Y tế cơ sở ghi dấu ấn bằng nhiều “điểm sáng”
Theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước. 100% huyện có trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác sĩ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn phòng khám tư nhân, phòng khám bác sĩ gia đình, bệnh viện tư nhân tương đương tuyến huyện.
Nhân lực y tế cơ sở từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng, trong đó nhân lực y tế tuyến huyện chiếm 34,6% trên tổng số nhân lực y tế, tuyến xã là 15,8%. Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của y tế cơ sở từng bước được đổi mới; cơ sở vật chất, thiết bị được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tiến từ nguồn đầu tư của địa phương và hỗ trợ của trung ương qua các chương trình, dự án.
Cùng với đó, khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên. Các trạm y tế xã thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm và bước đầu triển khai việc quản lý sức khỏe người dân; nhiều bệnh viện tuyến huyện đã triển khai được khoảng 75% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến. Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương đã tổ chức trạm y tế lưu động và xây dựng các bệnh viện dã chiến; bệnh viện tuyến huyện đã đóng góp rất lớn trong điều trị bệnh nhân Covid-19 (số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tuyến huyện chiếm khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân được điều trị của cả nước).
Hệ thống y tế dự phòng được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy, tổ chức đồng bộ từ trung ương tới địa phương. Công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm đạt được nhiều thành tựu nổi bật, ghi dấu trong cộng đồng quốc tế với nhiều “điểm sáng” như: Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế được dịch SARS, cúm A (H1N1); khống chế, đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm; cơ bản đã khống chế dịch HIV/AIDS và đặc biệt là việc kiểm soát được dịch Covid-19...
Cần những chính sách đột phá
Bên cạnh những kết quả tích cực, Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra không ít tồn tại, bất cập của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đó là, tổ chức hệ thống y tế cơ sở chưa ổn định, trải qua nhiều sự thay đổi, mô hình quản lý trung tâm y tế huyện chưa thực hiện thống nhất trên cả nước, làm ảnh hưởng tới việc bố trí, sắp xếp, ổn định nhân lực, sử dụng và quản lý vật lực, tài lực. Nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng được khi có dịch bệnh lớn xảy ra. Chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng còn thấp, chưa thỏa đáng nhưng chậm được điều chỉnh. Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương.
Đặc biệt, đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng". Cơ chế tài chính cho y tế cơ sở và y tế dự phòng chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu về chức năng nhiệm vụ và nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. “Việc quy định cơ chế tài chính, cơ chế giá và danh mục thuốc, thiết bị, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở, y tế dự phòng. Qua rà soát, vẫn còn một số địa phương chi cho y tế dự phòng ở mức thấp, chưa đạt ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Vẫn còn khoảng 20% số trạm y tế xã vẫn chưa được đầu tư kiên cố và khoảng 40% trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư cải tạo, xây dựng mới” - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết.
Làm rõ hơn những bất cập này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, từ sau khi có Nghị quyết số 19-NQ/TW đến nay, công tác tổ chức và quản lý y tế cơ sở vẫn “lùng bùng”. “Đề án và Nghị quyết số 19 nói rõ trung tâm y tế cấp huyện là giao cho địa phương quản lý, sau này Chính phủ cũng chỉ đạo như thế, nhưng hiện nay rất tùy tiện, Bộ Y tế cũng không rõ chuyện này. Ngay khi tôi làm Bí thư Hà Nội, Bộ Y tế cũng trả lời là tùy địa phương” - Chủ tịch Quốc hội chỉ ra thực tế và đề nghị chuyên đề giám sát lần này cần nêu rõ ngành y tế hay địa phương quản lý y tế cơ sở. Sau giám sát phải kiến nghị thống nhất mô hình quản lý trên toàn quốc và có lộ trình dứt điểm để giải quyết vấn đề này.
Đồng tình với những đánh giá của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ, thực tế thời gian qua, y tế cơ sở đã được quan tâm đầu tư song chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngoài nguồn lực còn hạn chế, nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng được. “Chúng ta có khoảng 92% các trạm y tế xã có bác sĩ, trong đó khoảng 78% là có bác sĩ cơ hữu. Nhưng qua làm việc thực tế có thể đánh giá trong vòng 5 năm nữa, hệ thống này còn giảm hơn rất nhiều. Nếu chúng ta không có những giải pháp về ưu tiên nguồn lực cũng như nguồn nhân lực, những chính sách đột phá cho hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng thì sẽ không thể làm được nhiệm vụ y tế cơ sở là nền tảng, là căn cứ để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và khi dịch bệnh xảy ra thì đây cũng là một “lỗ hổng” của hệ thống y tế” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.
Kết quả giám sát sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết với những chính sách cụ thể để phát triển hệ thống y tế cơ sở trong thời gian tới./.
Bên cạnh Nghị quyết giám sát của Quốc hội, Bộ Y tế cũng đang trình Ban cán sự đảng Chính phủ để trình Ban Bí thư một chỉ thị về phát triển hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó sẽ rà soát, đánh giá lại các nghị quyết của Đảng và quan điểm, mục tiêu về vấn đề phát triển hệ thống y tế cơ sở.
Bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế