Đẩy mạnh đầu tư PPP - giải pháp hiệu quả để phát triển hạ tầng

(BKTO) - Cũng như các nước trong khu vực, Việt Nam đang có những hạn chế nhất định trong phát triển hệ thống phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT), nhất là vấn đề chất lượng, hiệu quả đầu tư công chưa cao, sai phạm trong quản lý, huy động vốn còn nhiều, chưa khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân… Bởi vậy, việc tìm ra những giải pháp toàn diện về cơ chế, chính sách để quản trị và huy động nguồn vốn đầu tư CSHT là vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam trong thời gian tới.



Nhiều thách thứckhi huy động vốn

Tại Hội thảo “Quản trị, huy động vốn và phát triển CSHT - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” do Chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư vừa phối hợp tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nêu rõ: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định 3 đột phá chiến lược của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại được tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị. Tính đồng bộ được bao hàm trong 10 lĩnh vực, riêng hạ tầng xác định 4 lĩnh vực trọng tâm cần được đầu tư cấp bách gồm: hạ tầng về giao thông; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng về thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng về đô thị.

Thực tế thời gian qua, các dự án với nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng CSHT ở Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù vậy, trong thời gian tới, việc phát triển CSHT vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về vấn đề quản trị, huy động vốn đầu tư. Trong đó, thách thức lớn nhất đến từ tình trạng quy mô nền kinh tế không lớn, ít tích lũy, khiến NSNN phải duy trì mức đầu tư cao, tạo áp lực cho việc bảo đảm cân đối vĩ mô, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, áp lực trần nợ công tăng cao trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình khiến nguồn lực dành cho đầu tư CSHT trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, việc cải cách thể chế, thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vẫn là thách thức lớn đối với các cơ quan của Chính phủ.

Đồng quan điểm nêu trên, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân cho hệ thống CSHT thông qua mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vẫn còn hạn chế do các nguyên nhân như: Nhà nước chưa có đủ nguồn lực tài chính tham gia; năng lực thực hiện còn yếu; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh và còn thiếu các cơ chế bảo đảm, bảo lãnh và chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư (rủi ro về doanh thu, rủi ro về chuyển đổi ngoại tệ…); cùng với đó là việc thực thi chưa đảm bảo yêu cầu về tính chuyên nghiệp và minh bạch của thị trường.

Ngoài ra, nền tài chính nước ta vẫn có những điểm nghẽn làm ảnh hưởng tới quá trình thực hiện đầu tư như: thị trường vốn tại Việt Nam chưa phát triển, các ngân hàng thương mại còn hạn chế về khả năng cấp tín dụng cho đầu tư phát triển CSHT; công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn hạn chế, bao gồm cả việc quản lý vốn đầu tư, kiểm tra, giám sát và sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương…

PPP sẽ mở ra cơ hộiđể phát triển hạ tầng

Cũng tại Hội thảo “Quản trị, huy động vốn và phát triển CSHT - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”, các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ nhiều nước cũng như đại diện các tổ chức quốc tế đều đưa ra nhận định: Để phát triển CSHT, hầu hết các quốc gia châu Á đã và đang đẩy mạnh thực hiện PPP vì cơ chế này mở ra cơ hội phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, khi dư địa tài khóa hạn hẹp, hình thức PPP cũng tạo ra những rủi ro mới.

Ông Kunio Umeda - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh Nhà nước đang quản lý chặt chẽ các khoản vay để hạn chế nợ công, cần thiết phải xây dựng nhiều giải pháp nhằm tối đa hóa các khoản đầu tư CSHT liên quan đến chất lượng, quản lý dự án. Những nhược điểm trong đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có thể kéo kinh tế Việt Nam đi chậm lại, do đó, Việt Nam cần tìm thêm nhiều phương án tài chính khác và một trong các phương thức hiệu quả là thông qua PPP. Hiện, Chính phủ Việt Nam đang tập trung mạnh mẽ để huy động vốn phát triển hạ tầng bằng hình thức này, tuy nhiên, muốn PPP phát huy hiệu quả, Việt Nam phải xây dựng thật tốt cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư.

Mọi CSHT chúng ta xây dựng đều phải có chất lượng cao và phải được quản lý tốt. Có như vậy, các CSHT này mới góp phần cải thiện hiệu quả kinh tế và giúp tăng cường chất lượng các dịch vụ cung cấp cho người dân. Nếu có thể thành công trong việc thực hiện hình thức PPP, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển rất mạnh - ông Kumino Umeda nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, để đạt được các mục tiêu về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai và hoàn thành các công trình, dự án hạ tầng lớn, vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là phải đưa ra các giải pháp toàn diện, trong đó có cơ chế, chính sách để quản trị, huy động vốn đầu tư.

Hiện nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế, các tổ chức tài chính như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Cơ quan Phát triển Pháp, các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia quốc tế... đã và đang phối hợp với Chính phủ Việt Nam trong việc nghiên cứu, đánh giá cũng như hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo hình thức PPP.

THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 04 ra ngày 24-01-2019
Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh đầu tư PPP - giải pháp hiệu quả để phát triển hạ tầng