Đảm bảo nền tảng vững chắc từ giáo dục, đào tạo cơ bản đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

(BKTO) - Thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ người lao động được qua đào tạo đạt 80 - 85%; dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 60%, trong đó, 15% dân số có trình độ đại học trở lên…

1.png
Lan tỏa tinh thần đam mê khoa học và sáng tạo khởi nghiệp tới các bạn sinh viên đang học tập tại các trường Đại học. Ảnh: HUST

Xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng văn hóa

Theo Nghị quyết số 23-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội đã hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”, trong đó, nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập của một số đơn vị còn thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; có nơi còn lúng túng. Một số khó khăn của hội khuyến học chưa giải quyết được do còn vướng mắc về cơ chế; hoạt động của một số chi hội, ban khuyến học, hội cơ sở còn chung chung, hình thức, chậm đổi mới, chậm đại hội nhiệm kỳ.

Nghị quyết số 23-NQ/TU đề ra mục tiêu phấn đấu đưa Thủ đô Hà Nội gia nhập mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO trong thời gian sớm nhất. Theo đó, đến năm 2025, duy trì kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; duy trì tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi biết chữ đạt 99,5% trở lên; tỷ lệ người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ đạt 95%.

100% quận, huyện, thị xã duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân, tỷ lệ lao động được qua đào tạo đạt 75 - 80%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55 - 60%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin đạt 50%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống đạt 50%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 50%...

Về hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, phấn đấu 80% cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số; 70% các trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 80 - 85%.

Về việc xây dựng các mô hình học tập, phấn đấu tỷ lệ người dân đạt danh hiệu công dân học tập đạt 50%; tỷ lệ người dân có kỹ năng số đạt 50%; tỷ lệ gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập đạt 60%; tỷ lệ đơn vị được công nhận là đơn vị học tập đạt 50%; 40% quận, huyện, thị xã được công nhận danh hiệu huyện học tập theo các tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành; đăng ký danh hiệu “Thành phố học tập” theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Đến năm 2030, duy trì kết quả đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; người trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ đạt tỷ lệ 99,6%; người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ đạt tỷ lệ 96%; 100% quận, huyện, thị xã duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% quận, huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.

Tỷ lệ người lao động được qua đào tạo đạt 80 - 85%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin đạt 70%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống đạt 70%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 60%, trong đó, 15% dân số có trình độ đại học trở lên. Giai đoạn này, Hà Nội phấn đấu có tỷ lệ trường công lập chuẩn quốc gia đạt 85 - 90%...

Để đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, các cấp, các ngành và toàn xã hội đều phải vào cuộc, tập trung xây dựng xã hội học tập gắn với xây dựng văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Phấn đấu mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, gia đình cán bộ, đảng viên trở thành “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập”, “Gia đình học tập” để làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong nhân dân; mỗi doanh nghiệp là hạt nhân quan trọng trong việc đào tạo, đào tạo lại người lao động; mỗi người dân có ý thức tự học để nâng cao trình độ bản thân, nhất là năng lực tự học trong kỷ nguyên số.

Đào tạo, thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ "cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế". Ðể cụ thể hóa yêu cầu này, Ðiều 17 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung 2 khoản mới: Khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô.

Ðối tượng thu hút bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài có năng lực vượt trội, trình độ chuyên môn cao, tài năng đặc biệt trong một số lĩnh vực và có kinh nghiệm thực tiễn, có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Thành phố để đầu tư cho việc phát triển cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia có đa cấp học; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên của Thủ đô. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao... phục vụ cho định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút đầu tư nước ngoài.

Các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ nhất trí với đề nghị trong Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật của Ủy ban Pháp luật là nên bổ sung quy định về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhân tài sau khi đã vào làm việc trong hệ thống. Đồng thời, cũng đưa ra một số ý kiến liên quan đến chế độ đãi ngộ rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tiễn để người giỏi, người tài phát huy được năng lực, cống hiến xây dựng Thủ đô phát triển.

Ngoài ra, Thành phố Hà Nội cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm nhân tài hoặc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân tài từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có để đáp ứng nhu cầu của địa phương; xây dựng môi trường làm việc dân chủ, thân thiện, có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau... Có như vậy mới thu hút và giữ chân được nhân tài đóng góp cho sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước./.

Cùng chuyên mục
Đảm bảo nền tảng vững chắc từ giáo dục, đào tạo cơ bản đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao