Đảm bảo thực thi nguyên tắc độc lập đầy đủ, thực chất trong hoạt động kiểm toán

NGUYỄN LỘC (thực hiện) | 07/08/2024 10:40

(BKTO) - Kinh nghiệm quốc tế cho thấy: Dù thế giới có nhiều cách gọi và sự khác biệt trong tổ chức Kiểm toán nhà nước (KTNN), song đều có điểm chung là địa vị pháp lý được ghi nhận ở cấp cao và đảm bảo tính độc lập trong hoạt động. Tại Việt Nam, việc đảm bảo nguyên tắc hoạt động độc lập một cách đầy đủ, thực chất là vấn đề tiếp tục được đặt ra, gắn với vấn đề sửa đổi, hoàn thiện khung khổ pháp lý và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

z5579079232749_cb37486434fe2c79adffe1112813a6bf.jpg
Việc đảm bảo nguyên tắc hoạt động độc lập một cách đầy đủ, thực chất đóng vai trò quan trọng trong kết quả kiểm toán. Ảnh: N.Lộc

Chuyên gia, TS. Nguyễn Minh Phong đã trao đổi với Báo Kiểm toán về vấn đề này. 

Thưa ông, ông đánh giá ra sao về nguyên tắc hoạt động độc lập của cơ quan KTNN?

Về nguyên tắc, tính độc lập của cơ quan KTNN là tiền đề cơ bản, trực tiếp tác động đến chất lượng kiểm toán. Cơ quan KTNN thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công và các vấn đề thuộc lĩnh vực công, liên quan trực tiếp đến các cơ quan lập pháp, hành pháp... Do đó, chỉ có sự độc lập, không chịu sự tác động của bất kỳ sức ép nào, nhất là về tổ chức và chính trị, cũng như không chịu ràng buộc và chi phối bởi các lợi ích trực tiếp hay gián tiếp của cơ quan kiểm toán và đối tượng kiểm toán... thì mới đảm bảo mọi ý kiến đánh giá, nhận xét và kết luận của kiểm toán viên mới được đưa ra một cách đúng đắn, trên cơ sở bằng chứng kiểm toán có được.

ts-nguyen-minh-phong-chuyen-gia-kinh-te-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-can-nhac-toi-tac-dong-hai-mat-cua-chinh-sach-20220811102338.jpg

Chỉ khi đó, các Báo cáo kiểm toán mới thực sự khách quan, chính xác, kịp thời, có hiệu lực và hiệu quả, đảm bảo hướng tới mục tiêu cao nhất là góp phần quản lý tài chính công, tài sản công chặt chẽ và hiệu quả, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phù hợp với các xu thế phát triển thể chế quản lý nhà nước tiên tiến, hiện đại.

Hơn nữa, đảm bảo tính độc lập của KTNN cùng với việc xác định rõ nghĩa vụ và thẩm quyền của KTNN còn là thước đo và điều kiện cần thiết theo thông lệ thế giới để tạo sự bình đẳng, liêm chính và tin cậy về thể chế và kết quả trong hoạt động của KTNN với các cơ quan kiểm toán quốc gia và quốc tế khác trong quá trình hội nhập về thể chế kiểm toán. 

Để đảm bảo thực thi đầy đủ nguyên tắc hoạt động độc lập đòi hỏi cơ quan KTNN phải có vị trí, địa vị pháp lý ra sao, thưa ông?

Theo các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI), thông lệ quốc tế cho thấy, KTNN là có vị thế cao nhất trong các cơ quan quyền lực của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vị trí pháp lý của KTNN luôn gắn liền với các ràng buộc của luật pháp, thể chế chính trị của từng quốc gia. Song, dù ở môi trường nào, KTNN cũng phải hoạt động độc lập. Vị trí pháp lý phải thể hiện được quyền năng, có tính pháp chế khi ban hành Luật KTNN và hệ thống văn bản dưới luật.

Đại hội Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) lần thứ IX đã chỉ ra việc các SAI cần thiết lập bộ máy tổ chức hoạt động, trong đó "tính độc lập của nó phải được đảm bảo trong Hiến pháp và các đạo luật khác”. Với nguyên tắc bất biến này thì trong quản lý tài chính công, KTNN phải xác định được vị trí quan trọng, có thể ở một vị thế cao nhất, độc lập với các cơ quan quyền lực của Nhà nước, hoạt động chỉ tuân theo pháp luật.

Với chức năng là cơ quan kiểm tra tài chính độc lập của Nhà nước, là “Người gác cổng" tin cậy trong quản lý Nhà nước về tài chính và tài sản công, KTNN đồng thời phục vụ cho cả cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong các hoạt động quản lý kinh tế, tài chính và bảo vệ pháp luật.

dsc_6060.jpg
Nguyên tắc hoạt động độc lập của KTNN đã được hiến định và được cụ thể hóa trong văn bản pháp luật và trong thực tiễn. Ảnh: N.Lộc

Ở Việt Nam, tổ chức bộ máy KTNN do Tổng Kiểm toán nhà nước đứng đầu, được Quốc hội bầu, bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm. Ngay từ Luật KTNN đầu tiên được ban hành năm 2005, KTNN đã được quy định là cơ quan hoạt động độc lập, chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật (Điều 7); kết quả kiểm toán được báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền, đối tượng kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán.

Đến Hiến pháp năm 2013, tính độc lập, tuân theo pháp luật của KTNN đã được hiến định và thể hiện trong Điều 118: “Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, từ đó giúp nâng tầm địa vị pháp lý của KTNN, cũng như tiếp tục đề cao nguyên tắc hoạt động độc lập của KTNN trong tình hình mới.

Để góp phần đảm bảo thực thi tốt nguyên tắc hoạt động độc lập, theo ông, KTNN cần làm gì?

Hiện nay, mặc dù đã được Hiến định và thể hiện trong Luật KTNN, song xoay quanh vấn đề pháp lý về KTNN còn tiếp tục cần phải đặt ra để sửa đổi, hoàn thiện để đảm bảo việc thực thi tốt nguyên tắc hoạt động độc lập của KTNN. Cụ thể, tại Điều 13 Luật KTNN năm 2015 có nêu trách nhiệm của Tổng Kiểm toán nhà nước là “Thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tính độc lập và chất lượng kiểm toán trong hoạt động kiểm toán của KTNN”.

dsc_4596.jpg

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề thách thức, khi một mình KTNN không thể thực hiện được nguyên tắc độc lập đã được luật định. Mặt khác, vai trò, vị trí của KTNN trong bộ máy nhà nước cũng cần phải được khẳng định ở cấp độ cao hơn... Vì vậy, trước những thách thức đặt ra hiện nay, để nâng cao vị thế pháp lý, chức trách và quyền hạn của KTNN, cần phát huy cao vai trò thiết chế có thẩm quyền trong kiểm soát độc lập hoạt động quản lý ngân sách, tài chính công ở Việt Nam đang được các SAI quan tâm.

KTNN đã, đang và sẽ còn cần được tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, trực tiếp là sửa đổi Luật KTNN để nâng cao vị thế, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN dựa trên tính tối cao, mục tiêu là phải bảo đảm nguyên tắc hoạt động độc lập đầy đủ, toàn diện, thực chất theo thông lệ thế giới.

Bởi, việc đảm bảo nền tảng pháp lý đầy đủ, đặc biệt là về nguyên tắc hoạt động độc lập chính là “điểm tựa” quan trọng để KTNN tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò, chức năng của mình, đồng thời góp phần khẳng định vai trò là cơ quan kiểm toán tối cao cả về mặt pháp lý lẫn trên thực tế, theo xu thế quốc tế.../.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập (11/7/1994) đến nay, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý gần 740.000 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40%. Bên cạnh đó, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai hoặc không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn.

Hoạt động của KTNN đã góp phần quan trọng làm minh bạch nền tài chính quốc gia; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của quốc gia.

Cùng chuyên mục
Đảm bảo thực thi nguyên tắc độc lập đầy đủ, thực chất trong hoạt động kiểm toán