Đảm bảo phòng ngừa gian lận, tổn thất trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm

(BKTO) - Ngày 09/9, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo trực tuyến ''Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)". Tại Hội thảo, vấn đề hoàn thiện các quy định pháp lý về đảm bảo an toàn, phòng ngừa tổn thất, phòng, chống gian lận và bảo vệ đối tượng được bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra.



Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt nêu rõ, Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận, đóng góp các ý kiến để Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra, phối hợp với cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.                
   

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: quochoi.vn

   

Với tinh thần đó, tại Hội thảo, đa số các đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi và bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bảo hiểm ở Việt Nam đã hình thành và phát triển, nền kinh tế Việt Nam đã và đang là nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập. Với quan điểm đây là hoạt động kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro, các đại biểu đề nghị trong Luật sửa đổi cần có những quy định mang tính pháp lý để phòng ngừa gian lận trong tất cả các khâu, các nghiệp vụ, các hành vi trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm…

PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi lần này cần tập trung hoàn thiện và quy định toàn diện hơn để phòng ngừa tổn thất, phòng chống gian lận và bảo vệ đối tượng được bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo ông Đặng Văn Thanh, hoạt động kinh doanh bảo hiểm dễ gặp rủi ro, tổn thất và có những gian lận, sai sót. Đây là thách thức lớn đối với các DN bảo hiểm nói chung, trong đó có DN bảo hiểm Việt Nam. Do đó cần nhận thức đúng và đầy đủ về kinh doanh bảo hiểm và vai trò của nó trong nền kinh tế để có những chế tài cần thiết.

Về các biện pháp đề phòng tổn thất, PGS,TS. Đặng Văn Thanh cho rằng, cần có những biện pháp tốt hơn như biện pháp tài chính, kiểm tra, kiểm soát, biện pháp về nhân lực. Đặc biệt cần nhận diện đầy đủ những tổn thất trong kinh doanh bảo hiểm để hạn chế những tổn thất đối với nền kinh tế, với xã hội. Bên cạnh đó, cần có những quy định pháp lý mang tính đặc thù với những DN kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm; quy định rõ hơn trách nhiệm và quyền của tổ chức nghề nghiệp bảo hiểm quy định trong dự thảo Luật.
                
   

Các đại biểu góp ý vào dự thảo Luật qua hình thức trực tuyến. Ảnh: quochoi.vn

   

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh đề nghị, cần luật hóa những vấn đề bảo hiểm trong thực tiễn để đưa vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đồng thời cần tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu của bảo hiểm thương mại và phải ấn định thời gian hoàn thành vấn đề này. Vì hiện nay công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu bảo hiểm còn phân tán và manh mún, không có đầu mối tập trung. Do đó, cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, của Hiệp hội quản lý như thế nào và đánh giá tác động của vấn đề này.

Nhấn mạnh vấn đề quản trị rủi ro là khâu còn yếu trong ngành bảo hiểm nước ta, để khắc phục được yếu kém này, đại biểu Đỗ Văn Sinh đề nghị cần tổ chức bộ máy Nhà nước, tổ chức bộ máy DN, có quỹ phòng ngừa rủi ro và xem xét kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến vấn đề này, góp phần tạo điều kiện và môi trường để ngành kinh doanh bảo hiểm phát triển bền vững.

Quan tâm đến các quy định về hợp đồng bảo hiểm, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, trung tâm của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng này vừa có những tính chất chung của một hợp đồng dân sự, vừa có một số tính chất riêng biệt gắn liền với đặc trưng kinh tế - kỹ thuật của ngành. Đặc biệt, do hợp đồng bảo hiểm có tính chất là một hợp đồng gia nhập nên DN kinh doanh bảo hiểm là bên đưa các điều khoản mẫu, người mua không được đàm phán, thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung điều khoản tại hợp đồng này. Do vậy, một số chuyên gia đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định liên quan đến kiểm soát nội dung hợp đồng bảo hiểm, với tư cách một hợp đồng gia nhập, nhằm tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, góp phần bảo vệ quyền lợi của cá nhân, đơn vị mua bảo hiểm…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt nhấn mạnh, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhận được rất nhiều sự quan tâm, kỳ vọng của xã hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và cộng đồng DN. Với tinh thần cầu thị, Ủy ban Kinh tế và Viện Nghiên cứu lập pháp mong muốn các chuyên gia sẽ có nhiều đóng góp để cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra có thể hoàn thiện dự án Luật tốt nhất, có tính khả thi cao, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Đảm bảo phòng ngừa gian lận, tổn thất trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm