Đầu tư tài chính Việt Nam - Hoa Kỳ sang trang mới

(BKTO) - Ngay trước thềm chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ, Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Việt Nam của tôi - Điểm đến đầu tư của bạn” được Bộ Tài chính tổ chức tại New York từ ngày 01 đến 05/7. Đây là một kênh đối thoại quan trọng giúp các DN, các nhà đầu tư Hoa Kỳ hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với tiềm năng phát triển và khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường tài chính Việt Nam.



Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị Ảnh: B.T.C
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: B.T.C
Theo thông tin của Bộ Tài chính, đến tháng 2/2015, Hoa Kỳ có 729 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 11 tỷ USD, đứng thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Đến nay, Hoa Kỳ có 995 nhà đầu tư tại Việt Nam, nắm giữ hơn 5 triệu trái phiếu, 8.500 chứng chỉ quỹ và hơn 1 tỷ cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán nhà đầu tư Hoa Kỳ sở hữu trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vào khoảng 1,6 tỷ USD. Quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ cũng không ngừng phát triển, quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ năm 2014 đã đạt gần 29 tỷ USD, tăng gấp 36 lần so với năm 2000.

Lần đầu tiên Việt Nam phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn từ thị trường Hoa Kỳ vào năm 2005 với lãi suất 6,8%. Lần tiếp theo vào năm 2010, lãi suất còn 6,7% và năm 2014, Việt Nam đã phát hành thành công trái phiếu Chính phủ tại thị trường này với lãi suất chỉ còn 4,8%. Đặc biệt, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đặt mua gấp trên 10 lần khối lượng trái phiếu Việt Nam chào bán, cho thấy sức hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam đang lớn dần.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo môi trường kinh doanh đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, nhiều quyết sách mới đã được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả của DNNN, thúc đẩy các DN hoạt động theo cơ chế thị trường, đồng thời phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều DN sau cổ phần hóa đã niêm yết trên TTCK và hầu hết đều có sự tăng trưởng với tổng tài sản tăng bình quân 12%/năm, tổng vốn chủ sở hữu tăng 16%/năm. Năm 2015, sẽ có 289 DNNN được cổ phần hóa, hơn 300 DN thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó có nhiều DN quy mô rất lớn, tổng giá trị các DNNN sẽ cổ phần hóa ước tính khoảng 25 tỷ USD với số lượng cổ phần chào bán khoảng 3,75 tỷ USD. Đây chính là cơ hội lớn cho các DN nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ.

Chia sẻ tại Hội nghị, tỷ phú Mỹ Wibur L. Ross - người có tài sản trên 3 tỷ USD, xếp thứ 200 tại Mỹ và 600 trên toàn cầu - cho rằng: Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư vào TTCK và DNNN cổ phần hóa. Nền kinh tế Việt Nam đã được cải cách với nhiều nỗ lực, trong đó có việc cải cách chính sách thuế và nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nên quan tâm tới những ngành có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam và lĩnh vực bất động sản.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Manulife - ông Peter F. Wikinson, người phụ trách quan hệ với Chính phủ và cơ quan quản lý, cho biết: 16 năm trước, Manulife đã đến Việt Nam vì nhận ra môi trường kinh doanh ở đây có nhiều lợi thế và Chính phủ luôn chủ động gỡ khó cho các chủ thể kinh doanh, nhất là các DN. “Chúng tôi đã có trải nghiệm đầu tư ở nhiều quốc gia và nhận thấy tương lai tươi sáng ở Việt Nam và mong muốn đầu tư nhiều hơn nữa vào đất nước này” - ông Peter F. Wikinson nói.

Tại Hội nghị, nhiều câu chuyện kinh doanh và kinh nghiệm thành công được các nhà đầu tư Hoa Kỳ chia sẻ. Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi đặt ra đã được các nhà quản lý tài chính của Việt Nam trao đổi, giải đáp với mong muốn tìm kiếm thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược Hoa Kỳ.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, tại phiên làm việc với Sở Giao dịch chứng khoán Nasdaq, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: Việt Nam muốn xây dựng quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng trong lĩnh vực tài chính, đưa sự hợp tác của hai Chính phủ lên tầm quan hệ mới vì lợi ích mỗi bên. Tiếp đó, Đoàn công tác đã làm việc với Tổ chức quản lý lĩnh vực tài chính (FINRA) - tổ chức thực hiện giám sát tuyến đầu đối với các công ty chứng khoán, quản lý các tổ chức và cá nhân hành nghề chứng khoán - nhằm thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ của TTCK hai quốc gia.

Những kết quả đạt được từ Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đầu tư tài chính, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Tạo được sự quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư, Hội nghị đã thu hút trên 160 tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư và các DN lớn của Hoa Kỳ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính của Việt Nam. Về phía Việt Nam, Hội nghị có sự tham gia của đại diện gần 30 DN và tổ chức, trong đó có những cái tên đáng quan tâm, đang cần gọi vốn đầu tư như Vinacomin, BIDV, Vinatex, SCIC và một số tổ chức tài chính trung gian (VinaCapital, HSC, VPBS, Dragon Capital…).

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
  • Các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở tổ chức thành công Đại hội, đảm bảo đúng quy định và thời gian
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Thựchiện chỉ đạo của Đảng ủy KTNN, đến ngày 08/7, toànbộ 32 Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ KTNN đã hoàn thành tổ chức Đại hộiđúng thời gian và đảm bảo các quy định, yêu cầu đặt ra.
  • Phát huy trí tuệ và trách nhiệm, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ, Chi bộ cơ sở
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN, các Đảng bộ và Chi bộ trực thuộc đã chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho công tác tổ chức Đại hội Đảng. Tuần qua, 7 Đại hội Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc đều được tổ chức trang trọng, nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo nguyên tắc và thành công tốt đẹp. Đặc biệt, các tổ chức Đảng cơ sở đã rất chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, đảng viên, quần chúng, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, dân chủ trong Đảng và sự đồng thuận cao trong toàn ngành.
  • Thể chế hóa mạnh mẽ tinh thần Hiến pháp
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Chiều ngày 26/6, kỳ họp thứ 9, Quốc hộikhóa XIII đã bế mạc, hoànthành chương trình đề ra về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọngcủa đất nước và giám sát tối cao.
  • 30 năm đổi mới: Dấu ấn và thách thức
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Đông đảo các chuyên gia kinh tế đã sôi nổi đóng góp ý kiến xây dựng cácchuyên đề “Tổng kết 30 năm đổi mới” và “Quản lý quá trình chuyển đổi” trong Báocáo Việt Nam 2035 tại Hội thảo cùng tên do Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ban chỉ đạoxây dựng Báo cáo “Việt Nam 2035” và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chứcngày 23/6, tại Hà Nội.
  • Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII:  Quốc hội thông qua Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi)
    8 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Bước vào tuần làm việc cuối của kỳ họp thứ 9, Quốchội (QH) khóa XIII, những ngày vừa qua QH tiếp tục thảo luận tại hội trường,cho ý kiến đối với một số dự án luật; đồng thời, QH đã biểu quyết thông quanhiều dự án luật quan trọng.
Đầu tư tài chính Việt Nam - Hoa Kỳ sang trang mới