Đẩy mạnh công tác vận động người lao động tham gia tổ chức Công đoàn

(BKTO) - Phấn đấu đến năm 2028 hệ thống Công đoàn cả nước có 15 triệu đoàn viên, đồng thời xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở có đủ năng lực, phẩm chất, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu xây dựng phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới.

3.jpeg
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: TTXVN

Chiều 30/11, trong khuôn khổ Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức diễn đàn “Đổi mới công tác vận động, tập hợp người lao động vào tổ chức Công đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết, trong bối cảnh tình hình mới, việc hình thành các tổ chức đại diện của người lao động (ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam) sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với Công đoàn Việt Nam. Thực tế đó đòi hỏi phải có những giải pháp căn bản, đột phá để đẩy mạnh công tác vận động người lao động tham gia tổ chức Công đoàn và nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở.

Từ thực tiễn hoạt động, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, mang lại nhiều thời cơ cũng như thách thức đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, internet, truyền thông di động, cán bộ Công đoàn có điều kiện kết nối và tương tác với đoàn viên và người lao động nhiều hơn; kịp thời nắm bắt thông tin về những vấn đề người lao động khó khăn, bức xúc và cả những mong muốn, nhu cầu của họ.

Phát triển đoàn viên và thành lập Công đoàn cơ sở được xác định là khâu đột phá, một trong những yếu tố quan trọng chính là chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở phải giỏi về kinh tế, thạo về quản lý; có kiến thức về kinh tế, về tiền lương để có thể thương lượng, thỏa thuận, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với chủ sử dụng lao động.Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang

Trong bối cảnh đó, tổ chức Công đoàn cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò, cũng như việc phải thích ứng nhanh chóng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nếu không sẽ không bắt kịp sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của công nghệ thông tin. Đồng thời, cần đổi mới sinh hoạt Công đoàn đảm bảo hấp dẫn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất, công tác của đoàn viên, sử dụng có hiệu quả các ứng dụng của internet trong sinh hoạt Công đoàn; đơn giản hóa các thủ tục để người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn.

Đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở cần được bồi dưỡng năng lực ở cả 3 khía cạnh: Kiến thức chuyên môn, lý luận; phương pháp tổ chức; tư tưởng và kinh nghiệm hoạt động. Để có được những Chủ tịch Công đoàn cơ sở có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phải được coi như một giải pháp cấp thiết, tiên quyết, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội nêu giải pháp.

Còn theo đại diện LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên và các hình thức phù hợp khác để tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cho công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở; có chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ, khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ Công đoàn, đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở.

Đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở, đại diện Công đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, việc phát triển đoàn viên phải gắn với cập nhật thông tin đoàn viên Công đoàn lên hệ thống quản lý và đa dạng hóa các các hoạt động chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên; thực hiện tốt cơ chế chính sách đối với cán bộ Công đoàn nói chung và cán bộ Công đoàn cơ sở nói riêng như đảm bảo tiền lương, khen thưởng, các chế độ phúc lợi… của cán bộ Công đoàn đặc biệt là đối với cán bộ Công đoàn chuyên trách như đối với cán bộ làm công tác chuyên môn

Tại Diễn đàn, bên cạnh việc thảo luận về các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển đoàn viên mới, các đại biểu đã nêu ý kiến về quản lý đoàn viên, chăm lo ngày càng tốt hơn lợi ích cho đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên; đánh giá, phân loại đoàn viên; xây dựng nhân tố đoàn viên tiên tiến, nòng cốt trong hoạt động Công đoàn; xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy tham mưu giúp việc các cấp Công đoàn phù hợp, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động của Công đoàn cơ sở, nhất là Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước.

Đồng thời, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp chăm lo công tác cán bộ Công đoàn, từ tuyển chọn, quy hoạch, quản lý, bố trí, sử dụng, luân chuyển và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ Công đoàn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn; đổi mới công tác cán bộ Công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh công tác vận động người lao động tham gia tổ chức Công đoàn