảo đảm cơ chế pháp lý cho việc tổ chức triển khai hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người nhiễm Covid-19 hoặc người dân không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch Covid-19 là một trong những cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp thứ 6 mới đây.



“Cứu cánh” cho người bệnh trong điều kiện cách ly, phong tỏa

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy, nhiều người dân (bao gồm cả người mắc Covid-19) không thể tiếp cận được với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do họ đang ở trong khu vực cách ly, phong tỏa hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị phong tỏa.

Để khắc phục khó khăn này, Bộ Y tế và các địa phương đã triển khai hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Tuy nhiên, hiện nay Luật Khám bệnh, chữa bệnh không có quy định về vấn đề này và Luật Bảo hiểm y tế cũng không có quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với hình thức khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
                
   

Người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bởi các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: BV cung cấp

   

Để bảo đảm cơ chế pháp lý cho việc tổ chức triển khai hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người nhiễm Covid-19 hoặc người dân không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch Covid-19, Chính phủ kiến nghị cho phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người nhiễm Covid-19 hoặc người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh Covid-19 với một số nội dung chủ yếu là:

“1. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa được thực hiện bằng việc tương tác giữa người hành nghề ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này với người hành nghề ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác với người bệnh và tương tác giữa người hành nghề với người bệnh thông qua các phương tiện viễn thông, công nghệ thông tin để tư vấn, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh.

2. Người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc của mình theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

3. Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ xa theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng của người bệnh".


Bên cạnh đó, giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người nhiễm Covid-19 hoặc người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch Covid-19, trong đó cho phép quy định yêu cầu, điều kiện và thủ tục phê duyệt hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, việc khám bệnh, chữa bệnh từ xa là một phương pháp mới nhưng có ý nghĩa với bệnh nhân Covid-19, nhất là người mắc bệnh lý nền.

Trong khi đó, theo thống kê, số tử vong do Covid-19 ở người có bệnh nền rất cao, có ngày lên đến 90% tử vong có nguyên nhân liên quan đến tiểu đường, huyết áp… Nguyên nhân là do người bệnh không tiếp cận được với các dịch vụ y tế khi đang ở khu cách ly, phong tỏa... Bởi lẽ, theo quy định hiện nay, các cơ sở y tế sẽ không cấp phát thuốc cho người bệnh nếu không đến trực tiếp hoặc không có giấy ủy quyền.

Do đó, ông Phạm Lương Sơn đồng tình việc cho phép thí điểm phương thức khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Nếu áp dụng khám bệnh, chữa bệnh từ xa có kết nối telehealth thì có thể chẩn đoán, khám, chỉ định với người bệnh từ các trạm y tế lưu động; có cơ sở để y tế tuyến huyện, xã có thể cấp thuốc đến tay người dân...

Không thể áp giá dịch vụ khám chữa bệnh thông thường cho khám chữa bệnh từ xa

Từ góc độ cơ quan thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cơ bản nhất trí với quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

“Hoạt động này đã chứng minh hiệu quả rõ ràng trong bối cảnh dịch Covid-19 và Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế chưa có quy định về hình thức tổ chức cũng như thanh toán cho khám chữa bệnh từ xa” - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nói.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc bổ sung quy định về điều kiện đối với người hành nghề khám chữa bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh được thực hiện khám chữa bệnh từ xa; đồng thời quan tâm đến việc hướng dẫn về điều kiện cơ sở hạ tầng, viễn thông, công nghệ thông tin.

Đặc biệt, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ bổ sung quy định giao Bộ Y tế hướng dẫn về giá dịch vụ khám chữa bệnh từ xa vì không thể áp giá dịch vụ khám chữa bệnh thông thường cho loại hình này.

Cùng với đó, việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh từ xa cần thực hiện như các trường hợp khác theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế và các luật khác liên quan chứ không chỉ là từ nguồn bảo hiểm y tế.
Đ. KHOA


Cùng chuyên mục
  • Tháo gỡ điểm nghẽn, đưa điện ảnh phát triển xứng tầm, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thúc đẩy công nghiệp văn hóa là một nội dung quan trọng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vừa qua, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, trọng tâm là điện ảnh, đó là tạo điều kiện thuận lợi để điện ảnh nước nhà bứt phá, có đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho ngành văn hóa là cần mau chóng cụ thể hóa các định hướng của Đảng về phát triển văn hóa, trong đó có điện ảnh.
  • Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) – Ngày 08/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị-Hội thảo “Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Sự kiện được tổ chức nhằm cụ thể hóa những định hướng phát triển văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhất là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra mới đây.
  • Chấn hưng nền văn hóa, cần bắt đầu từ cán bộ trực tiếp làm văn hóa
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 diễn ra vừa qua, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm chấn hưng nền văn hóa được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra, đó là không ngừng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa.
  • Ngày 08/12, Việt Nam ghi nhận 14.599 ca nhiễm Covid-19 mới, 24.737 ca khỏi bệnh
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) – Tối 08/12, Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 07/12 đến 16h ngày 08/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.599 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 14.595 ca ghi nhận trong nước (tăng 760 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 8.322 ca trong cộng đồng).
  • Người dân đánh giá cao hiệu quả của các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Đa số người dân đánh giá cao mức độ hiệu quả của các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 của các cấp chính quyền; đồng thời thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với hầu hết các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ.
Đảm bảo cơ chế pháp lý cho hoạt động khám, chữa bệnh từ xa