Nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn

(BKTO) - Với sự quan tâm chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, sự nỗ lực vươn lên của người dân, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Xây dựng nông thôn mới (NTM) của các địa phương vùng ĐBKK vẫn còn nhiều thách thức so với các vùng khác của cả nước.

thinh6.jpg
Việc thực hiện CTMTQG Xây dựng nông thôn mới vùng ĐBKK còn nhiều thách thức. Ảnh: NGUYỄN THỊNH

Nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ các địa phương vùng đặc biệt khó khăn

Nhằm hỗ trợ các địa phương vùng ĐBKK trong xây dựng NTM, trong giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách tập trung ưu tiên hỗ trợ các địa phương vùng ĐBKK xây dựng NTM, tập trung vào 04 nhóm chính sách.

Một là, ưu tiên hệ số phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các xã ĐBKK và xã dưới 05 tiêu chí cao hơn 4-5 lần so với các xã không thuộc đối tượng ưu tiên (bình quân khoảng 17 tỷ đồng/xã).

Hai là, đơn giản hoá cơ chế, thủ tục trong quản lý đầu tư xây dựng. Thông qua cơ chế đầu tư đặc thù đối với các công trình, dự án thuộc các CTMTQG đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực hơn vào xây dựng NTM trên địa bàn (từ khi lập kế hoạch đến triển khai thực hiện, giám sát, quản lý và vận hành các công trình...).

Ba là, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 03 Đề án xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng giai đoạn 2016- 2020 (đối với 03 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An) và 01 Đề án xây dựng NTM các xã CT229, các xã còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và các xã khó khăn của tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2020.

Bốn là, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ các thôn, bản thuộc các xã ĐBKK khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững. Trong đó, bổ sung khoảng 1.400 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển từ tổng vốn dự phòng trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Chương trình để hỗ trợ bổ sung cho 3.513 thôn, bản, ấp thuộc 36 tỉnh triển khai thực hiện Đề án; nhằm thống nhất cơ chế, chính sách và tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương khó khăn xây dựng NTM; khắc phục tình trạng xây dựng NTM chưa đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các địa phương và giữa vùng, miền.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã linh hoạt, chủ động ban hành các bộ tiêu chí khác nhau ở cấp thôn; xây dựng chính sách hỗ trợ các thôn đạt chuẩn NTM. Một số địa phương đã vận dụng sáng tạo và ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ triển khai xây dựng NTM, như: Cơ chế hỗ trợ Quỹ phát triển cộng đồng của tỉnh Hà Giang; cơ chế hỗ trợ xây dựng thôn bản ĐBKK đạt chuẩn NTM (Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hoá, Nghệ An,…); cơ chế hỗ trợ xi măng để phát triển hạ tầng nông thôn (Tuyên Quang, Bắc Giang, Bình Phước, Đắk Nông…).

 Giai đoạn 2016-2020, có 08/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Có 15/108 xã (13,9%) thuộc 04 Đề án xây dựng NTM đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn NTM; 130/1.111 xã thuộc 85 huyện nghèo (Chương trình 30a) được công nhận đạt chuẩn NTM; 337/3.513 thôn, bản ĐBKK thuộc Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 9,6%).

Trên cơ sở các chính sách này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM vùng ĐBKK đã đạt một số kết quả nổi bật; cơ bản đã đạt mục tiêu: “Góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 05 tiêu chí và trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân”.

Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn vùng ĐBKK, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được chú trọng, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân; phát triển kinh tế nông thôn, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân…

Lồng ghép chính sách, phân bổ nguồn lực hiệu quả, tránh chồng chéo

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ rõ, xây dựng NTM tại vùng ĐBKK vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: kết quả đạt chuẩn NTM của các địa phương này chênh lệch khá lớn so với vùng miền khác của cả nước; tiến độ và kết quả thực hiện các tiêu chí NTM vùng ĐBKK đạt thấp so với bình quân chung cả nước…

anh-thinh-2.jpg
Cần tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho các xã ĐBKK hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Ảnh: NGUYỄN THỊNH

Theo bà Đoàn Thị Thanh Mai, để nâng cao hiệu quả thực hiện NTM tại các địa phương vùng ĐBKK, ngoài các giải pháp thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các địa phương vùng ĐBKK cần chú trọng rà soát và điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM của các huyện, xã vùng khó khăn, nhất là các xã sau sáp nhập, chia tách theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xác định những thôn, bản khó khăn để xây dựng Đề án, kế hoạch thực hiện cụ thể trong giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về xây dựng NTM ở địa bàn ĐBKK, phát huy các nguồn lực tại chỗ, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu trong xây dựng NTM.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề xuất nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, lồng ghép cơ chế hỗ trợ của 03 CTMTQG và các chương trình, dự án khác để tập trung cho các địa phương vùng ĐBKK; phát huy vai trò chủ động của các địa phương trong điều phối phân bổ nguồn lực thực hiện đảm bảo hiệu quả, không chồng chéo. Đồng thời, nghiên cứu, đổi mới và mở rộng chính sách cho vay tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng tăng định mức cho vay, mở rộng đối tượng được vay về nước sạch và vệ sinh môi trường, thực hiện các nội dung về phát triển sản xuất, đặc biệt là phát triển Chương trình OCOP.

Đồng tình quan điểm trên, đại diện Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các địa phương cần tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ cho các xã khu vực III hoàn thành các tiêu chí NTM trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2025 không còn xã dưới 15 tiêu chí và khuyến khích đạt chuẩn NTM.

Song song đó, cần có giải pháp huy động tối đa nguồn lực của địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách (bao gồm nguồn vốn ODA, các khoản viện trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước...); khuyến khích các địa phương có điều kiện kinh tế phát triển, các ngành, các doanh nghiệp có điều kiện đỡ đầu, hỗ trợ cho các địa phương khó khăn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM; tiếp tục vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng NTM.../.

Qua kiểm toán CTMTQG Xây dựng NTM, KTNN đã chỉ ra công tác xây dựng phương án phân bổ vốn, giao vốn giai đoạn 2021-2025, hàng năm của Chương trình còn một số tồn tại trong việc xác định nguồn dữ liệu về số xã đạt chuẩn NTM, số xã khu vực III (xã ĐBKK) đã làm ảnh hưởng tới số vốn ngân sách Trung ương giao cho một số địa phương; một số địa phương đã được bố trí hỗ trợ vốn cao hơn so với phương án rà soát lại 358,39 tỷ đồng, trong khi một số địa phương được bố trí vốn hỗ trợ thấp hơn 150,46 tỷ đồng…

Tồn tại này đã làm ảnh hưởng đến việc theo dõi, tổng hợp số liệu dự toán giao cho các cấp ngân sách và công tác quyết toán phần dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) giao cho các chủ Chương trình. KTNN kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát phương án phân bổ vốn của Chương trình đối với các địa phương còn sai sót về nguồn dữ liệu về số xã đạt chuẩn NTM và số xã khu vực III trong phương án. Trên cơ sở đó phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.

Cùng chuyên mục
Nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn