Đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc theo phương thức PPP

(BKTO) - Chiều 27/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì Hội nghị Phương án đầu tư một số dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và đường cao tốc CT.08, đoạn Nam Định - Thái Bình.

ct.jpeg
Cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sẽ tạo động lực phát triển kết nối vùng. Ảnh: binhphuoc.gov.vn

Báo cáo tóm tắt xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết việc xây dựng tuyến đường cao tốc này nhằm từng bước hoàn thiện đường cao tốc phía Tây, góp phần hình thành một tuyến đường mới phá vỡ thế độc đạo của QL14, kết nối vùng Tây Nguyên và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đắk Nông đi Bình Phước về TP.HCM, cũng như tạo thuận lợi kết nối với sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tạo bước đột phá cho vùng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Bà Trần Tuệ Hiền cho biết thêm, hiện đã có nhà đầu tư quan tâm thực hiện Dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP), có sự tham gia hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cũng cho rằng, đây là dự án quan trọng của vùng, liên vùng nên mặc dù trong điều kiện thu ngân sách của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn song Bình Phước luôn khẳng định quyết tâm triển khai xây dựng tuyến đường này.

Báo cáo tóm tắt Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc CT.08, đoạn Nam Định - Thái Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận nêu rõ, tuyến đường này nối với đường cao tốc đi qua tỉnh Ninh Bình được xác định là tuyến đường cao tốc liên vùng, hướng tới luồng giao thông không đi xuyên qua trung tâm các tỉnh, thành phố để giảm tải lưu lượng xe ngày càng lớn dồn vào các cửa ngõ các thành phố; mang lại lợi ích cho cộng đồng và mang ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế của các tỉnh trong khu vực.

Dự án có tổng chiều dài 60,9km với điểm đầu là cuối cầu vượt sông Đáy thuộc huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; điểm cuối tại nút giao QL37B và đường ven biển, địa phận huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; đầu tư theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh.

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương liên quan đều khẳng định quyết tâm trong việc chuẩn bị các nội dung của dự án để trình cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Đại diện các nhà đầu tư cũng khẳng định cam kết tham gia Dự án. Đại diện các Bộ, ngành liên quan đã làm rõ thêm các nội dung được nêu như tổng mức đầu tư dự kiến, phương án tài chính, khả năng cân đối nguồn vốn, huy động nguồn vốn, nguồn lực triển khai thực hiện.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) không chỉ phục vụ phát triển cho tỉnh Bình Phước và Đắk Nông, mà còn có vai trò quan trọng cho phát triển cả vùng Tây Nguyên kết nối khu vực Đông Nam bộ.

Còn tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, cùng với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông khi hoàn thành sẽ kết nối Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến Hải Phòng, tạo động lực phát triển cho cả vùng Đông Bắc bộ.

Với tầm quan trọng như vậy, việc sớm triển khai đầu tư 2 tuyến đường theo phương thức đối tác công - tư là rất cần thiết. Do đó, các địa phương liên quan cần đánh giá, rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Cùng chuyên mục
Đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc theo phương thức PPP