“Khoảng trống” an sinh đối với lao động di cư
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong những năm qua, số người di cư (bao gồm cả lao động di cư) liên tục tăng cao. Nếu như năm 2000 toàn thế giới có khoảng 173 triệu người di cư, thì đến năm 2017 con số này đã lên tới trên 258 triệu người, trong đó khoảng 164 triệu người là lao động di cư.
Tại Việt Nam, đến nay vẫn chưa có một thống kê chính thức về số lượng lao động di cư (bao gồm cả di cư trong nước lẫn di cư quốc tế), song di cư đã và đang trở thành sự lựa chọn của người lao động (NLĐ) nhằm cải thiện kế sinh nhai và tạo cơ hội làm ăn cho mình và trở thành một cấu thành không thể thiếu của quá trình phát triển đặc trưng cho mối quan hệ qua lại giữa vùng miền và lãnh thổ.
Tuy nhiên, cũng giống như lực lượng lao động di cư ở nhiều quốc gia khác, lực lượng lao động di cư ở Việt Nam phải chịu nhiều thiệt thòi, đặc biệt là không được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội như các đối tượng lao động khác. Việc đảm bảo an sinh xã hội nói chung, thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp nói riêng đối với lao động di cư thường gặp khó khăn do đây là nhóm lao động thường không ổn định về công việc, chủ yếu hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức; ít làm việc theo hợp đồng lao động- điều kiện quan trọng của việc tham gia hệ thống bảo hiểm…
Ngoài ra, việc khó tiếp cận hệ thống an sinh xã hội của đối tượng lao động di cư còn bắt nguồn từ việc: Đây là nhóm lao động khó nắm bắt về số lượng và sự biến động, khó quản lý. Điều đó dẫn đến việc xây dựng, triển khai kế hoạch mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đối với nhóm lao động này trở nên khó khăn; bản thân lao động di cư thường dành sự quan tâm nhiều hơn đến gia đình mà không chú ý đến các quyền lợi của mình...
Mở rộng BHXH cho lao động di cư và thực trạng tại Việt Nam
Mặc dù kéo theo những hệ quả xã hội nhất định, nhưng sự tồn tại của lực lượng lao động di cư rõ ràng là một tất yếu trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam. Theo các chuyên gia về lao động, vấn đề này cần được ghi nhận trong các văn kiện chiến lược quốc gia cũng như các cơ quan quản lý nhà nước cần có thái độ ứng xử phù hợp, công bằng hơn đối với NLĐ di cư.
Còn theo ILO, từ việc xác định lao động di cư là một bộ phận của nền kinh tế và tồn tại cùng lịch sử phát triển của mỗi quốc gia, NLĐ di cư, vì thế cần được đảm bảo các quyền về an sinh xã hội (BHXH, BHYT, trợ giúp xã hội); quyền về tự do việc làm; quyền đảm bảo về sinh kế và thu nhập; quyền về nơi cư trú; quyền tiếp cận thông tin và thụ hưởng các giá trị văn hóa…
Cần đảm bảo quyền tham gia chính sách an sinh xã hội cho lao động di cư |
Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung quy định “NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ”. Ngày 15/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Theo đó, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Từ ngày 01/12/2018, những lao động trên được thực hiện các chế độ: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Riêng việc đóng- hưởng chế độ hưu trí và tử tuất thực hiện từ ngày 01/01/2022.
Đối với lao động di cư trong nước, việc đảm bảo chính sách an sinh xã hội cho NLĐ ngày càng hoàn thiện, đầy đủ hơn. Theo Luật BHXH sửa đổi, từ ngày 01/01/2018, NLĐ là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Những quy định này được đánh giá là sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ, nhất là đối với những lao động di cư không được DN ký hợp đồng lao động có thời hạn dài.
Tuy nhiên, số lượng lao động di cư chưa tham gia đầy đủ vào hệ thống an sinh xã hội, chưa được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội hiện còn lớn và vẫn tiếp tục là thách thức đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Về giải pháp ở cấp vĩ mô để giải quyết thiết hụt này, nhiều chuyên gia lao động cho rằng, các quốc gia cần nhanh chóng ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương về bảo vệ lao động di cư. Đồng thời, loại bỏ các quy định về phân biệt đối xử quốc tịch; tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về lao động di cư; giúp đỡ NLĐ di cư tiếp cận dần với các chính sách an sinh xã hội của quốc gia tiếp nhận lao động.
Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), để giảm bớt khoảng cách trong tiếp cận chính sách an sinh của NLĐ di cư, các cơ quan chức năng cần phối hợp trong xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ, tác động riêng cho từng nhóm đối tượng để chính thức hóa việc làm, tạo cơ hội việc làm bền vững, đồng thời phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để hỗ trợ nhóm đối tượng này tiếp cận với chính sách an sinh xã hội, hướng tới bình đẳng cho NLĐ khu vực này.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các hoạt động kinh tế phi chính thức vươn lên để gia nhập khu vực chính thức, trong đó tập trung vào việc ban hành các chương trình hành động cụ thể khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể phát triển thành DN, tạo điều kiện ổn định cho NLĐ di cư thông qua bảo trợ xã hội và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tiếp tục củng cố, xây dựng chế độ đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, dựa trên việc đảm bảo công khai, minh bạch, có sự tham gia Nhà nước trong việc hỗ trợ lao động phi chính thức tham gia BHXH.
Tuyên truyền và tạo điều kiện để NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, xây dựng đề án hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, trong đó tập trung vào nghiên cứu nhu cầu tham gia, đánh giá khả năng tham gia của NLĐ để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách có liên quan ngày một phù hợp hơn và hấp dẫn người dân trong việc tham gia BHXH tự nguyện./.
Bài và ảnh: HẢI ĐĂNG