Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về dự thảo kế hoạch chi tiết, các đề cương báo cáo; phương thức hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn Giám sát. Bên cạnh đó, các thành viên Đoàn Giám sát cũng đóng góp ý kiến về nội dung và phạm vi, đối tượng giám sát; phương thức hoạt động của Đoàn Giám sát.
Theo Nghị quyết của UBTVQH, phạm vi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021 trên phạm vi cả nước (thời kỳ trước và sau có liên quan). Đối tượng giám sát gồm: Chính phủ và các Bộ, ngành; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Về nội dung giám sát, Đoàn Giám sát sẽ đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
“Cần phải kết hợp giữa giám sát có trọng điểm và giám sát toàn bộ vấn đề. Việc giám sát phải giải quyết tốt cả ba khâu gồm: Việc ban hành chính sách pháp luật, tổ chức thực hiện và việc thực hiện kiến nghị của các cuộc giám sát trước đây” - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đồng thời cũng lưu ý trước, trong và sau quá trình giám sát cần giải quyết được 4 hạn chế: Hạn chế trùng lặp, hạn chế sự mâu thuẫn, vênh nhau, hạn chế sự chung chung, hạn chế số liệu không có giá trị cho nhận định, đánh giá và kiến nghị.
Trưởng Đoàn giám sát giao Tổ giúp việc tiếp thu các ý kiến góp ý để tổng hợp, báo cáo với UBTVQH tại phiên họp tháng 9 tới đây./.