Các nghệ nhân phường Xoan Phù Đức (xã Kim Đức) đang trình diễn tại đình làng. Ảnh: HOÀNG LONG
Huyền thoại hát Xoan
Hát Xoan có từ bao giờ không ai hay biết. Chỉ biết rằng, những câu chuyện mang màu sắc cổ tích và huyền thoại về hát Xoan đã thấm đượm tâm hồn mỗi người con Phú Thọ ngay từ thuở thiếu thời. Truyền thuyết kể rằng, hát Xoan có từ thời vua Hùng. Năm ấy, vợ vua mang thai, đau bụng đã lâu mà mãi chưa sinh hạ. Nghe lời đồn, vua bèn mời nàng Quế Hoa đến hát múa để vợ quên đi đau đớn. Quả là vậy, giọng hát trong vắt, tay uốn chân đưa uyển chuyển, mềm mại của nàng đã xoa dịu đau đớn, giúp vợ vua sinh hạ hoàng tử khôi ngô. Vua vui mừng, bèn truyền cho các Mỵ nương học điệu hát múa này rồi phổ biến trong dân chúng… Từ đó, hát Xoan bắt đầu xuất hiện.
Câu chuyện mang màu sắc huyền thoại ấy của chị Phạm Thị Anh - cán bộ Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ đã giúp chúng tôi hiểu thêm về những làn điệu Xoan. Hát Xoan còn được gọi là hát xuân, tức là các cuộc hát tổ chức vào mùa xuân. Đây là loại dân ca lễ nghi, gắn liền với lễ hội, nhu cầu tâm linh và phong tục thờ Thành hoàng. Tổng cộng hát Xoan cổ có 14 quả cách (làn điệu) bao gồm hát tràng mai (mời vua), đối rãy cách, nhà ngâm cách, tứ đưa cách, tứ dân cách, ngư thiều cách, xoan thời cách, hồi liên cách, hò chèo cách, xuân - hạ - thu - đông cách và cài huê cách. Mỗi quả cách đều có kép (nam) và đào (nữ), cùng với hai nhạc cụ chính là trống và phách.
Cũng theo chị Phạm Thị Anh, mỗi một năm có 3 cuộc hát Xoan được tổ chức với quy mô lớn, đó là ngày mồng 3 tháng Giêng (khởi đầu cuộc lưu diễn xuân); mồng 10 tháng 3 (giỗ Tổ vua Hùng) và mồng 10 tháng 9 (đại tiệc thờ vua Hùng). Vào những ngày đó, các nghệ nhân ở phường Xoan gốc như: Thét, An Thái, Phù Đức, Kim Đới lại náo nức, vui như trẩy hội. Lúc đó, đào, kép tập hợp tại nhà “trùm Xoan” (đứng đầu phường Xoan) hoặc cửa đình để luyện Xoan.
Một nhóm hát Xoan cổ gồm 7 người, trong đó 5 cô đào thường đóng vai trò hát phỏng (hát nhắc lại), hát đối đáp, hay múa,... 1 kép có nhiệm vụ hát dẫn cho đào bắt theo (lĩnh xướng), múa, đệm trống con, trống cái; còn 1 “trùm Xoan” có nhiệm vụ đứng ra đưa đi. Tất cả các thành viên trong nhóm phải phối hợp ăn ý với nhau sao cho lời hát, điệu múa mượt mà, điêu luyện hơn thì lúc đó lời hát của bài Xoan mới toát lên được cái vẻ đẹp cũng như ý nghĩa.
Lưu giữ “hồn” Xoan
Theo lời giới thiệu của chị Phạm Thị Anh, chúng tôi tìm về phường Xoan Phù Đức (xã Kim Đức) - cái nôi của hát Xoan Phú Thọ để tìm hiểu về những điệu hát này. Vừa bước chân tới đình làng, chúng tôi đã nghe những làn điệu Xoan mượt mà cất lên: "Năm trống cơm thiên hạ thái bình/ Năm trống cơm mọi nhà no đủ/ Năm trống cơm mọi vẻ mọi hay/ Được mùa hòa thăng lấy cơm bưng trống”… (trích trong Giáo trống).
Hát Xoan trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa ở Phú Thọ
Ít ai nghĩ rằng, những làn điệu Xoan ấy được cất lên bởi giọng hát của nghệ nhân đã bước qua tuổi 80. Đó là ông Lê Xuân Ngũ, hay còn gọi là “trùm” Ngũ. Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng mỗi khi cất tiếng hát, ông Ngũ vẫn hoạt bát, đôi tay vẫn mượt mà theo từng điệu lượn, đặc biệt, giọng hát vẫn ấm áp lạ thường bởi tình yêu dành cho Xoan và mong muốn những giai điệu đặc biệt của đất thiêng không bị thất truyền.
Tình yêu với hát Xoan đã theo ông đi suốt những tháng năm của cuộc đời. Ông hào hứng kể: “Ngày xưa, ông nội cũng là “trùm” phường Xoan, đến đời ông cụ thân sinh cũng vậy. Bởi thế, hễ phường diễn ở đâu, là ông lại được đi theo làm chân giữ trống, trông quần áo. Cũng vì thế, mà câu Xoan đã “ngấm” dần vào tâm hồn ông lúc nào không biết”.
Ông Ngũ chia sẻ, hiện phường Xoan Phù Đức có rất nhiều bạn trẻ theo học, đặc biệt có những cháu mới 10, 11 tuổi. Hát Xoan khó nhất là các làn điệu. Để dạy các cháu hát thành thạo tất cả các quả cách phải mất ít nhất nửa năm. Cách dạy hát Xoan vẫn theo lối truyền khẩu, kết hợp với uốn nắn từng câu hát, điệu múa. Thầy hát mẫu, trò ca theo. Nhịp điệu của Xoan khi thong thả, khi lại dồn dập, say mê. Người học hát Xoan vì thế dễ dàng thả hồn vào từng câu hát một cách tự nhiên và truyền cảm.
Theo ông Ngũ, các đào, kép khi vào nhịp hát dẫn cần thanh to, âm chắc; khi biểu diễn chỉ cười mỉm để tạo nét duyên thầm với người xem. Người hát Xoan khi trang điểm cũng phải đúng “chất Xoan”, các đào không kẻ mi mắt, lông mày mà chỉ đánh đường mảnh, dài; tô má hồng không được bôi theo kiểu “trôn niêu” gây cảm giác cứng nhắc, giả tạo mà phải thoa gần khắp bờ má để khuôn mặt đầy đặn, giàu sức sống. Các kép đội khăn xếp phải cao để lộ vầng trán giúp cho khuôn mặt sáng sủa, lông mày kẻ đậm hơn đào.
Giữ “hồn” cho hát Xoan hôm nay không chỉ có những nghệ nhân mà còn có cả sự vào cuộc của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình làng Kim Đái (xã Kim Đức) và đình An Thái (xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì) - những di tích cổ nhất gắn với sự ra đời hát Xoan - đã và đang được khôi phục, tu bổ, tôn tạo, đáp ứng yêu cầu về không gian diễn xướng của hát Xoan và trao cho cộng đồng quyền quản lý. Một số không gian trình diễn hát Xoan tại cộng đồng bước đầu đã được phục hồi. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ còn tập trung đẩy mạnh tư liệu hóa, số hóa di sản và xuất bản “Tổng tập hát Xoan Phú Thọ”; hoàn thành xuất bản sách, đĩa phục vụ dạy hát Xoan trong trường học; nâng cao chất lượng, xem xét tiêu chí để công nhận Câu lạc bộ hát Xoan cấp tỉnh. Đây chính là động lực tiếp lửa cho phong trào hát Xoan phát triển. Tính đến tháng 11/2017, toàn tỉnh hiện có 4 phường Xoan với 334 thành viên tham gia; 34 câu lạc bộ hát Xoan với 1.557 thành viên; 20 nghệ nhân ưu tú do Nhà nước công nhận và 52 nghệ nhân do tỉnh Phú Thọ công nhận.
Vào những ngày này, cả tỉnh Phú Thọ vẫn ngập tràn niềm vui. Với nỗ lực trong việc khôi phục, bảo tồn và gìn giữ di sản của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân, ngày 08/12/2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản hát Xoan của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trải qua ngàn đời dưới những biến thiên của lịch sử, với sức sống tiềm tàng mãnh liệt và những giá trị văn hóa đặc sắc, hát Xoan đã trở thành một phần không thể thiếu trong hầu hết các hoạt động văn hóa ở Phú Thọ. Những làn điệu Xoan thấm đẫm vào tâm hồn từng người dân nơi đây và là tiếng gọi thôi thúc mỗi người con xa quê tìm về với đất Tổ mỗi dịp xuân về, hội đến: “Xuân trải chiếu sân đình/Mời phường Xoan vào hội/Áo muôn màu tung tưởi/Khoe sắc Xuân nồng nàn…”
LÊ HÒA - HOÀNG LONG
Theo Báo Kiểm toán số Xuân Mậu Tuất năm 2018