Hệ thống giao thông thông minh góp phần đảm bảo an toàn giao thông
Tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được khai thác từ năm 2015, là tuyến đường đầu tiên trên cả nước được khai thác cùng với hệ thống ITS, tích hợp đồng bộ nhiều công nghệ hiện đại (camera giám sát giao thông, cân kiểm tra tải trọng xe tự động, biển báo thông minh...) giúp cho việc điều hành giao thông thuận lợi, chuyên nghiệp và an toàn. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận định, sau gần 8 năm vận hành khai thác, hệ thống ITS trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vẫn là hệ thống hiện đại, được vận hành chuyên nghiệp, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường.
Tại Trung tâm điều hành khai thác cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ cần 4 đến 5 cán bộ để kiểm soát 58 camera giám sát giao thông trên toàn tuyến với chiều dài hơn 100km. Những sự cố, hay tai nạn xảy ra đều được phát hiện để phân luồng kịp thời. Thông tin về tình hình giao thông trên tuyến sẽ được cán bộ cập nhật, đưa lên màn hình để lái xe sớm nhận biết, lựa chọn lộ trình phù hợp. Bên cạnh đó, hệ thống cân tải trọng tự động sẽ kịp thời phát hiện các phương tiện quá khổ, quá tải và truyền dữ liệu về Trung tâm điều hành cũng như tại địa điểm cân giúp Trung tâm từ chối các phương tiện quá khổ, quá tải, giúp bảo vệ kết cấu hạ tầng của tuyến đường.
Ông Dương Châu Sâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả - cho biết, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vừa được khánh thành vào ngày 28/4 là dự án duy nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 có hệ thống ITS hiện đại tích hợp cả phần đường và hầm. Đặc biệt, các cụm thiết bị ITS vận hành bằng năng lượng tái tạo sử dụng cả công nghệ pin điện mặt trời và tua bin gió, được giám sát từ xa để xử lý sự cố thiết bị kịp thời qua hệ thống truyền dẫn nội bộ. Hệ thống camera giám sát giao thông trên tuyến bao gồm 26 camera các loại, bố trí mỗi điểm cách nhau 2km để thu thập thông tin trên tuyến gửi về trung tâm điều khiển. Riêng tuyến hầm núi Vung thuộc dự án thành phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 2.250m là hầm cấp đặc biệt được trang bị hệ thống ITS với 54 camera các loại, đưa các cảnh báo về trung tâm cho đơn vị vận hành.
Đối với các hầm có chiều dài trên 500m, thông thường, khi vào hầm sẽ bị mất sóng điện thoại. Thế nhưng, tại hầm Núi Vung đã được trang bị hệ thống điện thoại khẩn cấp, hệ thống FM và radio, phát thanh chuyển tiếp… để liên lạc và xử lý sự cố giúp công tác quản lý vận hành không bị gián đoạn. Trên cơ sở tín hiệu từ các thiết bị ngoại vi trong hầm và ngoài tuyến chuyển về, Trung tâm điều hành - giám sát giao thông sẽ tổng hợp để đưa ra các kịch bản vận hành hợp lý, kịp thời, đảm bảo an toàn. Trung tâm cũng được tích hợp tính năng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích tình huống, hỗ trợ người giám sát giao thông đưa ra quyết định phù hợp khi xảy ra sự cố...
Đến năm 2025, 100% đường cao tốc có hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh
Hiệu quả của hệ thống ITS là vậy, nhưng đến nay trong tổng số hơn 30 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 1.829km được đưa vào khai thác mới chỉ có 8 tuyến được đầu tư lắp đặt hệ thống ITS. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ”; trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025: 100% các tuyến đường cao tốc có triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh; hình thành các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông của đô thị thông minh tại các thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương có nhu cầu.
Triển khai các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án Định hướng trong đầu tư, vận hành khai thác hệ thống ITS và kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ cao tốc. Đề án xác định lộ trình nghiên cứu đề xuất mô hình tổng thể quản lý, vận hành khai thác và bảo trì hệ thống ITS, kiểm tra tải trọng xe tập trung cho các tuyến đường cao tốc. Đồng thời, đề xuất lộ trình triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện Việt Nam, đảm bảo khai thác hiệu quả đường cao tốc; đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện.
Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát, để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống ITS và trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đối với các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Bộ cũng đã đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về xây dựng, các chủ đầu tư, tư vấn rà soát, nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng hệ thống ITS và trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đáp ứng yêu cầu khai thác đường bộ cao tốc.
Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, hệ thống ITS sẽ được đầu tư đồng bộ phục vụ cho quản lý, khai thác các tuyến cao tốc Bắc - Nam. Điểm mới là ngành giao thông sẽ không xây dựng trung tâm điều hành cho từng tuyến. Các trung tâm điều hành giao thông tuyến sẽ được xây dựng theo phương án ghép các tuyến cao tốc liền kề, đảm bảo trung bình từ 70 - 100km sẽ được điều hành bởi một trung tâm. Theo phương án này, các tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 có 7 trung tâm điều hành 11 tuyến cao tốc. Tương tự, giai đoạn 2 có 8 trung tâm, điều hành 12 đoạn tuyến. Theo kế hoạch, tháng 6/2024 sẽ khởi công xây dựng trung tâm điều hành thông tuyến và đến cuối năm nay sẽ hoàn thành 7 trung tâm thuộc các dự án cao tốc giai đoạn 1./.