Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo tính bền vững của hoạt động đầu tư từ ngân sách. Ảnh: V.Hoàng
Cơ cấu đầu tư đã chuyển dịch nhưng hiệu quả đầu tư còn hạn chế
Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được duy trì ở mức độ khá cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt bình quân 5,9%/năm; giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng GDP đạt 6,8%/năm. Năm 2020, do đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lụt nặng nề ở miền Trung nên tốc độ này chỉ đạt 2,91%. Tính chung cả thời kỳ 2011-2020, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,95%/năm, Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới.
Kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN được tăng cường. Cơ cấu thu, chi NSNN chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa và tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Bội chi NSNN so với GDP giảm từ mức bình quân 5,4% giai đoạn 2011-2015 xuống còn 3,5% giai đoạn 2016-2019; riêng năm 2020, tỷ lệ bội chi là 5,1%.
Cùng với hiệu quả đầu tư được cải thiện, cơ cấu đầu tư cũng có những chuyển biến theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội, tăng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng 10,7 triệu tỷ đồng, bằng 33,7% GDP, đạt mục tiêu bình quân 5 năm (32 - 34%). Tỷ trọng đầu tư khu vực nhà nước trong tổng đầu tư xã hội từ năm 2012 có xu hướng giảm xuống, từ 40,3% năm 2016 xuống còn 38% vào năm 2020…
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và tăng trưởng theo chiều rộng. Hiệu quả đầu tư chưa có dấu hiệu được cải thiện, thể hiện qua chỉ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) của nền kinh tế. Chỉ số ICOR giai đoạn 2005-2010 khoảng 5,58, mức bình quân giai đoạn 2011-2019 là 5,79. Năm 2020, đầu tư xã hội của Việt Nam tăng mạnh dẫn đến tỷ lệ ICOR tăng đột biến ở mức 14,28 (mức cao nhất kể từ năm 2000). Chất lượng thể chế quản lý đầu tư công còn thấp so với mức trung bình của các nước ASEAN-4, nhất là về công tác thẩm định, lựa chọn dự án và giám sát thực hiện đầu tư.
Công tác quản lý tài chính, tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị còn kém hiệu quả. Cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN còn chậm, mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng DN, hiệu quả quản trị DN chưa đạt yêu cầu. Số lượng DN tư nhân còn ít, chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu; khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp; mức độ sẵn sàng cho hội nhập và liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài còn hạn chế…
Hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại đầu tư công, tổ chức tín dụng và DNNN
Theo TS. Hoàng Xuân Hòa - Thành ủy Hà Nội, TS. Trịnh Mai Vân và ThS. Nguyễn Văn Đại - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Cử nhân Đèo Thị Thủy - Trường Đại học Tây Bắc (Nhóm tác giả), giai đoạn mới, nền kinh tế phải đối mặt với không ít thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy, tính bền vững của đầu tư từ ngân sách cần được chú ý hơn.
Nhằm đảm bảo tính bền vững của đầu tư từ NSNN trong bối cảnh mới của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Nhóm tác giả cho rằng: Chính phủ cần hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả các thiết chế thi hành pháp luật, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh. Tiếp tục hoàn thiện các thiết chế của thị trường lao động để thúc đẩy dịch chuyển lao động giữa các ngành, khu vực của nền kinh tế.
Từng bước đổi mới quản trị nhà nước cho phù hợp hơn với yêu cầu cơ cấu lại đầu tư từ ngân sách trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nhà nước phải kịp thời điều chỉnh, bổ sung các thể chế, thiết chế, cơ chế, chính sách không còn phù hợp đồng thời đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.
Cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, các tổ chức tín dụng và DNNN; cơ cấu lại, tăng cường giám sát và điều tiết thị trường tài chính. Chuyển căn bản từ kế hoạch đầu tư công hằng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch hằng năm; lồng ghép, huy động các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy DN làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số.
Tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí từ T.Ư đến địa phương.
Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Quy định về thủ tục hành chính cần được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tích cực xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử, đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường họp, làm việc trực tuyến, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; tiếp tục duy trì, mở rộng, cải thiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN...