Đào tạo nhân lực Kế toán, Kiểm toán: Cần đảm bảo cả về lượng và chất

(BKTO) - Khi cánh cửa Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã mở, nhân sự kế toán, kiểm toán là một trong 8 nhóm ngành được tự do di chuyển giữa các nước ASEAN. Đây là cơ hội cho các kế toán viên, kiểm toán viên Việt Nam tăng thêm thu nhập, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, khả năng thích nghi với môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp, phát triển các kỹ năng mềm… từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.



Để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới, chất lượng đào tạo ngành kế toán, kiểm toán phải được nâng cao hơn nữa về chuyên môn, hòa nhập kiến thức, văn hóa và phong tục tập quán của các nước trong khu vực và thế giới.

Chất lượng chưa song hành cùng số lượng

Thực tế cho thấy, kế toán và kiểm toán vẫn đang là những chuyên ngành hấp dẫn, thu hút nhiều thí sinh dự thi hằng năm. Việc đào tạo ngành nghề kế toán, kiểm toán được thực hiện ở rất nhiều trường đại học kinh tế - tài chính công lập và ngoài công lập trong cả nước. Chưa kể tới hàng trăm lớp dạy nghề kế toán và kiểm toán do các hiệp hội, trung tâm, DN tổ chức dưới mọi hình thức. Như vậy, xét về mặt số lượng, lực lượng lao động kế toán, kiểm toán đã phần nào đáp ứng được trong giai đoạn vừa qua. Các sinh viên, học viên tốt nghiệp ra trường có sự phát triển nghề nghiệp tốt, nỗ lực thích ứng với môi trường hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của nhiều trường hiện nay cũng được xây dựng theo hướng liên thông với các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế như chứng chỉ của: Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA), Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề (CPA) Australia, giúp sinh viên mở rộng chương trình học, phát triển nghề nghiệp một cách thuận tiện. Việc không ít trường giảng dạy các môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh đã giúp khắc phục rào cản ngôn ngữ, phát triển khả năng tiếng Anh trong công việc của sinh viên, hỗ trợ cho sinh viên có khả năng công tác tốt trong môi trường quốc tế khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, nếu xem xét sâu hơn về khía cạnh chất lượng, chúng ta sẽ không khó để nhận ra độ lệch khá lớn giữa các trường đại học, các trung tâm và các DN cung cấp dịch vụ đào tạo. Nhìn chung, chất lượng đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực chất lượng cao phù hợp với tình hình phát triển và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế nước ta trong dài hạn.

Tính đến nay, số lượng nhân sự ngành kế toán, kiểm toán được đào tạo hằng năm tại các cơ sở đào tạo là rất lớn nhưng trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác của đối tượng này chưa cao, chưa đạt được đến mặt bằng chung của khu vực. Hiện tại, lực lượng kế toán, kiểm toán viên nắm vững các thông lệ, nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế chưa nhiều; tư duy tích lũy, am hiểu các vấn đề toàn cầu còn hạn chế, khó hội nhập sâu rộng với kế toán, kiểm toán quốc tế. Trong khi đó, các trường đại học lại dạy quá nhiều lý thuyết, chương trình học lạc hậu, dẫn đến việc sinh viên thiếu một nền tảng kế toán, tài chính vững chắc và những kỹ năng thực hành hiệu quả. Sinh viên mới ra trường phải mất thời gian đào tạo lại bởi họ chưa thể nắm bắt được ngay công việc kế toán, kiểm toán.

Bên cạnh đó, chính đội ngũ giảng viên đảm nhận giảng dạy các học phần về kế toán, kiểm toán cũng thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng công việc thực tế nên không thể truyền đạt một cách hiệu quả kiến thức cho sinh viên. Nhiều người vẫn cho rằng, đào tạo kế toán, kiểm toán ra chỉ để làm việc tại DN Việt Nam, thực hiện theo kế toán Việt Nam. Quan niệm này phần nào ảnh hưởng đến định hướng và kế hoạch đào tạo trong tương lai.

Đào tạo phải gắn liềnvới nhu cầu thực tế

Việc nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán để tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một đòi hỏi cấp bách của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay, bởi đây luôn được coi là dịch vụ cao cấp, đòi hỏi chuyên môn sâu. Trong thời gian tới, lĩnh vực này cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm sau:
Một là, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoạch định chiến lược đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học theo chuẩn quốc tế, tạo điều kiện để từng trường thiết kế chương trình đào tạo riêng, phù hợp theo hướng tiếp cận các mô hình trên thế giới. Chiến lược này sẽ tạo nền tảng pháp lý để từng trường chủ động trong việc hoạch định quá trình đào tạo nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng lao động trong nước cũng như các nước trong khu vực và các tổ chức nghề nghiệp quốc tế.

Hai là, đổi mới mô hình thi, cấp chứng chỉ kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề, đồng thời mở rộng và tăng cường số lượng các kỳ thi nhằm nâng cao cả lượng và chất, đáp ứng Chiến lược Kế toán - Kiểm toán năm 2020, tầm nhìn 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Ba là, cần nâng cao và mở rộng vai trò của các hội nghề nghiệp: Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam (VICA), Hội Kế toán TP. HCM (HAA)… để tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hành nghề kế toán, kiểm toán, đảm bảo những người đủ điều kiện mới có thể hành nghề, từ đó giúp nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của những công ty kiểm toán Việt Nam trên thị trường. Hiệp hội cần thể hiện vai trò của mình qua việc trở thành cầu nối thiết lập mối liên kết giữa cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo và DN, tạo đầu ra cho các sinh viên. Đồng thời, các hiệp hội nghề nghiệp của Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các hội nghề nghiệp trong khu vực và trên thế giới để tăng cường sự hiểu biết và liên thông trình độ giữa các kế toán, kiểm toán viên trong khu vực.

Bốn là, các trường đại học cần đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, phối hợp và tăng cường hợp tác với các hiệp hội nghề nghiệp như: ACCA, CPA Australia, Hiệp hội Kế toán quản trị công chứng Anh quốc (CIMA)... để đổi mới giáo trình đào tạo. Chương trình đào tạo cần phải gắn liền với thực tế để người học có được những kiến thức mang tính ứng dụng, qua đó nâng cao năng lực nghiên cứu, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu phù hợp với các yêu cầu được xác định trong chuẩn đầu ra. Sinh viên cũng cần được tiếp xúc với các chuyên gia, DN kiểm toán để có sự chuẩn bị sớm và định hướng tốt hơn về nghề nghiệp tương lai. Ngoài ra, các trường cần tăng cường giảng dạy ngoại ngữ chuyên ngành để sinh viên có thể chuyển đổi sang bằng cấp quốc tế dễ dàng hơn.

Năm là, quá trình hội nhập quốc tế sẽ làm xuất hiện các cơ sở đào tạo mới trên nền tảng tự do hóa việc cung cấp dịch vụ đào tạo. Vì vậy, bản thân các cơ sở giáo dục đại học hiện tại cũng phải đối mặt với thách thức về sự chuyển dịch chất xám đội ngũ, áp lực đòi hỏi có sự điều chỉnh trong chính sách lương thưởng, chính sách thu hút nhân tài, thay đổi việc tiếp cận và duy trì mối quan hệ với các DN kiểm toán, các cơ quan quản lý nghề nghiệp trong quá trình đào tạo. Các trường đại học cần chủ động thu hút được đội ngũ chuyên gia, giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia vào quá trình đào tạo.

Sáu là, các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán cần phát huy hơn nữa vai trò tham gia vào hoạt động đào tạo của các tổ chức sử dụng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán; tích cực tham gia đóng góp ý kiến về nhu cầu, định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp với các trường đại học thông qua việc phản hồi tích cực về chất lượng sinh viên mới tốt nghiệp để các trường đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo. Các DN uy tín về kế toán, kiểm toán cũng cần tham gia biên soạn, phản biện giáo trình, đồng thời hỗ trợ đào tạo tại các trường đại học về chính sách chế độ kế toán, kiểm toán mới trên cơ sở các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế.

PGS,TS. MAI NGỌC ANH
Trưởng Khoa Kế toán, Học viện Tài chính
Theo Báo Kiểm toán số 08 ra ngày 21-02-2019
Cùng chuyên mục
Đào tạo nhân lực Kế toán, Kiểm toán: Cần đảm bảo cả về lượng và chất