Đào tạo nghề theo chương trình chuyển giao quốc tế: Trái ngọt đầu mùa

(BKTO) - Chương trình đào tạo nghề thí điểm theo các bộ chương trình chuyển giao từ Australia vừa chính thức khép lại với những thành quả đầu mùa ngoài sức mong đợi: 100% học viên tốt nghiệp và được cấp song bằng theo tiêu chuẩn đào tạo quốc tế; đại đa số các học viên đã được nhận vào làm việc tại các công ty nước ngoài, hoặc tại nước ngoài với mức thu nhập... như mơ. Đây chỉ là hai trong số những thành quả mà chương trình mang lại cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN).



Những thông tin này vừa được công bố tại Hội nghị tổng kết đào tạo thí điểm 12 nghề chất lượng cao trình độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Australia do Tổng cục GDNN (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với các đối tác từ Đức tổ chức sáng ngày 14/1, tại Hà Nội.
                
   

Quang cảnh Hội nghị

   

Những tiêu chuẩn khắt khe của chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo thí điểm được thực hiện trên cơ sở Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tổ chức đào tạo thí điểm 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, được chuyển giao từ Australia.

Theo Tổng cục GDNN, có 25 trường cao đẳng được lựa chọn tham gia đào tạo thí điểm 41 lớp với gần 800 sinh viên để khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên được cấp 2 bằng, một bằng cao đẳng của Việt Nam và một bằng Diploma của Học viện Chisholm, Australia.

Để tham gia đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình chuyển giao, các trường cao đẳng phải được Học viện Chisholm đánh giá, kiểm định điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn của Australia về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên và các điều kiện về vệ sinh, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

Tham gia chương trình đào tạo thí điểm, các trường được chuyển giao phương pháp đào tạo, công nghệ đào tạo mới tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế trong đào tạo nghề, được các chuyên gia Australia đồng hành hỗ trợ trong suốt quá trình học. Giảng viên tham gia giảng dạy chương trình, ngoài việc phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam còn được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm tại Australia, bên cạnh đó các giáo viên phải hoàn thiện hồ sơ chứng minh năng lực hoạt động thực tế, kinh nghiệm làm việc trong nghề.

Sinh viên tham gia khóa học phải có chứng chỉ tiếng Anh B1 theo khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu để có thể tham gia học tập, đọc hiểu các tài liệu chuyên môn và thực hiện các bài kiểm tra, đánh giá năng lực bằng tiếng Anh. Sinh viên của các lớp thí điểm được tham gia vào các hoạt động chung, được khai thác các nguồn tài nguyên chung của Học viện Chisholm thông qua các tài khoản truy cập trực tuyến từ tài khoản của Học viện cấp cho mỗi sinh viên.

Theo TS. Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN), những tiêu chuẩn này là cần thiết, bởi, kết thúc chương trình học, người học ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận, còn có năng lực tiếng Anh đạt trình độ sau B1 theo Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu để có thể tham gia vào thị trường lao động trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế. Ngoài ra, theo cam kết của Học viện Chisholm, người tốt nghiệp theo chương trình này còn có cơ hội tiếp tục học liên thông lên trình độ đại học tại hệ thống các trường đại học của Australia.

Đáng chú ý, bộ chương trình nghề cấp độ quốc tế được chuyển giao từ các nước có nền giáo dục tiên tiến, trong đó có chương trình của Australia cũng được KTNN đánh giá cao trong quá trình kiểm toán. KTNN cũng cho rằng, việc áp dụng các bộ chương trình này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường trong nước.

Sau tốt nghiệp, học viên đắt việc, thu nhập nghìn đô

Theo đánh giá của Tổng cục GDNN và các trường được chọn triển khai chương trình tại Hội nghị, kết quả chương trình mang lại là vô cùng to lớn. Điều này không chỉ thể hiện qua những con số, mà còn ở những giá trị gia tăng vô hình cho lĩnh vực GDNN. Những giá trị này sẽ góp phần đưa GDNN bước vào một giai đoạn phát triển mới với sự hiện diện của các chương trình nghề chất lượng cao, từ đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Cụ thể, theo báo cáo tổng kết chương trình, tính đến hết tháng 12/2019, toàn bộ 41 lớp của 12 nghề đào tạo thí điểm đã hoàn thành chương trình đào tạo với tổng số 724 sinh viên tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 100%, trong đó, tỷ lệ khá, giỏi chiếm 90%, được cấp bằng cao đẳng của Học viện Chisholm và bằng cao đẳng của Việt Nam.

Ngay sau khi tốt nghiệp, đã có 477/724 sinh viên tốt nghiệp có việc làm, trong đó có 40 em đã đi làm việc hoặc đang hoàn thiện thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài; 214 em đang làm việc trong các công ty liên doanh với nước ngoài hoặc 100% vốn nước ngoài; 204 em đang làm việc tại các tập đoàn, tổng công ty hoặc DN uy tín khác tại Việt Nam... Thu nhập bình quân của các em đang làm việc tại DN trong nước vào khoảng 15-30 triệu đồng; các em làm việc tại nước ngoài có thu nhập cao hơn. Trong đó, nhiều trường hợp có thu nhập cả nghìn đô la mỗi tháng.

Đáng chú ý, theo TS. Vũ Xuân Hùng, người học tốt nghiệp chương trình ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận, còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1 trở lên đến B2, theo Khung năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu (có lớp có 11/19 sinh viên đã dự thi đạt 5,5 đến 7,5 điểm IELTS), đủ điều kiện tham gia thị trường lao động trong khu vực ASEAN và quốc tế; hoặc tiếp tục học liên thông lên trình độ đại học tại hệ thống các trường đại học của Australia, Hàn Quốc.

Còn theo đánh giá của một số DN đang tiếp nhận học viên đã qua đào tạo từ chương trình, nhiều sinh viên có năng lực tiếng Anh rất tốt, mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp với chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là các sinh viên thuộc nhóm nghề du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin.

Đánh giá về kết quả sau thực hiện chương trình, TS. Vũ Xuân Hùng nhận định, chính sự nỗ lực cố gắng của các trường, tập thể giáo viên, chuyên gia và sinh viên theo học chương trình đã góp phần thúc đẩy chương trình học diễn ra đạt kết quả cao, đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo các quy định và tiêu chuẩn của Chính phủ Australia.

“Có thể nói, đây chính là minh chứng khẳng định sự đúng đắn của việc chuyển giao các chương trình đào tạo từ nước ngoài, định hình nên mô hình đào tạo mới về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay của GDNN” - TS. Hùng nhấn mạnh.

Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Đào tạo nghề theo chương trình chuyển giao quốc tế: Trái ngọt đầu mùa