Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn

(BKTO) - Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong những tháng đầu năm đã có nhiều khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, đằng sau “bức tranh” sáng màu đó vẫn còn không ít khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang phải đối mặt.

11.jpeg
4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 15% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa

Xuất khẩu tăng nhưng khó khăn vẫn tiềm ẩn

Bước qua những tháng đầu năm 2024, các DN ở nhiều ngành hàng chủ lực đã đón nhận những tín hiệu tích cực khi đơn hàng có sự phục hồi rõ nét, mang lại những kết quả khả quan về xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh tín hiệu vui từ việc đơn hàng quay trở lại, kim ngạch xuất khẩu có sự tăng trưởng; tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng nhận định, dự báo từ nay đến cuối năm, các DN vẫn phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức tiềm ẩn.

Trước hết, theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển vọng kinh tế thế giới còn khá nhiều bất định, kể cả về đà phục hồi tăng trưởng kinh tế và diễn biến giá hàng hóa. Đặc biệt, tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ kéo dài nhiều tháng nay chưa được giải quyết buộc các hãng tàu phải chuyển hướng vận chuyển dẫn đến nhiều hệ lụy, như: Tăng cước, tăng phí, thiếu container rỗng, giá container rỗng tăng cao, chậm trễ giao hàng... tạo thêm nhiều khó khăn cho DN.

Một trong những thách thức nữa đối với các DN xuất khẩu được các chuyên gia nhấn mạnh đó là chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Theo đó, trước xu hướng nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhiều nước đã gia tăng bảo hộ hàng hóa trong nước nhằm hỗ trợ ngành sản xuất nội địa của mình, trong đó có việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 249 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường. Số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các DN, ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Để rộng cửa cho xuất khẩu hàng hóa, hiện có 3 FTA Việt Nam đang đàm phán đó là: FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước: Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); tham gia đàm phán FTA giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Canada; FTA giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hiện cũng đang trong giai đoạn nỗ lực kết thúc đàm phán sớm.

Chia sẻ những thách thức đối với DN từ góc độ ngành hàng, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam - cho biết, đơn hàng đã dần quay trở lại với các DN giúp kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng da giầy tăng trưởng 5,7% sau 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, ngành da giày vẫn đang phải đối mặt với nhiều áp lực lớn. Chẳng hạn như, tại thị trường Liên minh châu Âu, các quy định về sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon… đã và sẽ được thực thi trong thời gian tới, đây là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam. “Nếu chúng ta muốn tham gia thành công vào chuỗi cung ứng, không có cách nào khác chúng ta buộc phải tuân thủ” - bà Xuân nhấn mạnh.

Tương tự, đối với ngành thủy sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm đạt 2,7 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù xuất khẩu thủy sản vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, song mức tăng trưởng này chưa đạt như kỳ vọng, trong khi các chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển liên tục tăng, cũng như áp lực tỷ giá tăng... Đây là những khó khăn mà nhiều DN xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt.

Doanh nghiệp cần tiếp tục nỗ lực vượt khó

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6% so với năm 2023, tương ứng kim ngạch xuất khẩu đạt 377 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu này, kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi quý còn lại của năm phải đạt 94,67 tỷ USD. Đây là thách thức không nhỏ, đòi hỏi các DN cần tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn để có thể thu được những kết quả tích cực trong hoạt động xuất khẩu, đóng góp vào việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm.

Muốn vậy, theo các chuyên gia, trước hết, các DN cần theo dõi sát diễn biến thị trường và những thay đổi chính sách của các đối tác nhập khẩu để đề ra những giải pháp thích ứng và điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp. Đồng thời, tận dụng hiệu quả hơn nữa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Chủ động nâng cao năng lực, kiến thức về phòng vệ thương mại để có thể vận dụng hiệu quả nếu xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu. Đặc biệt, DN cũng cần tiếp tục chú trọng đầu tư công nghệ, chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh và bền vững, nhằm bắt kịp xu hướng chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị, các DN cần đa dạng nguồn cung hàng hóa, khi ký kết hợp đồng cần lưu ý các điều khoản bất khả kháng, mua bảo hiểm đầy đủ để tránh rủi ro. Liên quan đến vấn đề vận chuyển hàng hóa quốc tế, DN cần tăng cường cập nhật thông tin từ các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải… để nắm bắt sớm thông tin.

Ngoài ra, các tham tán thương mại khuyến cáo, DN Việt cần cẩn trọng trong giao thương. Bởi, hiện nay đang có tình trạng lợi dụng chiến sự, một số đối tượng lừa đảo tự xưng là người của các tổ chức nhân đạo đang cần nhập khẩu lượng lớn hàng hóa nhằm mục đích cứu trợ, nên đưa ra các đơn hàng lớn, giá tốt. Khi có các đơn hàng kiểu như vậy, DN cần thận trọng và xác minh kỹ qua kênh đại sứ quán và thương vụ Việt Nam tại khu vực. Đồng thời, khi giao dịch, DN cần ký hợp đồng thanh toán theo hình thức thư tín dụng (L/C), có đặt cọc; không trả trước bất kỳ khoản phí nào liên quan đến chi phí môi giới hợp đồng, phí phát hành hóa đơn vì đây là hành vi lừa đảo phổ biến.

Về phía DN, các DN, hiệp hội ngành hàng cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ về tài khóa, tín dụng hiệu quả nhằm tạo thêm “trợ lực” cho DN; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, giúp DN khơi thông xuất khẩu hàng hóa; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu./.

Cùng chuyên mục
  • Đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông thông minh trên cao tốc
    3 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên cao tốc góp phần đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 8/34 tuyến cao tốc được lắp đặt hệ thống ITS. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống ITS và trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đối với các dự án đường cao tốc, nhất là tuyến cao tốc Bắc - Nam.
  • Tăng cường công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng
    3 tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Xây dựng vừa ban hành văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.
  • Nam Định: Xây dựng thị trấn Cồn sớm trở thành đô thị loại V
    3 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Để đáp ứng mục tiêu xây dựng và phát triển thị trấn Cồn đạt tiêu chí đô thị loại V vào năm 2024, Quyết định số 385/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nam Định đã nêu rõ danh mục các dự án ưu tiên đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng đô thị để hoàn thiện, nâng cao tiêu chuẩn phân loại đô thị.
  • Phiên đầu tiên có khối lượng vàng trúng thầu cao nhất
    3 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Trong phiên đấu thầu vàng ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ giá tham chiếu vào phút chót để tăng khả năng trúng thầu của các thành viên dự thầu. Đây là phiên đầu tiên có khối lượng vàng trúng thầu cao nhất, vượt qua kỷ lục 12.300 lượng của phiên 16/5.
  • Cao Bằng nâng cao hiệu quả các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI cấp tỉnh
    3 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Cao Bằng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ sở dữ liệu nền tảng, phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhằm khắc phục hạn chế trong công tác cải cách hành chính (CCHC) và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2024 và các năm tới…
Doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn