Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho từng địa phương

(BKTO) - Ngày 03/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) cho từng địa phương.



Theo đó, Chính phủ quyết nghị ban hành nguyên tắc, chỉ tiêu, tiêu chí và phương pháp xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH. UBND các cấp căn cứ các tiêu chí, phương pháp xây dựng chỉ tiêu để xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tại địa phương và trình HĐND cùng cấp đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, đồng thời xây dựng kế hoạch để thực hiện chỉ tiêu đã đề ra, trong đó phân tích, đánh giá tính khả thi và giải pháp thực hiện chỉ tiêu cho giai đoạn 2019-2020.

Hằng năm, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về việc xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch và tình hình thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH giai đoạn 2019-2020 và đề xuất Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho giai đoạn từ năm 2021 trở đi đối với từng địa phương cho phù hợp.

Chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH gồm: số người tham gia BHXH (số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp - BHTN); tỷ lệ tham gia BHXH (tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHTN); tốc độ phát triển số người tham gia BHXH (tốc độ phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHTN năm sau so với năm trước).

Về tiêu chí và phương pháp, Nghị quyết nêu rõ 2 bước. Theo đó, trên cơ sở xác định các tiêu chí, các địa phương xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN tại địa phương năm 2019 và năm 2020; đồng thời xây dựng kế hoạch để thực hiện chỉ tiêu đã đề ra, trong đó phân tích, đánh giá tính khả thi và giải pháp thực hiện chỉ tiêu.

         
Theo Nghị quyết, chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN đề xuất của các địa phương phải đảm bảo: Đối với BHXH bắt buộc và BHTN, tỷ lệ tổng số lao động tham gia chiếm ít nhất 90% số đối tượng thuộc diện tham gia vào cuối năm 2019 và chiếm ít nhất 95% vào cuối năm 2020; đối với BHXH tự nguyện, tốc độ gia tăng đối tượng tham gia của năm sau so với năm trước ít nhất bằng 30 - 50% so với năm trước.
Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành liên quan căn cứ nguyên tắc, chỉ tiêu, kế hoạch đã xây dựng để triển khai thực hiện, đồng thời thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHTN, trong đó trước mắt tăng cường phối hợp trong liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan có liên quan (cơ quan lao động, thuế, kế hoạch - đầu tư, BHXH...) để nắm bắt chính xác số DN, người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN để yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động tham gia đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH của cơ quan BHXH, trước hết tập trung kiểm tra, thanh tra các DN có dấu hiệu trốn đóng, đóng không đủ số lao động thuộc diện tham gia đóng BHXH bắt buộc, BHTN; DN chậm đóng BHXH, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Tập trung đôn đốc, yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động thực hiện nghiêm trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, trong đó lưu ý đối với một số nhóm đối tượng người lao động đang làm việc trong các hộ kinh doanh, tổ hợp tác, các DN nhỏ; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

N. HỒNG

Cùng chuyên mục
  • Bộ Y tế xem xét việc đổi mới phương thức mua thuốc đáp ứng yêu cầu điều trị
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về vấn đề cung ứng thuốc tại các bệnh viện.
  • Việt Nam sẽ đi tiên phong trong nỗ lực chấm dứt bệnh Lao
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Từ một trong những quốc gia chịu gánh nặng lớn về bệnh Lao trên toàn cầu và là một trong số những nước có gánh nặng bệnh Lao cao hàng đầu trong khu vực, với những nỗ lực của các cấp, ngành, Việt Nam đã chuyển từ cam kết văn bản đến hành động thiết thực bằng việc không chỉ làm giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này…
  • Việt Nam không lưu hành vắc xin phòng dại bị cấm của Trung Quốc
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, hiện nay, Việt Nam không lưu hành loại vaccine phòng bệnh dại của Trung Quốc - loại đang gặp bê bối thu hồi giấy phép do vi phạm tiêu chuẩn về sản xuất vaccine.
  • Đổi mới giáo dục: Lấy sự cởi mở, minh bạch làm gốc
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học mới ngày 02/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thi cử là một ví dụ để ngành giáo dục nhìn lại tất cả các mặt trong đổi mới giáo dục. Quá trình đổi mới phải đảm bảo tính cởi mở, minh bạch, mới tạo sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội.
  • Bộ trưởng  Phùng Xuân Nhạ thừa nhận những hạn chế, thiếu sót trong thi cử
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thẳng thắn nhận trách nhiệm về những hạn chế của ngành giáo dục trong năm học qua, điển hình là tiêu cực trong Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia xảy ra tại một số địa phương, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị các địa phương, các chuyên gia và toàn xã hội hiến kế, cùng với ngành giáo dục khắc phục, hoàn thiện để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo hiện nay.
Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho từng địa phương