Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo đầu tư cảng biển Trần Đề do Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức ngày 07/8.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt hạ tầng giao thông còn hạn chế, thiếu đồng bộ; chưa phát triển đồng đều và thiếu mối liên kết. Quy mô và năng lực vận tải đường thủy còn thấp, chưa có cảng đầu mối và các trung tâm logistics lớn.
Theo quy hoạch, diện tích cảng biển nước sâu Trần Đề khoảng 550ha, với cầu cảng vượt biển dài khoảng 16km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng 100.000DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000DWT…
Hiện nay, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP. Hồ Chí Minh, làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa, đồng thời tạo áp lực lên giao thông đường bộ. Vì vậy việc xây dựng một cảng biển cửa ngõ cho vùng là điều rất cần thiết.
Mới đây, Trung ương đã có nhiều chủ trương, quyết sách tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng ĐBSCL, nhất là hạ tầng GTVT. Việc quy hoạch, triển khai đầu tư hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang đồng bộ với hệ thống cảng, kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm nghẽn” bấy lâu nay của vùng.
Đặc biệt, Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.
Theo Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể, ĐBSCL chưa có cảng cửa ngõ nên toàn bộ hàng hóa của vùng muốn thực hiện việc xuất nhập khẩu thì phải trung chuyển qua TP. Hồ chí Minh, dẫn đến phát sinh chi phí khoảng 230.000 đồng/tấn hàng hóa. Nếu không có cảng Trần Đề thì ĐBSCL rất khó bứt phá.
"Đến thời điểm này, không có vị trí nào làm cảng biển tốt như cửa biển Trần Đề. Bởi lẽ, cảng này chỉ cách TP. Cần Thơ khoảng 60km và rất gần các tỉnh: Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau Kiên Giang, Cà Mau" - ông Thể khẳng định.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, Chính phủ đã đưa cảng Trần Đề vào mục tiêu đầu tư phát triển quốc gia. Đây là dự án rất tâm huyết của Chính phủ, Quốc hội để đưa vùng ĐBSCL phát triển. “Trễ nhất là quý I/2024, Bộ sẽ hoàn tất quy hoạch vùng nước cảng biển của khu vực và tỉnh Sóc Trăng để nhanh chóng trình Chính phủ phê duyệt, sớm triển khai thực hiện dự án” - ông Sang thông tin./.