Khó khăn do không thể học tập trung
Thực hiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ, các DN XKLĐ đã trực tiếp tham gia, hoặc phối hợp tổ chức đào tạo cho NLĐ trước khi đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay là khoảng thời gian khó khăn nhất mà các DN phải đối mặt, khi hoạt động của công ty bị đình trệ, không có nguồn thu. Trong đó, hoạt động đào tạo không thể được thực hiện trong điều kiện bình thường, do phải tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh.
Một buổi học tại Trung tâm đào tạo tiếng Nhật Vilaco, thời điểm dịch bệnh được kiểm soát. Ảnh: N.Túy |
Những bất cập này ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình học, chất lượng học tập. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm đối với NLĐ, khó khăn do dịch bệnh không vì thế mà làm DN nản lòng. Theo bà Nguyễn Thị Hậu (giáo viên Trung tâm đào tạo tiếng Nhật Vilaco) trong bối cảnh thế giới đang thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch Covid-19, việc đảm bảo tất cả học viên được tiếp tục học tập trong một môi trường an toàn, tôn trọng, hòa nhập là rất quan trọng.
Dù đã có sự chuẩn bị tương đối đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, chương trình đào tạo, song việc tổ chức dạy học online vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo giáo viên Trung tâm đào tạo tiếng Nhật Vilaco, phần lớn các học viên đến từ các vùng quê có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nên hệ thống mạng internet không đảm bảo. Trong khi đối với học online, đây là điều kiện cần để tổ chức dạy và học. Nhiều học viên của Trung tâm cũng cho biết, mạng lưới điện ở nông thôn dễ quá tải và thường xuyên bị ngắt điện, làm gián đoạn việc học. Bên cạnh đó là một số sự cố như mạng yếu, sóng kém, thiết bị học thiếu hiện đại khiến kết quả học tập bị ảnh hưởng...
Là người có hơn 20 năm gắn bó với lĩnh vực XKLĐ, bà Lưu Thị Ngọc Túy - Giám đốc Công ty CP Nhân lực quốc tế Việt - cho biết việc đào tạo cho NLĐ XKLĐ rất khác so với đào tạo thông thường. Thời gian đào tạo ngắn, dạng "cầm tay chỉ việc" và nhằm giúp NLĐ thành thạo ngôn ngữ. Tuy nhiên, điều kiện dạy học online đang đặt ra nhiều thách thức cho cả người dạy và người học. Hiệu quả học cũng phụ thuộc rất lớn vào thái độ của học viên. Một số học viên trong điều kiện học tập không tập trung, không có sự giám sát của giáo viên nên chưa thực sự quan tâm, chủ động tiếp thu bài giảng.
Xây dựng niềm tin, vượt qua đại dịch
Cũng giống như một số DN XKLĐ khác, bà Lưu Thị Ngọc Túy cho biết, xác định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài, công ty đã đầu tư nâng cấp các trang, thiết bị phục vụ việc tổ chức dạy học, với tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động đào tạo thuộc trường hợp tính phí phát sinh (vì nằm ngoài thời lượng đào tạo theo quy định) nhưng được DN miễn phí, với tinh thần chia sẻ cùng học viên “nuôi ý chí” vượt qua dịch bệnh, cũng như mong muốn giúp học viên có hành trang vững vàng để bước vào công việc.
DN và NLĐ đang nỗ lực vượt qua khó khăn dịch bệnh để chờ cơ hội được sang làm việc tại Nhật Bản. Trong ảnh là một buổi chia tay học viên sang làm việc tại Nhật Bản năm 2018. Ảnh: N.Túy |
Trong quá trình đào tạo, các giáo viên tại Trung tâm đào tạo tiếng Nhật Vilaco cũng trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thực tập sinh để động viên các em. Trung tâm cũng tiếp thu ý kiến góp ý, từ đó cải tiến phương pháp giảng dạy, cách thức tổ chức học giúp học viên lĩnh hội được kiến thức cần thiết.
Nhiều học viên tham gia XKLĐ tại Nhật Bản cũng cho biết, dù học online có nhiều bất cập nhưng người học cũng có thêm trải nghiệm với công nghệ, từ đó chủ động tìm kiếm, phát huy sự sáng tạo của bản thân. Đây cũng là phương án tối ưu trong mùa dịch, cũng như đáp ứng yêu cầu học tập ngôn ngữ, kiến thức trước khi sang Nhật.
Học viên Nguyễn Cẩm Tú (tham gia đơn hàng Chế biến thực phẩm) chia sẻ: “Trong tình hình dịch bệnh, học online là một cách tốt nhất để giúp học viên có thể học tiếng Nhật, tìm hiểu kiến thức và văn hóa Nhật Bản, cũng như đảm bảo tiến độ học đề ra”.
Việc học online là giải pháp tối ưu trong bối cảnh dịch bệnh, giúp học viên củng cố kiến thức, chờ cơ hội bay. Ảnh: N.Túy |
Học viên Vũ Duy Khánh (trúng tuyển theo diện kỹ sư) cho biết: "Việc học online đã triển khai được hơn 2 tháng. Ưu điểm của học online là chúng em không phải học ở Trung tâm cho đến lúc có lịch xuất cảnh, ngoài thời gian học, chúng em còn có thêm thời gian để giúp đỡ gia đình”.
Học viên Nguyễn Thị Hồng Hạnh chia sẻ thêm: "Khi học online sinh viên sẽ phải tự nỗ lực, chăm chỉ hơn và phải làm bài tập đúng với sức của mình. Điều này sẽ tốt cho chúng em khi làm việc tại Nhật - đất nước có tính kỷ luật cao”.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động XKLĐ, sự sẻ chia giữa các bên cần phải được duy trì, phát huy. Trong đó, các DN cần chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tay nghề cho NLĐ. NLĐ cũng cần tranh thủ học tập nâng cao trình độ, đảm bảo chuẩn bị tốt nhất hành trang khi tham gia thị trường lao động, sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh đó, cả DN và NLĐ cần phải giữ vững niềm tin để cùng nhau vượt qua thách thức dịch bệnh.