BHXH Việt Nam vừa tổ chức cuộc họp với đại diện một số Bộ, ngành thảo luận phương án giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH bắt buộc, BHYT của chủ hộ kinh doanh cá thể.
Tại cuộc họp, BHXH Việt Nam đã báo cáo thực trạng, đề xuất phương án giải quyết vướng mắc trong thực hiện BHXH bắt buộc, BHYT của chủ hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, làm rõ thực trạng thực hiện công tác thu trên cơ sở các quy định pháp luật qua từng giai đoạn; thống kê về số người đóng và hưởng các chế độ BHXH, BHYT…
Trên cơ sở tình hình thực tế, BHXH Việt Nam đã đề xuất các phương án giải quyết vướng mắc trong thực hiện BHXH bắt buộc, BHYT của chủ hộ kinh doanh cá thể; đánh giá rõ tác động (ưu điểm, nhược điểm) với từng phương án.
Theo BHXH Việt Nam, nếu chủ hộ kinh doanh cá thể được ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc, BHYT sẽ giúp nhóm đối tượng này ổn định cuộc sống, khắc phục khó khăn khi được đảm bảo thay thế/bù đắp một phần thu nhập và được chăm sóc sức khỏe khi chẳng may bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp.
Qua kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 của BHXH Việt Nam, Kiểm toán nhà nước phát hiện cơ quan BHXH thu bảo hiểm đối với 220 trường hợp là chủ hộ kinh doanh với số tiền 4.400 triệu đồng; đồng thời chi chế độ BHXH đối với 28 trường hợp là chủ hộ kinh doanh không đúng đối tượng đóng, đối tượng thụ hưởng theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm. Qua đó, KTNN kiến nghị BHXH Việt Nam báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có hướng giải quyết đối với các trường hợp này.
Đây cũng là cơ sở để mở ra cơ hội gia tăng số người được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.
Tại cuộc họp, các ý kiến đã tập trung thảo luận, làm rõ thêm các quy định pháp lý liên quan đến vấn đề tham gia BHXH, BHYT của chủ hộ kinh doanh cá thể; đánh giá tình hình thực tế, phân tích dự báo chi tiết hơn về tác động đối với các phương án giải quyết được đề xuất.
Trên cơ sở đó, các bên thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan để cùng trình Chính phủ chỉ đạo xây dựng phương án tối ưu, hợp tình, hợp lý, có tính khả thi để đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT của nhóm đối tượng này.
Trước đó, tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan trong năm 2023 rà soát, thống kê đầy đủ, giải quyết dứt điểm vướng mắc đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia BHXH bắt buộc, các trường hợp thu, chi BHXH không đúng quy định, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH; chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, đề xuất giải pháp xử lý, giải quyết các trường hợp phát sinh khác chưa được pháp luật về BHXH quy định./.