Truông Bồn - Nơi lưu giữ bản hùng ca bất tử

(BKTO) - Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đã hồi sinh ngay trên “tọa độ chết” năm xưa, Truông Bồn hôm nay - nơi chứa đựng biết bao huyền thoại thiêng liêng cao cả - đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở miền Trung.




Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Truông Bồn” nhân kỷ niệm 49 năm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 - 31/10/2017). Ảnh: VĂN THANH

Nỗi đauthành huyền thoại

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nói đến những cống hiến, hy sinh thầm lặng của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), không ít người biết đến 10 cô gái - 10 “đóa hoa bất tử” - ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Thế nhưng, cũng chính ở dải đất miền Trung - nơi “gánh” hai đầu đất nước ấy - còn có một địa danh đã đi vào lịch sử, trở thành huyền thoại bất tử về lòng yêu nước và sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đó là Khu di tích lịch sử Truông Bồn.

“Truông” trong tiếng Nghệ là danh từ để chỉ một đoạn đèo, dốc chạy giữa hai vách núi hiểm trở. Truông Bồn là một đoạn đèo, dốc như thế có chiều dài 5 km, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30 chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Với giọng nói ngọt, ấm, đậm chất Nghệ, thuyết minh viên của Khu di tích Truông Bồn đã đưa chúng tôi ngược thời gian trở về với Truông Bồn trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Gần 50 năm về trước, vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn là trọng điểm đánh phá ác liệt, nơi đế quốc Mỹ liên tiếp dội bom hòng cắt đứt đường chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Trong vòng 4 năm (1964-1968), gần 19.000 quả bom các loại và tên lửa đế quốc Mỹ rải xuống mảnh đất anh hùng này.

Dưới mưa bom bão đạn, bất chấp nguy hiểm, hàng ngàn TNXP, bộ đội, dân công hỏa tuyến vẫn ngày đêm bám trụ Truông Bồn với khẩu hiệu “Sống anh dũng bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm!”; “Tim có thể ngừng đập, đường không thể tắc!”. Cũng trong vòng 4 năm đó, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ bộ đội, TNXP, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ bị thương; hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Trong đó, điều mãi khắc khoải, nhói đau những người ở lại là trận bom dữ dội ngày 31/10/1968 của giặc Mỹ đã cướp đi tuổi thanh xuân của 13 chiến sĩ TNXP thuộc Tiểu đội 2 “Tiểu đội cảm tử”, Đại đội 317 - Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, khi chỉ còn 18 giờ đồng hồ nữa địch buộc phải ngừng ném bom đánh phá miền Bắc.

Ngày ấy, các anh, các chị tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, căng tràn nhựa sống; hầu hết trong số họ đã hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị xuất ngũ, có người đã có quyết định đi học, có người còn định cả ngày cưới... Vậy mà, bao ước nguyện của đời người, của tuổi thanh xuân đã tắt, cuộc đưa dâu nơi quê nhà cũng vì thế đành phải dở dang!...

Càng đau xót hơn khi chỉ có 6 liệt sỹ được tìm thấy thi thể, 7 người còn lại thân thể đã hòa vào đất trời. Với tất cả những gì tìm lại được, nhân dân và đồng đội xây một ngôi mộ chung tại nơi các chiến sỹ hy sinh, cũng là nơi họ đã có những năm tháng tuổi trẻ hào hùng.

Điểm du lịch tâm linh hôm nay

Chiến tranh đã lùi xa, Truông Bồn - “tọa độ chết”, cung đường lửa ngày ấy - nay đã được hồi sinh. Sự cống hiến và hy sinh của các anh hùng liệt sĩ được lịch sử mãi mãi khắc ghi, Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn.

Ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các liệt sĩ trên cung đường huyền thoại Truông Bồn, năm 1996, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã công nhận Truông Bồn là di tích lịch sử Quốc gia. Năm 2008, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể 14 chiến sĩ TNXP “Tiểu đội cảm tử” Truông Bồn, trong đó 13/14 chiến sĩ đã hy sinh.

Với ý nghĩa to lớn đó và được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhằm xây dựng Truông Bồn trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, từ năm 2010, cùng với tỉnh Nghệ An, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải và hơn 600 cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư, quyên góp, ủng hộ xây dựng, tôn tạo Khu di tích trên diện tích 21,7 ha, gồm 21 hạng mục công trình. Năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định thành lập Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn để quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và thực hiện các hoạt động nhằm phát huy giá trị văn hoá, lịch sử của Khu di tích.

Theo ông Chu Vĩnh Hiệp - Giám đốc Ban Quản lý khu di tích lịch sử Truông Bồn, gắn với chương trình dâng hoa, dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ, nhiều đoàn đại biểu đã tổ chức các hoạt động phong phú như: tham quan học tập, trải nghiệm thực tế và tổ chức lễ kết nạp đoàn viên, đội viên mới… Các đoàn đại biểu, tầng lớp nhân dân và du khách về với Truông Bồn ngày càng nhiều hơn.

Theo thống kê của Ban Quản lý Khu di tích Truông Bồn, từ ngày 15/7/2014 đến nay, đơn vị này đã tổ chức đón tiếp, phục vụ gần 11.000 đoàn đại biểu của T.Ư và các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong cả nước và nước ngoài với hơn 400.000 đại biểu, 350.000 người dân và du khách. Chỉ tính riêng năm 2017, Truông Bồn đã đón 3.240 đoàn với gần 120.000 đại biểu và gần 110.000 lượt du khách.

Để phát triển Truông Bồn trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở miền Trung, điều ông ông Hiệp luôn mong muốn là trong thời gian tới, Ban Quản lý tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An và các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị. Trong đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch, các công ty du lịch lữ hành… trên địa bàn tỉnh quan tâm quảng bá về Truông Bồn và khai thác các tour du lịch trên địa bàn tỉnh - kết nối các tour du lịch ngoại tỉnh gắn với chương trình thăm viếng, tham quan du lịch hàng năm tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An cần tiếp tục quan tâm và coi việc về với Truông Bồn là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống đối với các cơ sở Đoàn, qua đó gắn giáo dục truyền thống với tổ chức các hoạt động của tuổi trẻ. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An tiếp tục quan tâm để các cơ sở giáo dục trong tỉnh được về với Truông Bồn nhiều hơn, tạo điều kiện cho học sinh tham quan, học tập tại Khu di tích, để Truông Bồn hôm nay và mai sau mãi là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số Xuân Mậu Tuất năm 2018
Cùng chuyên mục
  • Đánh thức tiềm năng du lịch đảo Cồn Cỏ
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với những tiềm năng sẵn có, Cồn Cỏ được ví như “viên ngọc thô”, “nàng công chúa” về du lịch mà thiên nhiên ban tặng. Bởi vậy, đánh thức, khơi dậy những tiềm năng du lịch đảo Cồn Cỏ đang là ưu tiên đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội của mảnh đất Quảng Trị anh hùng.
  • Điều kỳ diệu mang tên U23 Việt Nam
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Cho dù chỉ giành được tấm Huy chương Bạc giải U23 châu Á nhưng chưa bao giờ bóng đá Việt Nam đem về nhiều niềm hân hoan, tự hào cho người hâm mộ nước nhà đến như vậy. Suốt cả giải đấu, cả nước đã sống trong những phút giây tuyệt vời và niềm tự hào dân tộc mãnh liệt mà các cầu thủ bóng đá trẻ của chúng ta đã mang lại.
  • Triển khai thẻ Bảo hiểm y tế điện tử: Tiện lợi, tiết kiệm
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, năm 2018, cơ quan BHXH sẽ triển khai cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử và tích hợp với BHXH cấp một mã số BHXH duy nhất cho toàn bộ đối tượng tham gia. Việc làm này nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý của ngành; đồng thời tiết kiệm chi phí in, cấp thẻ BHYT.
  • Không để người lao động thiếu Tết
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2018. Bởi vậy, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, DN đã gấp rút tập trung chăm lo đời sống cho người lao động (NLĐ), các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với nhiều hình thức thiết thực, trách nhiệm trên tinh thần không để NLĐ thiếu Tết.
  • Kết cấu lương vào giá dịch vụ y tế: Nhiều tác động tích cực
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Việc lần đầu tiên đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế đã được Bộ Y tế lựa chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành năm 2017. Trái với những lo ngại ban đầu, thực tế triển khai cho thấy, chủ trương này đã có những tác động tích cực và là bước đi cần thiết trong lộ trình thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng số đơn vị tự chủ tài chính và tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) giảm số người hưởng lương từ NSNN.
Truông Bồn - Nơi lưu giữ bản hùng ca bất tử