Đánh giá rủi ro khi tiếp nhận một cuộc kiểm toán mới

(BKTO) - Thực hiện một cuộc kiểm toán hoàn toàn mới với đơn vị lần đầu hợp tác hay với tư cách là kiểm toán viên (KTV) kế nhiệm chưa bao giờ là đơn giản đối với các KTV. Ngay cả khi đã có nhiều kinh nghiệm, các KTV vẫn phải cân nhắc và trao đổi với đơn vị để xác định sớm những rủi ro và thách thức.

21.jpg
KTV kế nhiệm cần đánh giá tác động và chỉ rõ những nội dung dẫn đến sự thay đổi trong đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu đối với báo cáo tài chính kỳ hiện tại. Ảnh minh họa

Truy cập lịch sử kiểm toán

Theo nghiên cứu của Viện Kế toán Công chứng Hoa Kỳ (AICPA) về kiểm toán lần đầu, các doanh nghiệp đều phải thiết lập và duy trì hệ thống kiểm soát chất lượng với các chính sách, quy trình, mối quan hệ với khách hàng và các cam kết cụ thể. Vì vậy, khi tiếp cận với một doanh nghiệp mới/nhận nhiệm vụ kiểm toán kế nhiệm, KTV sẽ phải trao đổi thông tin với KTV tiền nhiệm. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp không sẵn lòng cho phép KTV liên lạc với người tiền nhiệm, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về tính chính trực và cũng là tín hiệu cho thấy có thể họ đang cố che giấu thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán trước đó.

Các KTV cần trao đổi và đánh giá phản hồi của KTV tiền nhiệm hoặc xem xét các tác động nếu KTV tiền nhiệm không đưa ra thông tin cần thiết trước khi thực hiện cuộc kiểm toán. Ngoài ra, KTV kế nhiệm phải được truy cập một số tài liệu nhất định mà KTV tiền nhiệm để lại và tiếp tục bổ sung thông tin, để đảm bảo báo cáo tài chính hiện tại không có sai sót trọng yếu.

Để thực hiện một cuộc kiểm toán, các KTV sẽ phải thực hiện đánh giá rủi ro và quyết định những thủ tục kiểm toán cần được thực hiện; do đó, việc nhận và xem xét lịch sử kiểm toán các năm trước sẽ giúp KTV đưa ra đánh giá rủi ro chính xác hơn. Tất nhiên, KTV cần thận trọng để tránh phụ thuộc quá nhiều vào tài liệu của KTV tiền nhiệm.

Nếu báo cáo tài chính của kỳ trước đã được KTV tiền nhiệm kiểm toán và phát hành, khi đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính của kỳ hiện tại, KTV kế nhiệm phải nêu rõ nội dung báo cáo tài chính của kỳ trước đã được kiểm toán bởi người tiền nhiệm. KTV kế nhiệm không được tham khảo báo cáo hoặc lấy ý kiến của KTV tiền nhiệm làm cơ sở cho ý kiến kiểm toán của mình.

Tài sản (hữu hình và vô hình), nợ hoặc vốn chủ sở hữu và các giao dịch là những nội dung KTV cần xem xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện kiểm toán lần đầu. Trong trường hợp phát hiện thông tin có sai sót/cần phải sửa đổi trong báo cáo tài chính liên quan đến KTV tiền nhiệm, KTV kế nhiệm nên yêu cầu Ban Giám đốc thông báo cho đội ngũ KTV cũ về tình huống này và sắp xếp để ba bên thảo luận giải quyết vấn đề.

Thu thập bằng chứng kiểm toán và giải trình

Trong trường hợp báo cáo tài chính năm trước chưa được kiểm toán nhưng có thể đã được tổng hợp hoặc soát xét thì KTV kế nhiệm không bắt buộc phải liên hệ với KTV tiền nhiệm. Tuy nhiên, các chuyên gia của AICPA khuyến nghị, các KTV mới nên trao đổi với KTV tiền nhiệm về những vấn đề cần đặc biệt lưu ý, như: Bằng chứng kiểm toán về số dư đầu kỳ; chính sách kế toán phản ánh trên số dư đầu kỳ có được áp dụng nhất quán trong báo cáo tài chính của kỳ hiện tại hay không; những thay đổi trong chính sách kế toán có được hạch toán hợp lý, trình bày và thuyết minh đầy đủ theo khuôn khổ về lập báo cáo tài chính được áp dụng hay không.

Ngoài ra, các KTV cần đánh giá xem các thủ tục kiểm toán được thực hiện trong kỳ hiện tại có cung cấp bằng chứng liên quan đến số dư đầu kỳ; xác định số dư cuối kỳ trước đã được chuyển sang kỳ hiện tại một cách chính xác hay chưa hoặc đã được trình bày lại nếu thích hợp. KTV thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán về việc liệu số dư đầu kỳ có sai sót ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính kỳ hiện tại hay không thông qua việc đọc báo cáo tài chính gần đây nhất, cùng với báo cáo kiểm toán do KTV tiền nhiệm phát hành. Mục tiêu của nhiệm vụ này là giúp KTV thu thập thông tin liên quan đến số dư đầu kỳ, bao gồm cả thuyết minh và tính nhất quán của việc áp dụng các chính sách kế toán giữa các kỳ báo cáo.

Khi KTV thu thập được bằng chứng cho thấy số dư đầu kỳ có sai sót ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính của kỳ hiện tại, họ phải thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung phù hợp với từng trường hợp để xác định mức độ ảnh hưởng đến báo cáo tài chính. Sau đó, KTV phải thông báo về các sai sót đó tới cấp quản lý và ban quản trị để thống nhất cách giải quyết.

Trong trường hợp KTV tiền nhiệm không muốn hoặc không thể phát hành báo cáo kiểm toán, KTV kế nhiệm kiểm toán một số nội dung (những điều chỉnh, phát hiện mới hoặc theo yêu cầu của ban lãnh đạo) trong báo cáo tài chính kỳ trước. Khi trình bày báo cáo kiểm toán, các chuyên gia của AICPA khuyến nghị KTV kế nhiệm cần nêu rõ: “Là một phần của cuộc kiểm toán báo cáo tài chính năm 20X2, chúng tôi cũng đã kiểm toán các nội dung xxx để trình bày lại báo cáo tài chính 20X1 (kỳ trước). Theo chúng tôi, những nội dung xxx là phù hợp và đã được áp dụng đúng đắn/có sai sót/cần sửa đổi... Chúng tôi không tham gia kiểm toán, xem xét hoặc áp dụng bất kỳ thủ tục nào đối với toàn bộ báo cáo tài chính năm 20X1 ngoài các thủ tục liên quan đến nội dung xxx, chúng tôi không đưa ra ý kiến hay bất kỳ hình thức đảm bảo nào khác đối với toàn bộ báo cáo tài chính năm 20X1...”.

Thông thường, khi nhận một cuộc kiểm toán mới, các KTV kế nhiệm không đề cập hay đánh giá chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính do KTV tiền nhiệm thực hiện bởi nhiều lý do khác nhau. Do đó, khi báo cáo tài chính kỳ trước đã được kiểm toán, phát hành báo cáo (có trường hợp sửa đổi ý kiến kiểm toán), KTV kế nhiệm cần đánh giá tác động và chỉ rõ những nội dung dẫn đến sự thay đổi trong đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu đối với báo cáo tài chính kỳ hiện tại./.

Cùng chuyên mục
Đánh giá rủi ro khi tiếp nhận một cuộc kiểm toán mới