Thu hút 522 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD

(BKTO) - Tháng 3/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ năm 2022.

ttx.jpg
Việt Nam thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, có 522 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 62,1% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Có 234 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 2,6% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 1,21 tỷ USD, giảm 70,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, có 703 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 4,2% so với cùng kỳ; tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,22 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 3, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 73% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 71,6% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi thu hút vốn đầu tư tăng hơn so với cùng kỳ, xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 276 triệu USD (tăng gấp 2 lần cùng kỳ) và gần 151 triệu USD (tăng 37%).

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 1,69 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 26,3% so với cùng kỳ 2022.

Trung Quốc đứng thứ 2 với gần 552 triệu USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư, giảm 38,3% so với cùng kỳ. Đài Loan đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 477 triệu USD, chiếm gần 8,8% tổng vốn đầu tư, tăng 47,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Hà Lan…

Xét về số dự án, Hàn Quốc dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 15,5%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,9%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28,4%).

Tính đến ngày 20/3, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 4,3 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 2,7 điểm phần trăm so với 02 tháng đầu năm 2023.

Lũy kế đến ngày 20/3, cả nước có 36.881 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 444,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 278,3 tỷ USD, bằng gần 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài giảm sâu hơn trong 3 tháng đầu năm 2023.

Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ (giảm mạnh hơn so với mức giảm 5,3% trong 02 tháng đầu năm), chiếm 75,7% kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 59,34 tỷ USD, giảm 10,2% (giảm mạnh hơn so với mức giảm 5,5% trong 02 tháng đầu năm), chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt gần 50,47 tỷ USD, giảm 13% so cùng kỳ và chiếm 66,6% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm song tính chung trong 3 tháng đầu năm 2023, khu vực đầu tư nước ngoài vẫn xuất siêu hơn 9,4 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 8,9 tỷ USD không kể dầu thô./.F

Cùng chuyên mục
Thu hút 522 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD