Nông nghiệp thiệt hại nặng nề sau bão lũ
Hàng trăm hécta đào, quất tại “thủ phủ” làng cây hoa cảnh quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) dự kiến mang lại nguồn thu trăm tỷ đồng trở nên xơ xác khi bão số 3 và hoàn lưu bão đi qua. Phần lớn diện tích cây, hoa cảnh phục vụ cho thị trường Tết nguyên đán không thể phục hồi, với thiệt hại ước tính gần 90 tỷ đồng. Nhằm giúp người dân giảm bớt thiệt hại và sớm khôi phục sản xuất, quận Tây Hồ đã bố trí khoảng 85 tỷ đồng cho vay ưu đãi, ủy thác qua Ngân hàng chính sách; đồng thời hỗ trợ người dân tìm hướng sản xuất mới. Theo lãnh đạo UBND quận, do thiệt hại đối với người dân quá lớn, quận đã đề nghị Thành phố có thêm chính sách hỗ trợ đối với những hộ trồng đào, quất truyền thống, cây trồng cho giá trị kinh tế cao.
Là địa phương thiệt hại nặng nề nhất bởi bão số 3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Quảng Ninh cho biết, bão đã tàn phá 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy sản, hơn 7.600 hécta lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng…, với thiệt hại ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng. Trước tình hình đó, tỉnh đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp để hỗ trợ người dân vực dậy sản xuất sau bão. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 21, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh năm 2024. Sở NNPTNT đang phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tham mưu UBND tỉnh xác định khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, HTX bị thiệt hại do bão số 3 gây ra để đề nghị khoanh nợ theo quy định.
Theo Bộ NNPTNT, nông nghiệp là ngành thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão số 3. Hậu quả của bão và hoàn lưu sau bão đã khiến 200.721 hécta lúa bị ngập úng; 50.642 hécta hoa màu bị ngập úng; 61.072 hécta cây ăn quả bị hư hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu con gia súc, gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra ước tính lên tới 50.000 tỷ đồng. Trong đó, theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), các HTX nông nghiệp, các hộ nông dân, ngư dân phải hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo thống kê, trên địa bàn các tỉnh phía Bắc có khoảng 15.000 HTX đang hoạt động. Những thiệt hại vừa qua sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng của nhiều HTX trong thời gian dài. Đặc biệt, đây là vụ mùa chuẩn bị nguồn cung cho thị trường xuất khẩu, cũng như nguồn cung lương thực, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. Do đó, yêu cầu cấp thiết lúc này là cần phải sớm có chính sách tổng thể, cũng như chính sách đặc thù của từng địa phương để kịp thời hỗ trợ HTX, người dân ổn định tình hình và sớm khôi phục sản xuất…
Cần thông thoáng, minh bạch trong triển khai chính sách
Ngay sau khi xảy ra bão lũ, nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc để có chính sách hỗ trợ, giúp người dân giảm bớt thiệt hại trong sản xuất. Tuy nhiên, do tác động của thiên tai quá lớn, trong khi nguồn lực của địa phương có hạn dẫn đến tại một số địa phương, các nguồn lực hỗ trợ đến với người dân vẫn như “muối bỏ bể”.
Trước thực trạng này, nhiều Bộ, ngành đã khẩn trương xây dựng các chính sách để hỗ trợ người dân, HTX khôi phục sản xuất. Hiện, Bộ NNPTNT đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sau thiên tai. Trong đó, cá nhân, HTX có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai gây ra là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ. Bộ Tài chính triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão lũ. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng đang khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi vay; cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định pháp luật…
Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát các cơ chế, chính sách để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho các cơ sở sản xuất, HTX, doanh nghiệp để khôi phục, thúc đẩy phát triển sản xuất. Tập trung khôi phục ngay năng lực sản xuất nông nghiệp; nhân cơ hội này cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi ở các vùng, các địa phương theo hướng thuận thiên, hiệu quả, bền vững hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Theo các chuyên gia, các chính sách hỗ trợ khá đa dạng cho thấy sự quan tâm kịp thời của Nhà nước trong việc hỗ trợ người dân, HTX khắc phục hậu quả, ảnh hưởng từ bão lũ. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với mô hình kinh tế tập thể trong nền kinh tế. Yêu cầu quan trọng lúc này, đó là cần phải đảm bảo các thủ tục, hồ sơ triển khai được đơn giản, rút gọn để phù hợp với yêu cầu cấp bách của chính sách. “Các chính sách phải kịp thời đến với người dân, song vẫn cần phải đảm bảo hiệu quả của từng đồng vốn quý giá. Đây là công việc khó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc khẩn trương của từng cấp, từng bộ phận” - chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Liên minh HTX Việt Nam cho biết, do phần lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX là đối tượng phải hứng chịu tổn thất rất nặng nề do bão lũ vừa qua; tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù, các HTX thường khó tiếp cận chính sách về vốn (không có tài sản đảm bảo). Do đó, các chính sách hỗ trợ về vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất… cần phải minh bạch, quy định rõ về đối tượng này để tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như một số chính sách trước đây. “Cùng với các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX sẽ tiếp tục rà soát, cân đối nguồn lực để có sự hỗ trợ phù hợp cho các HTX, hội viên sớm vượt qua khó khăn để trở lại sản xuất” - đại diện Liên minh HTX Việt Nam cho biết./.