Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp

Thời gian qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành nông nghiệp còn rất hạn chế. Thực trạng đó đòi hỏi các ngành chức năng phải dành sự quan tâm thích đáng, có các chính sách khả thi nhằm thúc đẩy làn sóng đầu tư FDI vào lĩnh vực này để hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2050 theo định hướng của Chính phủ.

b347aa9444dc9b82c2cd.jpg
Thu hút vốn FDI vào nông nghiệp ngoài việc chú trọng số lượng, cần quan tâm đến chất lượng dự án. Ảnh: N. LỘC

Vốn FDI vào nông nghiệp còn hạn chế

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), việc thu hút FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo việc làm cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Ngoài ra, khu vực FDI ngành nông nghiệp đã góp phần tích cực trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, việc thu hút vốn FDI vào ngành nông nghiệp nói chung còn nhiều hạn chế, chưa phát huy tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam. So với các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp nước ta chiếm tỷ trọng rất thấp và không ổn định. Bên cạnh đó, chất lượng các dự án FDI trong nông nghiệp chưa cao, phần lớn là các dự án quy mô nhỏ. Cơ cấu vốn FDI cũng chưa phù hợp theo định hướng, khi tập trung chủ yếu vào các dự án thu hồi vốn nhanh như: Chế biến nông sản, thực phẩm; các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường… có số lượng rất ít.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ngành nông nghiệp thu hút FDI đạt hiệu quả thấp. Trong đó, đầu tư vào lĩnh này vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro; thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Sản phẩm nông nghiệp thường có tỷ suất lợi nhuận thấp, chậm thu hồi vốn; việc triển khai các thủ tục hành chính vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư…

Thông tin thêm về thực trạng này, TS. Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn - cho biết, chúng ta chưa xây dựng được chiến lược thu hút và quy hoạch sử dụng FDI cho phát triển NNPTNT; chưa có cơ chế chọn lựa, đề xuất các dự án FDI ưu tiên cho các lĩnh vực. Trong khi nông nghiệp là lĩnh vực tương đối đặc thù và khó thu hút đầu tư so với các lĩnh vực khác, song ngành chưa có cơ quan chuyên trách theo dõi và giúp đỡ giải quyết vướng mắc trong quá trình xúc tiến và thực hiện các dự án FDI; cơ sở hạ tầng và tay nghề lao động ở khu vực nông thôn còn rất hạn chế, chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài... Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến cho nông nghiệp chưa tạo được sức hút, cũng như chưa thực sự phát huy hiệu quả thế mạnh của ngành.

Cần đảm bảo xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách

Theo đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT), để cải thiện môi trường đầu tư nhằm tăng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, Bộ sẽ thực hiện các nhóm giải pháp, như: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; rà soát quy hoạch sử dụng đất và đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở các địa phương... “Để đạt được hiệu quả trong thực thi chính sách, cần có sự gắn kết từ việc xây dựng kế hoạch, quá trình thực thi của Trung ương với địa phương và sự kết hợp của liên ngành, cũng như với doanh nghiệp và nhà đầu tư” - ông Tuấn cho biết.

TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn - cho rằng, bên cạnh chính sách quảng bá, mời gọi các doanh nghiệp, đặc biệt là thu hút nguồn vốn FDI cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, cần thiết phải xây dựng một cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để lựa chọn, đề xuất các lĩnh vực, địa bàn ưu tiên đầu tư ngay từ khâu mời gọi và xúc tiến đầu tư, từ đó nâng cao chất lượng dự án đầu tư. Ngoài ra, cơ cấu ngành nghề trong khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng cần được xem xét để đảm bảo sự phát triển chuyên môn hóa các ngành, đặc biệt là cần chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Theo TS. Nguyễn Anh Phong, để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng và logistics ngành nông nghiệp. Cụ thể, cần xây dựng chiến lược phát triển cụm ngành và logistics cho chuỗi giá trị nông nghiệp, dành ưu tiên cao về hạ tầng khi phối hợp với các địa phương xây dựng chương trình thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng 3 vùng còn nhiều tiềm năng về đất đai và phát triển nông nghiệp (Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc); đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng số để thu hút nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án nông nghiệp trong kỷ nguyên số…

Từ góc độ địa phương, ông Đỗ Minh Tuân - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên - cho biết, doanh nghiệp chính là yếu tố then chốt giúp cho ngành nông nghiệp nâng cao giá trị, thay đổi về tư duy, phương thức sản xuất. Do vậy, tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư. Trong đó, tập trung cải cách thủ tục hành chính liên quan đến toàn bộ quá trình đầu tư làm sao đơn giản, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp. Thực hiện nhất quán, minh bạch chính sách, quy trình cho thuê đất, hình thức thuê đất; ưu tiên các dự án có chất lượng và giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tạo thêm nhiều việc làm và hỗ trợ cho những khâu yếu trong chuỗi giá trị nông sản của tỉnh. “Mục tiêu là thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, về công nghệ, có sẵn thị trường tiêu thụ để gia tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp” - ông Tuân cho biết./.

Bộ NNPTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, nguồn vốn FDI đăng ký trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 25 tỷ USD, thu hút vốn vay đạt 5 tỷ USD và viện trợ không hoàn lại đạt 1 tỷ USD. Trong đó, tập trung vào các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường; các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh…

Cùng chuyên mục
  • Giảm tai nạn lao động: Cần quyết liệt xử lý những trường hợp vi phạm
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - 3 tháng đầu năm nay, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đã giảm song con số giảm này vẫn chưa được như kỳ vọng. Một trong các giải pháp để tiếp tục giảm TNLĐ là các ngành chức năng cũng như địa phương cần quyết liệt xử lý những trường hợp cố tình không tuân thủ các quy trình về an toàn vệ sinh lao động.
  • Sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trong thời gian nghỉ lễ
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Y đề nghị các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch trước, trong và sau dịp nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày 30/4-01/5/2023, không để dịch bùng phát.
  • Cải thiện các điều kiện làm việc an toàn cho người lao động
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Sáng 27/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - Cơ quan thường trực Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) - tổ chức Đối thoại định kỳ năm 2023. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới về ATVSLĐ (28/4) và là một trong những điểm nhấn trong Tháng hành động quốc gia về ATVSLĐ.
  • Tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp
    một năm trước Xã hội
    Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị triển khai “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NN&PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với chủ đề: Khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng Nông nghiệp Việt.
  • Phát triển du lịch nông thôn, phát huy thế mạnh vùng và cải thiện sinh kế cho người dân
    một năm trước Xã hội
    Trong bối cảnh ngành du lịch mở cửa sau những tác động của đại dịch với những thay đổi trong thói quen tiêu dùng và đi lại của du khách, du lịch nông thôn được đánh giá là lựa chọn mới phù hợp với tình hình hiện nay. Phát triển du lịch nông thôn cũng là định hướng được Chính phủ xác định để từ đó phát huy tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp, nông thôn, gắn với cải thiện sinh kế cho người dân, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp