Tăng cường kiểm toán việc xử lý chất thải nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường

(BKTO) - Các cuộc kiểm toán môi trường (KTMT) do Kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện thời gian qua đã mang lại hiệu quả, giá trị hữu ích cho các bên; giúp các cấp điều chỉnh công tác quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Trong đó, kết quả kiểm toán việc quản lý chất thải là một trong những dấu ấn nổi bật trong KTMT của KTNN.

14.jpg
Tăng cường kiểm toán việc xử lý chất thải, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh tư liệu

Tồn tại trong việc quản lý, xử lý rác thải

Qua kiểm toán, bên cạnh những kết quả tích cực, KTNN cũng chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý chất thải. Cụ thể, qua kết quả kiểm toán năm 2023 cho thấy, tại một số địa phương có tình trạng thu gom, vận chuyển xử lý rác y tế lây nhiễm không đúng mô hình được phê duyệt; chưa xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xử lý rác thải nguy hại nhưng chưa được cấp phép… Những tồn tại trong việc quản lý, xử lý rác thải cũng từng được KTNN chỉ ra qua kết quả kiểm toán năm 2022. Theo đó, tại nhiều địa phương được kiểm toán chưa thực hiện phân loại chất thải nguy hại từ chất thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định; thực hiện chôn lấp rác không đúng địa điểm quy hoạch...

KTNN cũng chỉ ra những bất cập liên quan đến công tác đấu thầu lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải như: Chưa thực hiện đúng các yêu cầu về đấu thầu, chỉ định thầu; phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu chưa phù hợp; một số địa phương có trường hợp tiếp nhận dự án đầu tư khi chưa đủ điều kiện về môi trường; một số doanh nghiệp, cơ sở y tế chưa thực hiện đánh giá tác động môi trường, chưa có đầy đủ hồ sơ môi trường, giấy phép môi trường...

Từ thực tiễn kiểm toán của đơn vị, KTNN khu vực VI cho biết, đơn vị đã thực hiện KTMT, trong đó chú trọng đến vấn đề chất thải. Qua kiểm toán cho thấy, địa phương đã quan tâm tới công tác xây dựng các dự án và xử lý chất thải rắn, nhưng đến nay, hoạt động này vẫn không đảm bảo về công suất, hiệu quả. Trong khi đó, rác thải sinh hoạt vẫn chủ yếu được thu gom từ các hộ gia đình theo cách thủ công, dùng xe đẩy tay tới điểm trung chuyển dẫn đến tình trạng không thể phân loại rác tại nguồn, chất thải nguy hại trộn lẫn với chất thải thông thường.

Chú trọng nâng cao chất lượng kiểm toán

Trong bối cảnh việc thu gom, xử lý rác thải vẫn là vấn đề nan giải, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác này cần tiếp tục được quan tâm, trong đó có vai trò kiểm toán của KTNN. Tuy nhiên, do thiếu các hướng dẫn, cũng như ý thức chấp hành của các chủ thể trong việc thực hiện quy định về quản lý, xử lý rác thải khiến hoạt động kiểm toán chưa đạt hiệu quả cao nhất.

Từ thực tiễn kiểm toán, Kiểm toán viên Tô Tuấn Anh (KTNN chuyên ngành III) cho biết, KTMT là một lĩnh vực mới, không nhiều kiểm toán viên có đủ kiến thức, kinh nghiệm để triển khai kiểm toán theo yêu cầu (cả về số lượng lẫn chất lượng); việc thiếu hướng dẫn kiểm toán cụ thể cũng là một trong những khó khăn mà các kiểm toán viên gặp phải khi thực hiện kiểm toán. Mặt khác, KTMT nói chung, kiểm toán đánh giá công tác thu gom, xử lý rác thải nói riêng vẫn chủ yếu được thực hiện lồng ghép trong các cuộc kiểm toán dự án đầu tư, kiểm toán tại khu công nghiệp, dẫn đến nội dung kiểm toán này chưa được chú trọng đúng mức, do không đảm bảo thời gian thực hiện. Do đó, theo đại diện Phòng KTMT (KTNN chuyên ngành III), để thu thập được thông tin, bằng chứng kiểm toán, kiểm toán viên phải quan sát trực tiếp khu lưu giữ chất thải và đối chiếu với các tiêu chuẩn kỹ thuật của kho lưu giữ chất thải; kiểm tra năng lực của đơn vị thu gom, vận chuyển... Còn đại diện KTNN khu vực V cho biết, để củng cố cơ sở, đảm bảo cho các đánh giá kiểm toán được thuyết phục, kiểm toán viên phải rà soát lộ trình di chuyển (GPS) của các phương tiện vận chuyển chất thải và so sánh với hợp đồng ký kết để đánh giá sự phù hợp của quãng đường; xem xét dữ liệu về lộ trình có được lưu giữ đầy đủ (5 năm) hay không?...

Được coi là thước đo đánh giá hiệu quả của hoạt động kiểm toán, song việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán liên quan đến nội dung môi trường đang gặp những khó khăn nhất định. Đơn cử, đối với kiến nghị kiểm toán về phân loại rác, đến nay vẫn khó thực hiện. Bởi, theo các chuyên gia, để có thể xử lý rác thải được triệt để và hiệu quả, khâu quan trọng nhất là phân loại rác đầu nguồn. Tuy nhiên, nhận thức, ý thức của người dân trong phân loại rác chưa cao, cũng như địa phương chưa quyết liệt, có giải pháp hiệu quả. “KTNN chỉ có thể kiến nghị tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp trong vấn đề này, nhưng vì nhiều lý do nên kết quả chuyển biến còn thấp...” - đại diện KTNN chuyên ngành III cho biết./.

Cùng chuyên mục
  • Gỡ “thẻ vàng” hải sản, chờ đến bao giờ?
    2 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Gỡ bỏ “thẻ vàng” đang là mệnh lệnh hành động được các ngành chức năng quyết liệt thực hiện để mở rộng cánh cửa xuất khẩu hải sản Việt Nam, đồng thời giúp tổ chức lại ngành kinh tế thủy sản, đảm bảo sự phát triển bền vững của nguồn tài nguyên. Sau nhiều lần lỗi hẹn, cơ hội này có được hiện thực hóa trong đợt kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 10 tới đây?
  • Đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp
    2 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Khẳng định ngành nông nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, song Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, cần có những giải pháp đột phá hơn nữa để nâng cao giá trị nông sản trong bối cảnh tình hình thị trường được dự báo còn nhiều biến động phức tạp như hiện nay.
  • Thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ
    3 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong thực thi các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, trong đó có SDG 5 - Đạt được bình đẳng về giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em với sự ghi nhận tích cực từ các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế.
  • Phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của nền kinh tế
    3 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Không chỉ giúp bảo tồn, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) còn góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh, giúp mang lại giá trị kinh tế cho đất nước thông qua sáng tạo văn hóa.
  • Giá đất và chênh lệch địa tô
    3 tháng trước Góc nhìn
    (BKTO) - Việc định giá đất là một phần quan trọng trong quản lý và sử dụng đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Luật Đất đai mới đã đưa ra ba phương pháp chính để tính giá đất, gồm: Phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp chi phí và phương pháp thu nhập. Mỗi phương pháp có những ưu, nhược điểm riêng và phù hợp với các tình huống cụ thể.
Tăng cường kiểm toán việc xử lý chất thải nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường