Quang cảnh hội nghị- Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Ban hành 29 văn bản để cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng- Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Năm 2018, kinh tế-xã hội của nước ta có những chuyển biến tích cực, toàn diện, ta đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kế hoạch; tăng trưởng GDP đạt 7,08%, vượt kế hoạch đề ra. Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả trọng tâm trong chỉ đạo điều hành như: Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Năm 2018, Hội đồng tổ chức 12 phiên làm việc và hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước; tổ chức thành công Hội nghị công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (Báo cáo APCI 2018); đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách đối với các ngành kinh tế mũi nhọn và cải cách các vấn đề đang còn là rào cản, thách thức cho doanh nghiệp phát triển; được cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đánh giá tích cực. Năm 2018, Hội đồng đã tham gia ý kiến đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành…
Tính từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6%, vượt 10,6% so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ); các bộ, ngành đã trình ban hành và ban hành được 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 136,5%, vượt 36,5% so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ); giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỷ đồng.
Riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, với vai trò cơ quan thường trực Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh trong Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Bussiness) của Ngân hàng Thế giới; đã chủ trì điều phối và tổ chức các buổi làm việc của chuyên gia Ngân hàng Thế giới với các bộ, ngành liên quan để trao đổi về 06/10 chỉ số thành phần trong Doing Bussiness; đôn đốc các bộ, cơ quan liên quan cập nhật, cung cấp kết quả cải cách về chính sách, quy định, thủ tục hành chính của Việt Nam gửi Ngân hàng Thế giới, phục vụ xây dựng Báo cáo Doing Bussiness 2020; chủ trì 07 cuộc họp với 13 hiệp hội doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để tiếp nhận 69 vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp; đã kiến nghị giải quyết 54 vấn đề (15 vấn đề chưa đủ cơ sở xử lý), trong đó, 23 vấn đề đã được giải quyết; những vấn đề còn lại đã được các bộ tiếp thu và cam kết hoàn thành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Về việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025; tạo lập cơ sở pháp lý cho triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Ngày 12/3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới.
Trong năm 2019, tiếp tục hoàn thành và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Trung tâm chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet); Hệ thống thông tin tham vấn chính sách (e-Consultation)…
Đặc biệt, các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bảng xếp hạng quốc tế ngày càng được cải thiện. Ngày 6/4 vừa qua, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poors vừa công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”, đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức “B”. Điều này dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh, phản ánh môi trường hoạch định chính sách của Việt Nam đang được cải thiện.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Năm 2019 được Chính phủ xác định là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 05 năm 2016-2020, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hưởng ứng chủ đề của Chính phủ năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và xóa bỏ những rào cản hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phải, hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước, từ đầu năm đến nay, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã tổ chức 3 cuộc họp với các doanh nghiệp các ngành: Thủy sản, nông nghiệp, chế biến và công nghiệp nhẹ để tiếp nhận ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính và xác định cải cách TTHC là khâu then chốt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về cải cách TTHC, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Hội đồng Tư vấn mong muốn phát huy vai trò, khuyến khích sự tham gia của khối kinh tế tư nhân góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng như thúc đẩy việc cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh. Bày tỏ sự nhất trí với định hướng hoạt động của Hội đồng Tư vấn và nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC và từng thành viên tập trung thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ sau đây:
Tích cực, chủ động nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách và TTHC để mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân cũng như cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, trong đó cần tập trung vào những vấn đề thể chế còn nhiều khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề trọng tâm, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Thuế, hải quan, đầu tư, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện năng, kiểm tra quản lý chuyên ngành…
Các thành viên Hội đồng tích cực tham gia ý kiến đối với cơ chế, chính sách, TTHC trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời phản hồi về tính khả thi, tính hợp lý cũng như chi phí tuân thủ TTHC của các TTHC đã ban hành. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đề cao tính minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo đối với văn bản còn khiếm khuyết, không phù hợp, thiếu khả thi... Tuy nhiên, ý kiến góp ý phải rõ ràng, cụ thể; giải pháp nêu ra phải phù hợp và giải quyết được các vấn đề của thực tiễn để cơ quan quản lý hoặc người có thẩm quyền có thể quyết định được ngay, tránh những ý kiến thiếu xác đáng, một chiều.
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết: Hiện nay, có nhiều ý kiến đặt ra cần xác định những khâu đột phá mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, những yêu cầu của đổi mới sáng tạo, đầu tư cho hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cải cách thể chế, chính sách, phát luật, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Đây cũng là những vấn đề được xem xét cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh việc cải cách thể chế như pháp luật, phương thức vận hành của bộ máy nhà nước, trách nhiệm, đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, ý thức phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường xử lý và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Bởi ngoài chi phí giải quyết thủ tục hành chính theo luật nhưng vẫn còn dư luận các doanh nghiệp phải chi phí ngoài luồng”- Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Đây cũng là chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu cần phải khắc phục tình trạng này và Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo, ban hành Chỉ thị. Sắp tới đây, tập trung chỉ đạo để lan toả mạnh hơn trên tinh thần của Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.
Đánh giá về hoạt động của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, Hội đồng Tư vấn đã làm việc trách nhiệm và có hiệu quả trong tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã lắng nghe, đối thoại với các bộ, ngành, địa phương sát với thực tiễn, trúng và đúng vấn đề chứ không phải tư vấn bằng lý thuyết, đáp ứng yêu cầu của đổi mới sáng tạo, tháo gỡ những “nút thắt”, vướng mắc, khó khăn.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân phản ánh hiện nay các bộ ngành còn nhiều rào cản, nhiều thủ tục hành chính cần cải cách lại chưa cải cách, đây chính là “nút thắt”, cần lắng nghe địa phương, doanh nghiệp họ nói gì, cần gì để tháo gỡ kịp thời. “Chúng ta cứ nói trải thảm kêu gọi đầu tư nhưng có những thủ tục đến vài năm làm nhà đầu tư nản lòng”- Phó Thủ tướng Thường trực nói.
Đồng thời, muốn khắc phục tình trạng này, chúng ta phải thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương về tinh giản bộ máy và biên chế, hiệu lực hiệu quả, phương thức vận hành của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng, khảo sát, đánh giá theo chuyên đề như chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện năng; chuyên đề về chi phí tuân thủ TTHC… báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố công khai cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Hằng năm, Hội đồng Tư vấn thực hiện đánh giá và công bố Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC là một hoạt động có ý nghĩa, tuy nhiên, cần phải cẩn trọng trong thực hiện, việc đánh giá phải thực chất và hiệu quả.
Đồng thời, chủ động đối thoại giữa Hội đồng tư vấn với các bộ, ngành và địa phương đang có nhiều vấn đề lớn đặt ra như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đồng Nai, Bình Dương… để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là kinh tế khu vực tư nhân.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý Hội đồng Tư vấn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về cải cách hành chính, thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào những nội dung như: Giới thiệu những điểm mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong việc giải quyết thủ tục hành chính; những kết quả của việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Nghị quyết số 02/NQ-CP Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phải lan tỏa được khí thế và tạo động lực cải cách tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân để huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc xây dựng, phát triển đất nước.
PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)