Đảo chiều chính sách

Đón đầu chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ngay từ ngày 15/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động giảm 0,5-1% tất cả lãi suất điều hành ngoại trừ lãi suất tái cấp vốn khi áp lực lên tỷ giá hối đoái đã giảm và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

ls-00_18114674-1-(1).jpg
Tín hiệu đảo chiều chính sách đã bật và sẽ trở thành xu hướng vững chắc cùng với phản ứng tích cực của thị trường. Ảnh minh họa

Xuất bản

Ngày 10/3/2023 đã đi vào lịch sử tài chính ngân hàng thế giới khi ngân hàng Silicon Valley (SVB) lớn thứ 16 ở Mỹ rơi vào tình trạng phá sản và bị Cơ quan Bảo hiểm Mỹ (FDIC) chiếm quyền kiểm soát toàn bộ. Đây là vụ đổ vỡ ngân hàng lớn nhất kể từ sau vụ phá sản của Washington Mutual năm 2008 khiến nhiều người lo sợ sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tương tự như cách đây 15 năm.

Tình hình càng đáng lo ngại hơn khi chỉ hai ngày sau lại có thêm ngân hàng Signature (SB) bị phá sản và có tới 6 ngân hàng khác đối mặt nguy cơ tương tự SVB và SB vì cùng nguyên nhân sâu xa là chính sách tăng lãi suất liên tục với bước nhảy lớn của FED suốt từ đầu năm 2022 và chưa có điểm dừng. Do lạm phát ở Mỹ tăng vọt lên trên 9% nên FED đã 8 lần tăng lãi suất cơ bản từ mức gần 0 lên gần 5% sau nhiều năm nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt là giai đoạn đối phó với đại dịch Covid-19 thông qua bơm hàng nghìn tỷ USD vốn giá rẻ cũng như nhiều gói trợ cấp khổng lồ.

Biến động địa chính trị và đứt gãy chuỗi cung ứng một số sản phẩm thiết yếu càng làm cho lạm phát ở Mỹ vượt khỏi tầm kiểm soát nên FED buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ, trong đó tập trung vào tăng lãi suất cơ bản bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế xảy ra như hệ quả tất yếu của thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi thâm hụt ngân sách và núi nợ công của Mỹ ngày càng trĩu nặng. Mặc dù lãi suất cơ bản ở Mỹ đã tăng rất cao và rất nhanh song lạm phát đến tháng 02/2023 vẫn ở mức 6%, tức là vẫn gấp 3 lần so với mục tiêu lạm phát chỉ 2% hằng năm. Theo đó, dự báo FED có thể đẩy lãi suất cơ bản lên đến đỉnh 5,5-5,75% nếu lạm phát không hạ nhiệt.

Trong khi chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế và việc làm để chống lạm phát thì bất ngờ hệ thống tài chính ngân hàng Mỹ để lộ gót chân Asin từ sự đổ vỡ của SVB và SB...

Mặc dù cả SVB lẫn SB đều là những ngân hàng khu vực với phạm vi hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực startup, công nghệ và đầu tư mạo hiểm đối với trường hợp SVB hay trong lĩnh vực tiền số (crypto currencies) đối với trường hợp SB song do quy mô tài sản mỗi ngân hàng lên đến hàng trăm tỷ USD nên cơ quan quản lý ngân hàng Mỹ và FDIC đã phải vào cuộc ngay lập tức với những chính sách gần như chưa có tiền lệ nhằm tránh rủi ro hệ thống và nguy cơ tháo chạy khỏi ngân hàng (bank run). Theo quy định, tiền gửi tối đa được bảo hiểm tại ngân hàng Mỹ là 250.000 USD song FDIC đã tuyên bố bảo đảm quyền lợi cho tất cả các khoản tiền gửi tại SVB và SB bất kể quy mô là bao nhiêu. Rõ ràng, biện pháp quyết liệt đó đã trấn an thị trường và ngăn chặn tức thì làn sóng tháo chạy khỏi ngân hàng - khởi điểm cho một cuộc khủng hoảng tài chính quốc gia, thậm chí khủng hoảng tài chính toàn cầu khi nền kinh tế Mỹ vẫn chiếm tới trên 20% GDP của cả thế giới. Chưa hết, FED còn dự tính dành khoảng 2.000 tỷ USD để tài trợ thanh khoản lẫn khả năng thanh toán cho các ngân hàng Mỹ nếu gặp những vấn đề tương tự như SVB và SB. Những biện pháp tức thời và dứt khoát của các cơ quan quản lý ngân hàng Mỹ đã có tác dụng tích cực khi biến động của thị trường chứng khoán, thị trường vàng, thị trường dầu thô và thậm chí cả thị trường tiền số đã nhanh chóng vượt qua cơn hoảng loạn trong khi thị trường tài chính ngoài Mỹ vẫn phản ứng tương đối bình tĩnh trước nguy cơ sụp đổ ngân hàng lan rộng.

Sự sụp đổ của SVB và SB đã buộc FED phải thận trọng xem xét lại bước tăng lãi suất tiếp theo ngay từ kỳ họp cuối thàng 3/2023 và cả những tháng tiếp theo khi cội nguồn đổ vỡ của các ngân hàng này lại chính là chính sách thắt chặt tiền tệ của FED. Khi lãi suất tăng liên tục đã khiến cho nhiều tài sản mà SVB và SB nắm giữ bị mất giá, đặc biệt là trái phiếu chính phủ Mỹ trong khi nhiều khách hàng có tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng này lại ồ ạt rút tiền để đối phó với sự chấm dứt của thời kỳ vốn rẻ. Cả SVB lẫn SB đều rơi vào tình trạng mất thanh khoản, cổ phiếu rớt giá hàng chục phần trăm, thậm chí mất khả năng thanh toán và thua lỗ hàng tỷ USD. Thêm vào đó, SVB và SB đều thoát khỏi sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý do từ năm 2018 chỉ những ngân hàng có quy mô trên 250 tỷ USD mới bị giám sát chặt thay vì quy mô 50 tỷ USD theo đạo luật Dodd-Frank vốn ra đời từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Nới lỏng giám sát ngân hàng khiến cho không ít ngân hàng ở Mỹ tăng trưởng thần tốc trong khi khả năng quản lý và kiểm soát rủi ro lại không theo kịp. Củng cố hệ thống giám sát ngân hàng không thể thực hiện trong ngày một ngày hai nên ưu tiên hàng đầu trước mắt của FED là thận trọng hơn trong điều hành lãi suất cơ bản với bước nhảy ngắn hơn (có thể chỉ 25 điểm cơ bản mỗi lần) và giãn thời gian điều chỉnh đồng thời sớm chấm dứt thời kỳ tăng lãi suất hơn so với dự kiến, thậm chí đảo chiều chính sách tiền tệ ngay trong năm 2023 này. Đón đầu chính sách của FED, ngay từ ngày 15/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động giảm 0,5-1% tất cả lãi suất điều hành ngoại trừ lãi suất tái cấp vốn khi áp lực lên tỷ giá hối đoái đã giảm và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Quan trọng hơn là tín hiệu đảo chiều chính sách đã bật và sẽ trở thành xu hướng vững chắc cùng với phản ứng tích cực của thị trường./.



                       

Cùng chuyên mục
  • Thông điệp từ xếp hạng quốc tế của Việt Nam
    một năm trước Góc nhìn
    (BKTO) - Việt Nam xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới năm 2022 của Tạp chí Mỹ US News & World Report (US News), với GDP được ước tính là 363 tỷ USD, GDP bình quân đầu người 11.553 USD (năm 2021 Việt Nam đứng thứ 47 trong số 78 quốc gia được US News đánh giá).
  • Thiết kế lại thị trường xăng dầu
    một năm trước Góc nhìn
    Để tiến tới xây dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh lành mạnh, cần có lộ trình và bước đi hợp lý. Hiện các cơ quan chức năng đang xây dựng dự thảo bổ sung hoàn thiện các quy định về quản lý, kinh doanh xăng dầu nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia vào chuỗi kinh doanh xăng dầu.
  • Hài hòa lợi ích để gỡ khó cho thị trường bất động sản
    một năm trước Góc nhìn
    Ở nước ta, thị trường bất động sản (BĐS) chiếm khoảng trên dưới 10% GDP và có tác động tới gần 40 ngành nghề kinh tế khác nhau và có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội vi mô và vĩ mô, hiện tại và tương lai cả cấp quốc gia và địa phương. Việc duy trì sự phát triển lành mạnh thị trường BĐS là cần thiết và đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan.
  • Lành mạnh hóa thị trường bất động sản
    một năm trước Góc nhìn
    Lành mạnh hóa thị trường bất động sản (BĐS) không chỉ cần thiết và cấp bách đối với chính sự phát triển của lĩnh vực BĐS mà còn quan hệ mật thiết với sự lành mạnh của hệ thống tài chính, của nền tài chính quốc gia và rộng hơn là cả nền kinh tế.
  • Giải ngân đầu tư công - Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
    một năm trước Góc nhìn
    Theo tinh thần chủ đề điều hành năm 2023: “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” mà Chính phủ đề ra, không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của việc giải ngân đầu tư công, cần nhân rộng việc chịu trách nhiệm của người đứng đầu về nhiệm vụ và thời gian cụ thể cần đạt được cho từng vị trí lãnh đạo các cơ quan, các cấp… làm thước đo đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ theo kết quả công việc đạt được vào cuối năm…
Đảo chiều chính sách