Danh nhân tuổi Tuất và những sự kiện lịch sử trong năm Tuất

(BKTO) - Theo quan niệm tín ngưỡng truyền thống, người tuổi Tuất (cầm tinh con chó) thường thông minh, linh hoạt, mạnh mẽ, tài hoa, gặp nhiều may mắn và thành đạt. Trong số các danh nhân góp phần làm rạng rỡ lịch sử dân tộc Việt Nam, có nhiều người sinh năm Tuất. Nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của dân tộc cũng gắn liền với năm Tuất.




Tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ảnh: ST

Tuổi Giáp Tuất

Lý Công Uẩn (974-1028): Vị vua đầu nhà Lý, hiệu Thái Tổ, quê Bắc Ninh. Thuở nhỏ, làm con nuôi đại sư Lý Khánh Văn, dày công tu học và luyện tập. Nghị lực, thông minh, văn võ song toàn, trưởng thành được tiến cử vào cung, thăng đến chức Điện tiền Chỉ huy sứ, phụ trách quân cấm vệ. Nhà Tiền Lê suy yếu, năm 1009, Lê Ngọa Triều mất, con kế tự của vua còn quá nhỏ, quần thần mới hội bàn tôn Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, khi ấy ông 35 tuổi, lấy miếu hiệu là Lý Thái Tổ. Nhận thấy kinh đô Hoa Lư chật hẹp, Lý Thái Tổ bèn quyết định dời đô về thành Đại La. Khi đến La Thành, vua nằm mộng thấy rồng vàng từ dưới đất bay lên, nên đổi tên thành là Thăng Long (tức Hà Nội bây giờ), đồng thời cũng đổi Hoa Lư thành phủ Tràng An. Lý Thái Tổ sửa sang chính trị, trọng đãi tăng sĩ, chú trọng việc xây chùa, đúc chuông, gần như lấy đạo Phật làm quốc giáo, làm rạng danh nước Đại Việt, viết nên những trang sử oanh liệt dựng nước và giữ nước. Ông ở ngôi được 19 năm, hưởng thọ 55 tuổi.

Tuổi Bính Tuất

Trần Quốc Tuấn (1226-1300): Anh hùng dân tộc, danh tướng thời Trần, quê Nam Định. Giỏi ứng biến, giàu mưu lược, võ thuật cao cường, được triều đình trọng dụng, phong làm Tiết chế, thống lĩnh toàn bộ quân đội. Là thiên tài quân sự, ông từng lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh bại các cuộc xâm lược của giặc Nguyên Mông - đế quốc mạnh nhất thế giới bấy giờ, bảo vệ vững chắc độc lập Tổ quốc. Ông cũng để lại nhiều bài học về đức độ, xử thế, dùng người và những tác phẩm chính luận, quân sự nổi tiếng như: “Hịch tướng sĩ”, “Binh thư yếu lược”, “Vạn kiếp tông bí truyền thư”…

Tuổi Mậu Tuất

Nguyễn Công Trứ (1778-1858): Danh sĩ thời Nguyễn, quê Hà Tĩnh. Đỗ Giải nguyên năm 1819, làm quan trong các ngành giáo dục, tư pháp, nông nghiệp, quân sự, ngoại giao ở nhiều nơi. Trải qua nhiều cương vị, bị thăng giáng nhiều lần: có lúc được cử làm Tổng đốc Hải An, có lúc lại bị đày đi lính ở Quảng Ngãi. Lập công lớn trong việc khai hoang lấn biển Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, phản loạn. Tính khí khảng khái, quyết liệt, lại phong tình mà hài hước, cùng cuộc sống đa dạng của ông đã để lại những giai thoại thú vị.

Tuổi Canh Tuất

Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941): Nhà hoạt động cách mạng, chiến sỹ cộng sản kiên trung, quê Nghệ An. Thuở nhỏ vào học trường Cao Xuân Dục, năm 17 tuổi gia nhập đảng Tân Việt có chân trong Ban Chấp hành Đảng bộ. Năm 1930, sang Trung Quốc làm việc tại Văn phòng Đông Phương, Quốc tế Cộng sản. Cùng năm này, bà bị mật thám Pháp bắt tại Hồng Kông, năm 1934 được trả tự do. Cuối năm đó, bà cùng Lê Hồng Phong được cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản tại Moskva. Sau đó, hai người kết hôn tại đây, rồi cùng vào học trường Đại học Đông Phương Stalin. Năm 1936, bà được phân về công tác tại Sài Gòn, tham gia Xứ uỷ Nam Kỳ và phụ trách Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 30/7/1940, bà bị địch bắt. Trong tù, bà vẫn bí mật liên lạc với tổ chức bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng và bị giặc xử bắn ngày 28/8/1941.

Tạ Quang Bửu (1910-1986): Giáo sư toán, nhà hoạt động khoa học, quê Nghệ An. Thuở nhỏ học tại Quảng Nam, Huế, tốt nghiệp giành học bổng du học Pháp, Anh. Uyên bác, nhiệt tình, ra trường về nước giảng dạy, chuyên tâm nghiên cứu Toán lý thuyết và Toán ứng dụng vào Sinh học, Vật lý, Hoá học. Ông cũng hăng hái hoạt động chính trị, xã hội, tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau năm 1954, phụ trách việc đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật với các cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Ông được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý.

Tuổi Nhâm Tuất

Lê Thánh Tông (1442-1497): Tên thật là Lê Tư Thành - vị vua xuất sắc nhất thời Hậu Lê, quê Thanh Hoá. Thông tuệ, phong nhã, tài đức vẹn toàn, được các cận thần đưa lên ngôi năm 18 tuổi. Với những cải cách toàn diện và phát triển vượt bậc về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, giai đoạn ông cầm quyền (1460-1497) được coi là thời kỳ thịnh vượng nhất của chế độ phong kiến Việt Nam. Ông còn là một nhà thơ, nhà văn hoá lớn. Ông lập ra Tao Đàn thi hội gồm 28 vị tiến sĩ giỏi thơ văn nhất nước đương thời, được gọi là “Tao Đàn nhị thập bát tú”. Ông để lại nhiều tác phẩm sáng giá trong kho tàng văn hóa như: “Hồng Đức quốc âm thi tập”, “Lê Thánh Tông thi tập”, “Văn minh cổ xuý”... Vào thời ông trị vì, nhiều công trình biên soạn có tầm cỡ được tiến hành như: Bộ Luật Hồng Đức, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Thiên Nam dư hạ tập”… Ông cũng là người đã giải oan cho cái án chu di tam tộc của vị đại công thần Nguyễn Trãi, lệnh cho tìm con cháu còn sống sót của Nguyễn Trãi để ban bổng lộc chức tước, phục hồi danh dự và hơn 100 bài thơ của Ức Trai - Nguyễn Trãi cũng đã được sưu tầm thời gian này. Ông trị vì đất nước được 37 năm, hưởng thọ 56 tuổi.

Đỗ Nhuận (1922-1991): Nhạc sĩ hiện đại, quê Hải Dương. Thuở nhỏ sống tại Hà Nội, tự học âm nhạc và sớm sáng tác ca khúc. Sôi nổi, tự tin, nhiệt thành yêu nước, ông tham gia hoạt động trong Mặt trận Việt Minh từ trước cách mạng tháng Tám, sau đó, gia nhập quân đội, làm công tác văn nghệ, viết nhiều bài hát phục vụ kháng chiến, khơi dậy ý thức độc lập, kiên cường và niềm tự hào dân tộc. Ông từng giữ chức Tổng Thư ký đầu tiên của Hội nhạc sỹ Việt Nam (khóa I) và khóa II (từ 1958 đến 1983), để lại hơn 100 ca khúc bất hủ, trong đó có những ca khúc nổi tiếng như: “Du kích sông Thao”, “Chiến thắng Điện Biên”, “Việt Nam quê hương tôi”…

Năm Nhâm Tuất 542, Nhà nước Vạn Xuân, triều Tiền Lý ra đời: Lý Bí lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa thắng lợi khôi phục nền độc lập của Giao Châu (542), hai năm sau tuyên bố thành lập nước Vạn Xuân, xưng Nam Việt Đế, thường gọi là Lý Nam Đế, đặt niên hiệu Thiên Đức, đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội nay).

Năm Mậu Tuất 938, chiến thắng trên sông Bạch Đằng: Trận Bạch Đằng năm Mậu Tuất 938 do Ngô Quyền lãnh đạo đánh tan quân Nam Hán nhờ vào kế cắm cọc ở sông Bạch Đằng. Không chỉ đánh dấu cho việc chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, chiến thắng trên sông Bạch Đằng còn có sức ảnh hưởng bậc nhất trong lịch sử quân sự nước nhà và được nhiều nhà quân sự sau này vận dụng.

Năm Canh Tuất 1010, vua Lý Thái Tổ đặt mốc son lịch sử cho Thăng Long: Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn sau khi lên ngôi (năm 1009) đã ban chiếu dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La (Hà Nội) vào năm 1010 và đổi tên là thành Thăng Long. Đất nước ta dưới thời vua Lý Thái Tổ trị vì rất ổn định, nhân dân chí thú làm ăn, cuộc sống ngày càng no ấm.

Năm Canh Tuất 1070, xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Theo chính sử, Văn Miếu lần đầu tiên được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1070 và Quốc Tử Giám được xây dựng vào năm 1076 - đây được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Ngày nay, di tích đã trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đây là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước, đồng thời cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động giáo dục quan trọng của đất nước.

Năm Bính Tuất 1226, kết thúc triều Lý, mở ra triều Trần: Sự kiện bắt nguồn từ vị vua cuối cùng của Triều Lý là Lý Chiêu Hoàng (con gái vua Lý Huệ Tông) nhường ngôi cho Trần Thái Tông - Trần Cảnh, khép lại sự cai trị của triều đại nhà Lý hơn 200 năm. Trần Cảnh lên ngôi vua lấy hiệu là Thái Tông, mở đầu cho triều đại nhà Trần kéo dài 175 năm.

Năm Mậu Tuất 1418, Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427): Cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi dẫn dắt đã đánh tan giặc Minh xâm lược. Lê Lợi lên ngôi hoàng đế năm 1428, lấy hiệu là Lê Thái Tổ, chính thức dựng lên nhà Hậu Lê. Địa danh Lam Sơn nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa là nơi Lê Lợi phất ngọn cờ phát động khởi nghĩa Lam Sơn đến khi thắng lợi.

Năm Bính Tuất 1946, Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: Trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 06/01/1946 cũng được xem là mốc son quan trọng trong lịch sử của đất nước, vì đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Quốc hội khóa I (nhiệm kỳ 1946-1960) đã xem xét và thông qua 2 bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, 16 đạo luật, 50 nghị quyết và ba Chính phủ liên hiệp do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

HỮU NGUYÊN - NGUYÊN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số Xuân Mậu Tuất năm 2018
Cùng chuyên mục
  • Về Phú Thọ nghe điệu hát Xoan
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, đất tổ vua Hùng lại rộn ràng với những làn điệu hát Xoan truyền thống. Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi về xã Kim Đức (TP.Việt Trì) để tìm hiểu về làn điệu hát Xoan đã xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc.
  • Truông Bồn -  Nơi lưu giữ bản hùng ca bất tử
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên “tọa độ chết” năm xưa, Truông Bồn hôm nay - nơi chứa đựng biết bao huyền thoại thiêng liêng cao cả - đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở miền Trung.
  • Đánh thức tiềm năng du lịch đảo Cồn Cỏ
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với những tiềm năng sẵn có, Cồn Cỏ được ví như “viên ngọc thô”, “nàng công chúa” về du lịch mà thiên nhiên ban tặng. Bởi vậy, đánh thức, khơi dậy những tiềm năng du lịch đảo Cồn Cỏ đang là ưu tiên đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội của mảnh đất Quảng Trị anh hùng.
  • Điều kỳ diệu mang tên U23 Việt Nam
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cho dù chỉ giành được tấm Huy chương Bạc giải U23 châu Á nhưng chưa bao giờ bóng đá Việt Nam đem về nhiều niềm hân hoan, tự hào cho người hâm mộ nước nhà đến như vậy. Suốt cả giải đấu, cả nước đã sống trong những phút giây tuyệt vời và niềm tự hào dân tộc mãnh liệt mà các cầu thủ bóng đá trẻ của chúng ta đã mang lại.
  • Triển khai thẻ Bảo hiểm y tế điện tử: Tiện lợi, tiết kiệm
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, năm 2018, cơ quan BHXH sẽ triển khai cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử và tích hợp với BHXH cấp một mã số BHXH duy nhất cho toàn bộ đối tượng tham gia. Việc làm này nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý của ngành; đồng thời tiết kiệm chi phí in, cấp thẻ BHYT.
Danh nhân tuổi Tuất và những sự kiện lịch sử trong năm Tuất