Đào tạo báo chí: Đổi mới để bắt kịp xu thế hiện đại

(BKTO) - Tại Tọa đàm "Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay" do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chiều 17/3, nhiều ý kiến cho rằng, để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo, các chương trình đào tạo phải đổi mới nội dung để đáp ứng với xu thế làm báo hiện đại trong môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển...

dsc_6436.jpg
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: LÊ HÒA

Đào tạo, bồi dưỡng vẫn chưa đáp ứng được mọi nhu cầu

Ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - nhấn mạnh: Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

Trong gần 3 năm qua, đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức đối với việc tổ chức lớp học so với những năm trước đó. Tuy nhiên, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã cố gắng khắc phục những khó khăn và đổi mới các phương thức tổ chức lớp học nên về cơ bản, công tác đào tạo vẫn đáp ứng được nhu cầu học tập của các hội viên, nhà báo trên toàn quốc.

Tính từ năm 2020 đến hết năm 2022, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã tổ chức được 333 hoạt động cho hơn 10.000 lượt hội viên Hội Nhà báo. Trong đó, 254 lớp học được tổ chức theo ngân sách nhà nước (chiếm 76%); 54 lớp học theo yêu cầu của các Hội địa phương, các cơ quan, bộ, ban, ngành ở Trung ương (chiếm 16%) và 25 lớp học do tổ chức nước ngoài tài trợ (chiếm 8%).

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

Hơn nữa, trong bối cảnh quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới trong tình hình mới, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của công chúng.

Chính vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, các chương trình đào tạo phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Những khóa học cần phải đa dạng hơn với những chủ đề khác nhau, từ kỹ năng cho đến thực hành dành cho nhiều đối tượng khác nhau, không chỉ phóng viên trẻ mà cả lãnh đạo, quản lý các cơ quan báo chí, thậm chí cần phải đào tạo nhiều lần chứ không chỉ một, hai lần.

Đẩy mạnh bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí hiện đại

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo, nhiều đại biểu đề nghị, thời gian tới, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên Nguyễn Bảo Lâm nhấn mạnh, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cần được cập nhật để đáp ứng được yêu cầu mới.

dsc_6421.jpg
Đại biểu đóng góp ý kiến tại Tọa đàm. Ảnh: LÊ HÒA

Các trường đại học và các tổ chức đào tạo cần thiết lập các chương trình đào tạo phù hợp với các xu hướng và công nghệ mới, giúp sinh viên có thể nắm bắt được các kiến thức cơ bản cũng như có khả năng sử dụng công nghệ mới nhất để truyền tải thông tin một cách hiệu quả.

Mặt khác, các chương trình đào tạo cần đặc biệt chú trọng đến khía cạnh đạo đức và độ tin cậy, giúp sinh viên hiểu rõ về tầm quan trọng của vấn đề đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thời kỳ 4.0 trong quá trình hành nghề sau này…

Trong khi đó, Tổng biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Trần Tiến Duẩn 5đề nghị, Hội Nhà báo Việt Nam chú trọng đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng cho phóng viên đa năng, nghĩa là một phóng viên có thể thực hiện nhiều loại hình báo chí như: Tin text, ảnh, video, đồ họa, báo chí dữ liệu… nhằm tăng hiệu quả khi tác nghiệp và tiết kiệm nhân lực.

Bên cạnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam có thể mời các chuyên gia quốc tế, đại diện các cơ quan báo chí nước ngoài tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi về vấn đề chuyển đổi số báo chí, mô hình và cách thức hoạt động của các tòa soạn báo trên thế giới, các hình thức kinh doanh báo chí hiệu quả có thể áp dụng vào Việt Nam.

"Song song với việc bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí hiện đại, cách quản trị tòa soạn trong thời đại mới, nhiều cơ quan báo chí tại các địa phương cũng rất cần được phổ biến cách thức, kỹ năng xây dựng giao diện báo điện tử hiện đại, thân thiện, nhiều tính năng, tiết kiệm chi phí, thực hiện các sản phẩm báo chí chất lượng, chuyên sâu, riêng biệt" - nhà báo Trần Tiến Duẩn chia sẻ; đồng thời kiến nghị Hội Nhà báo Việt Nam trang bị kỹ năng cho các phóng viên tác nghiệp trong điều kiện nguy hiểm như: Thiên tai, dịch bệnh… sao cho an toàn mà vẫn hiệu quả.

Chia sẻ về mục tiêu bồi dưỡng năm 2023, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) Nguyễn Thị Hải Vân cho biết, trong năm nay, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với việc tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng về kỹ năng làm báo hiện đại cho các loại hình báo chí, Trung tâm sẽ đặc biệt chú trọng việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo Việt Nam bằng cách lồng ghép các cuộc trao đổi đạo đức nghiệp vụ trong các chương trình bồi dưỡng mang tính thực tiễn cao.

Ngoài ra, Trung tâm sẽ tiếp tục tranh thủ xây dựng các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo và nghiên cứu báo chí. Các hoạt động hợp tác quốc tế với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài giúp các nhà báo Việt Nam có thêm những kiến thức cập nhật về xu hướng phát triển của báo chí, truyền thông trên thế giới và những kinh nghiệm phong phú trong tác nghiệp./.

Cùng chuyên mục
Đào tạo báo chí: Đổi mới để bắt kịp xu thế hiện đại